Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 28/04/2024 | 15:50

Chủ nhật, 28/04/2024 | 15:50

Chính sách

Cập nhật lúc 23:07 ngày 01/08/2021

Cơ chế, chính sách đối với tổ chức khoa học - công nghệ: Vẫn chưa phù hợp thực tiễn

Các tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách cũng như tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động nghiên cứu khoa học, kích thích hoạt động đổi mới sáng tạo.
Đại diện Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, bên cạnh bề dày truyền thống, sự kết hợp kinh nghiệm của nhiều thế hệ với sức trẻ và sự sáng tạo của đội ngũ cán bộ, viên chức, Viện Năng lượng luôn được các thế hệ lãnh đạo Bộ Công Thương quan tâm chỉ đạo, các đơn vị trong bộ tích cực phối hợp, hỗ trợ toàn diện giúp viện có được những kết quả, thành tích trong hoạt động nghiên cứu khoa học.

Đổi mới cơ chế, chính sách sẽ tạo động lực để khoa học - công nghệ phát triển
Cùng với đó, ngành năng lượng nói chung và ngành điện nói riêng của Việt Nam đã, đang và tiếp tục có sự phát triển mạnh mẽ nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế. Bối cảnh này tạo nhiều cơ hội để Viện Năng lượng tham gia, đóng góp vào sự phát triển ngành năng lượng của đất nước.
Tuy nhiên, cơ chế, chính sách cho hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung và mô hình tổ chức KH&CN công lập tự bảo đảm chi thường xuyên nói riêng còn hạn chế về tính đồng bộ, thống nhất và thiếu các quy định về tính đặc thù, dẫn tới hạn chế tính tự chủ, chủ động của viện. Hơn nữa, do viện phải chủ động toàn bộ chi thường xuyên, nên công tác đầu tư, nâng cấp phòng thí nghiệm, mua sắm thiết bị, phần mềm tính toán và đào tạo nhân lực... còn gặp nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển thực tiễn của viện.
Cùng nhìn nhận về vấn đề này, Tiến sĩ Phan Đăng Phong - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí (Narime) cũng trần tình rằng, trong hoạt động nghiên cứu khoa học, viện gặp một số khó khăn như: Cơ chế, chính sách trả lương cho cán bộ theo Nghị định 54/NĐ-CP còn chưa thực sự khuyến khích, thu hút được các nhà khoa học cống hiến và làm việc tại viện. Cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu, triển khai còn phân tán, chưa đồng bộ…
Trong thời gian qua, viện đã chủ trì dự án KH&CN nhiệt điện đốt than theo Quyết định 1791/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cơ chế thực hiện thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị các nhà máy nhiệt điện trong giai đoạn 2012 - 2025, trong đó trực tiếp thực hiện 4 nhiệm vụ gồm: Hệ thống cung cấp than, hệ thống thải tro xỉ, hệ thống lọc bụi tĩnh điện và hệ thống phòng cháy chữa cháy. “Chúng tôi kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo chủ đầu tư các dự án nhiệt điện đốt than đầu tư trong nước tạo điều kiện và có cơ chế ưu đãi cụ thể để áp dụng các kết quả nghiên cứu thuộc phạm vi dự án KH&CN theo Quyết định 1791/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ” - Tiến sĩ Phan Đăng Phong bày tỏ.
Theo Vụ KH&CN (Bộ Công Thương), mặc dù cơ chế, chính sách đối với các tổ chức KH&CN nói riêng, hoạt động KH&CN nói chung liên tục được điều chỉnh, bổ sung, song trong quá trình thực hiện, các viện nghiên cứu còn gặp nhiều điểm vướng mắc, do vừa phải đảm bảo trách nhiệm, nghĩa vụ đối với mô hình là tổ chức KH&CN công lập, đồng thời, phải đảm bảo trách nhiệm, nghĩa vụ như đối với doanh nghiệp. Các quyền tự chủ trong hoạt động cung cấp dịch vụ, sản xuất, kinh doanh chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về cơ chế tiền lương, định mức sử dụng tài sản, quyền sử dụng đất, ưu đãi về thuế, vay vốn, quyền tự chủ và phân cấp quản lý trong đầu tư, mua sắm… dẫn tới hạn chế tính tự lập, chủ động của đơn vị.
Theo các đơn vị nghiên cứu, cơ chế, chính sách cho hoạt động của tổ chức KH&CN công lập còn nặng về hành chính, chưa tạo được môi trường thực sự thuận lợi để phát huy sức sáng tạo, thu hút nhân tài.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang