Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 02/05/2024 | 07:15

Thứ năm, 02/05/2024 | 07:15

Tin KHCN

Cập nhật lúc 11:31 ngày 09/08/2021

Chương trình Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2021 - 2030 “Chìa khóa” phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số

Với gần 15 triệu đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống trải dài ở 3/4 diện tích đất nước, vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS và MN) đến nay vẫn còn tồn tại rất nhiều khó khăn, bất cập. Chính vì vậy, áp dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) để nhận diện và giải quyết những vấn đề đặt ra đối với công tác dân tộc được xem là “chìa khóa” mở ra con đường phát triển bền vững cho vùng DTTS và MN.
Triển khai chủ trương của Quốc hội tại Nghị quyết số 88/2019/QH14 và chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 12/NQ-CP về triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14, Ủy ban Dân tộc (UBDT) đã xây dựng “Chương trình KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng DTTS và MN giai đoạn 2021 - 2030” (Mã số CTDT/21-25). Trong đó hướng tới mục tiêu lớn như: Nghiên cứu, cung cấp luận cứ, giải pháp khoa học; ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH&CN trên nền tảng văn hóa, tri thức truyền thống phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN.
Cần tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất cải tiến giúp đồng bào nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng
Theo ông Lê Sơn Hải - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT: Chương trình giai đoạn mới sẽ tập trung vào 6 nhóm vấn đề: Nghiên cứu bổ sung một số vấn đề lý luận về dân tộc, công tác dân tộc, cung cấp luận cứ, cơ sở khoa học phục vụ tổ chức thực hiện khả thi và hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia; nghiên cứu thí điểm một số giải pháp, cơ chế, chính sách từ đó bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật và các chương trình, dự án, đề án, chính sách của Nhà nước phù hợp và hiệu quả đối với vùng đồng bào DTTS và MN; xây dựng một số mô hình ứng dụng đồng bộ các giải pháp tổng thể phát triển KT-XH bền vững quy mô cấp cộng đồng đối với từng DTTS; xây dựng mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, giải pháp KH&CN dựa trên nền tảng văn hóa, tri thức truyền thống của đồng bào các DTTS; cập nhật, bổ sung, nâng cấp, duy trì hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về các DTTS và chính sách dân tộc; nâng cao nhận thức, trình độ ứng dụng KH&CN của doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, cộng đồng và người dân.
Việc triển khai nghiên cứu sẽ dựa trên nguyên tắc: Lấy văn hóa, tri thức cộng đồng, truyền thống của các DTTS làm nền tảng, phát triển KT-XH, môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh làm mục tiêu, KH&CN là giải pháp. Tất cả nhằm hướng tới các mục tiêu cụ thể như: Tham mưu có hiệu quả cho Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ các giải pháp, biện pháp về KH&CN để phục vụ công tác hoạch định và thực hiện hiệu quả, lâu dài chiến lược, chương trình, đề án, dự án chính sách dân tộc. Cùng với đó, nâng cao nhận thức, trình độ năng lực về KH&CN cho cán bộ làm công tác dân tộc trong việc xây dựng, thực hiện chính sách dân tộc; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH&CN, tiến bộ kỹ thuật cho đồng bào DTTS, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới ở vùng DTTS và MN.
Tại lễ ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2021 - 2030 mới đây giữa UBDT và Bộ KH&CN, hai đơn vị đã thống nhất nhiều nội dung phối hợp quan trọng. Trong đó, tập trung vào xây dựng thành công cơ sở dữ liệu vùng DTTS và MN để phục vụ công tác dự báo, dự tính, hoạch định, quản lý thực hiện chính sách dân tộc theo yêu cầu của Nghị quyết 88/2019/QH14; xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm ưu tiên, khuyến khích các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ nhằm phát triển KT-XH, môi trường gắn với đảm bảo an ninh – quốc phòng vùng DTTS và MN; Xây dựng, tổng kết, đánh giá, lựa chọn các mô hình ứng dụng KH&CN hiệu quả để nhân rộng trong đồng bào DTTS…
Trên thực tế, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã dành nguồn lực không nhỏ để KH&CN tham gia vào giải quyết những vấn đề cơ bản và cấp bách liên quan đến các DTTS và chính sách dân tộc ở Việt Nam. Hy vọng với những kết quả đạt được cùng sự quyết tâm, nỗ lực của hai cơ quan là UBDT và Bộ KH&CN, công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030 sẽ có thêm động lực, điều kiện để triển khai sâu, rộng, giải quyết được căn cơ những tồn tại, bất cập đặt ra ở vùng DTTS và MN.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang