Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 11/05/2024 | 13:21

Thứ bảy, 11/05/2024 | 13:21

Tin KHCN

Cập nhật lúc 15:04 ngày 17/08/2021

Ngành khoa học và công nghệ nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”

Trong thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tập trung chỉ đạo quyết liệt triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống, kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ
Riêng 6 tháng đầu năm 2021, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 16 văn bản (trong đó có 01 văn bản của Chính phủ, 15 văn bản của Thủ tướng Chính phủ). Theo đó, các chính sách, pháp luật về KH&CN được tập trung hoàn thiện để thúc đẩy chất lượng nghiên cứu theo chuẩn mực quốc tế, phát huy hiệu quả đầu tư đối với phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo; tổ chức triển khai hiệu quả và đồng bộ các Chương trình KH&CN cấp quốc gia đến năm 2030; phát triển toàn diện và bền vững hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia.
Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030 được triển khai theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm đổi mới và ứng dụng công nghệ (Ảnh: Quỳnh Nga)
Bên cạnh đó, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng KH&CN vũ trụ; ứng dụng công nghệ, đổi mới công nghệ tạo ra thay đổi đột phá về năng suất, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh; khuyến khích các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao; đẩy nhanh tốc độ và hiệu quả ứng dụng, phát triển trí tuệ nhân tạo trong tất cả các ngành, lĩnh vực; xây dựng quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập và quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050…
Đặc biệt, trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, Bộ KH&CN đã chủ động, tích cực triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển, ứng dụng công nghệ góp phần nâng cao năng lực phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, đã huy động lực lượng đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu ở Việt Nam và doanh nghiệp triển khai các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia nghiên cứu về đặc điểm dịch tễ học, chế tạo bộ KIT phát hiện SARS-CoV-2, xây dựng phác đồ điều trị, sản xuất vắc xin phòng Covid-19, sản xuất kháng thể đơn dòng, robot và máy thở phục vụ tình huống ứng phó với các cấp độ dịch bùng phát; thúc đẩy hợp tác công - tư trong hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ .
Bộ KH&CN cũng rất kịp thời tổ chức các buổi làm việc với các nhà khoa học đầu ngành và doanh nghiệp để cập nhật, trao đổi, đề xuất các công nghệ xét nghiệm các chủng vi-rút SARS-CoV-2 mới cũng như tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm lâm sàng vắc xin phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19. Phát huy nền tảng của Hệ tri thức Việt số hóa trong phòng, chống dịch Covid-19, Bộ KH&CN đã phối hợp với các bộ, ngành xây dựng bản đồ vùng dịch sử dụng Vmap, phát hiện những người có nguy cơ lây nhiễm tại các điểm du lịch, xây dựng phần mềm khai báo y tế.
Đồng thời, tham gia Tổ thông tin đáp ứng nhanh phòng, chống dịch Covid-19; huy động các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu kịp thời tạo ra các sản phẩm KH&CN phục vụ hiệu quả công tác truy vết, kiểm soát các ca bệnh, khoanh vùng, dập dịch, dự báo dịch tễ… Tổ đã thực hiện việc phân tích thông tin dữ liệu lớn kết hợp dịch tễ học và thực tiễn xã hội để cung cấp kịp thời cho Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế phục vụ chỉ đạo điều hành phòng, chống dịch .
KH&CN tiếp tục đồng hành với các ngành, lĩnh vực trong quá trình tái cơ cấu, cải thiện và nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, giúp doanh nghiệp chủ động nguồn cung sản phẩm, đảm bảo hoạt động sản xuất, làm chủ công nghệ trong các lĩnh vực khai thác và chế biến khoảng sản, chế biến, chế tạo, năng lượng, nông nghiệp...
Chẳng hạn, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước làm chủ được công nghệ chế tạo và lắp đặt trạm thủy điện nhỏ sử dụng tuabin trong ống có công suất một tổ máy đến 6MW nhằm khai thác năng lượng nước từ các hồ chứa thủy lợi Việt Nam; nội địa hóa các hệ thống thiết bị đồng bộ của kho nguyên liệu tổng hợp cho nhà máy xi măng công suất không nhỏ hơn 4.000 tấn clanke/năm; ứng dụng công nghệ blockchain, phân tích dữ liệu lớn, Internet kết nối vạn vật vào quản lý chuỗi sản xuất sản phẩm nông sản của Việt Nam…
Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
Một trong những hoạt động trọng tâm của Bộ KH&CN thời gian qua đó là tiếp tục rà soát, cắt giảm đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; thực hiện cải thiện toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN; tiếp tục triển khai các đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; thực hiện tốt các hoạt động dịch vụ chuyên ngành phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với đó, triển khai có hiệu quả các chương TBT (các biện pháp về hàng rào kỹ thuật trong thương mại) của Hiệp định FTA đã ký kết: Hiệp định TBT/WTO, Hiệp định CPTPP, EVFTA và các FTA khác. Đáng chú ý, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ nhằm đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tăng cường giải quyết thủ tục xác lập quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là thẩm định đơn sáng chế. Phối hợp với các Bộ/ngành/địa phương hỗ trợ hiệu quả việc đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của Việt Nam ở nước ngoài, nhất là đối với những hàng hóa tại thị trường tiềm năng. Điển hình, Vải thiều Lục Ngạn đã trở thành sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được chính thức bảo hộ là chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản từ ngày 12/3/2021, tạo tiền đề thuận lợi cho việc thúc đẩy bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các nông sản khác của Việt Nam tại thị trường khó tính này, đồng thời mở ra nhiều cơ hội mới cho việc xuất khẩu, tiêu thụ vải thiều Việt Nam ở các thị trường khác.
Mặt khác, triển khai các giải pháp để tiếp thu và làm chủ các công nghệ cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo. Hoàn thiện hành lang pháp lý để sớm triển khai Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030. Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai Chiến lược nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo. Tổ chức triển khai Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030 theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm đổi mới và ứng dụng công nghệ…
Theo các chuyên gia, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh và sự suy thoái nghiêm trọng của nền kinh tế thế giới, năm 2020, kinh tế nước ta vẫn kiên cường duy trì tăng trưởng dương 2,91%, là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới. 6 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng kinh tế đạt 5,64% cũng là mức khá cao so với các nước trên thế giới.
Năng suất lao động được cải thiện, bình quân giai đoạn 2016-2020 là 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011-2015 (4,3%/năm), và vượt mục tiêu đề ra (5%/năm). Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) bình quân 5 năm đạt khoảng 45,2% (mục tiêu đề ra là 30-35%). Trong thành công chung đó, có sự đóng góp của Bộ và của ngành KH&CN thông qua việc tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà Chính phủ phân công.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định cho biết, năm 2021 - năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội đất nước đến năm 2030, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương triển khai các nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật. Hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai Chiến lược phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2030; tiếp tục thực hiện nghiên cứu sản xuất vắc xin phục vụ công tác phòng, chống đại dịch Covid - 19; thúc đẩy phát triển mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia…
Theo: Kinh tế Việt Nam

lên đầu trang