Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 04/05/2024 | 23:39

Thứ bảy, 04/05/2024 | 23:39

Tin KHCN

Cập nhật lúc 15:04 ngày 17/08/2021

Hạn chế điều tra phòng vệ thương mại: Cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu

Đó là khẳng định của chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Vietnam với phóng viên Báo Công Thương trước hiện tượng số lượng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây.
Thời gian gần đây, số lượng các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh, theo ông tại sao lại có hiện tượng này?
Theo tôi, việc Việt Nam gia nhập vào các hiệp định thương mại tự do (FTA), tham gia sâu vào thị trường quốc tế thì việc hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài bị điều tra về chống bán phá giá (CBPG) là điều hết sức bình thường. Nhất là đối với những ngành quan trọng, đóng vai trò xương sống của ngành công nghiệp như ngành thép, thì nguy cơ bị điều tra PVTM lại càng cao hơn. Đặc biệt, điều này không chỉ xảy ra với riêng Việt Nam, mà với nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả những quốc gia có truyền thống sản xuất thép cũng gặp phải tình trạng tương tự.
Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình
Bởi vì CBPG chính là biện pháp PVTM của tất cả các quốc gia, kể cả khi đã tham gia các FTA, biện pháp này xuất hiện khi mà các quốc gia đó nhìn thấy lượng hàng nhập khẩu từ một quốc gia, hay một doanh nghiệp của quốc gia nào đó tăng mạnh vào thị trường nội địa, đe dọa hoặc làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của các doanh nghiệp trong nước, thì họ phải đứng ra để bảo vệ nền sản xuất trong nước…
Vì thế, trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia nhiều các FTA, tạo thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa, thì việc có nhiều các vụ kiện liên quan đến CBPG cũng là điều hết sức bình thường, không chỉ trong ngành thép mà nó có thể xuất hiện trong rất nhiều ngành khác nữa như thủy sản. Chúng ta cũng không nên coi đó là điều gì đó quá tệ mà nên có sự chuẩn bị, phòng vệ tốt nhất để chiến thắng trong các vụ kiện, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp xuất khẩu và ngành hàng.
Những vụ kiện CBPG xảy ra như vậy sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thương hiệu của doanh nghiệp sản xuất trong nước và xa hơn nữa là nền kinh tế Việt Nam, thưa ông?
Các vụ kiện CBPG sẽ tạo ra hệ lụy khi, vì lý do nào đó mà các doanh nghiệp bị kiện, rồi ngành, hiệp hội không theo những vụ kiện đó đến cùng thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp và ngành sản xuất đó. Nước nhập khẩu sẽ dựa vào đó để áp thuế cho sản phẩm của doanh nghiệp và ngành hàng thì chúng ta sẽ chịu mức thuế cao hơn. Nếu doanh nghiệp và cơ quan chức năng không giải trình được các câu hỏi của nguyên đơn điều tra thì họ sẽ sử dụng mức thuế đó, và các quốc gia nhập khẩu khác cũng sử dụng mức thuế đó để áp dụng với hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào quốc gia của họ, coi như chúng ta trở thành bán phá giá và ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp, đến ngành hàng và xa hơn là đến cả nền kinh tế.
Vì vậy, khi bị kiện CBPG, các doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng cũng cần nhìn nhận lại, xem hàng hóa mình sản xuất ra có yếu tố nào đó phi thị trường không, yếu tố nào được nhà nước trợ giá, chưa phù hợp với nguyên tắc thị trường thì cần xem xét, điều chỉnh. Còn nếu doanh nghiệp đã chuẩn bị đủ thông tin để chứng minh những gì nước nhập khẩu đưa ra là sai, thì hãy phối hợp với các hiệp hội, ngành hàng và cơ quan chức năng, đi đến cùng của vụ kiện và chứng minh rằng sản phẩm của doanh nghiệp làm ra hoàn toàn phù hợp với yếu tố thị trường, để bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp và ngành hàng trong nước.
Để hạn chế các vụ điều tra PVTM, theo ông, doanh nghiệp cần thực hiện những biện pháp gì?
Như tôi nói ở trên, một trong những nguyên nhân quan trọng của các biện pháp CBPG đó là hiện tượng xuất khẩu tập trung quá nhiều vào một thị trường của một doanh nghiệp hay một ngành hàng. Khi doanh nghiệp hay ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 20-30%/năm trong thời gian 2-3 năm liền vào một thị trường nào đó, thì sẽ bị các doanh nghiệp, cơ quan chức năng của nước nhập khẩu đưa vào “tầm ngắm” để điều tra về CPBG.
Do đó, để hạn chế tình trạng này các doanh nghiệp, hiệp hội và ngành hàng cần đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, tránh tập trung quá nhiều vào một thị trường. Bên cạnh đó, khi xuất khẩu, doanh nghiệp cũng nên xác định tâm thế có thể bị kiện bất cứ lúc nào, do đó cần có sự chuẩn bị kỹ về thông tin, giá cả, sản phẩm và các chính sách kế toán minh bạch… để sẵn sàng đối phó khi xảy ra tình huống bị điều tra PVTM, chứ không đợi đến khi bị kiện mới thu thập thông tin, như vậy thời gian quá ngắn sẽ dẫn đến tình trạng không đủ dữ liệu và đưa doanh nghiệp đến những tình thế bất lợi.
Xin cảm ơn ông!
Việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu không chỉ giúp doanh nghiệp hạn chế được những vụ kiện CBPG mà còn giúp doanh nghiệp, ngành hàng mở rộng thị trường xuất khẩu và quy mô sản xuất.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang