Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 18/05/2024 | 11:53

Thứ bảy, 18/05/2024 | 11:53

Chính sách

Cập nhật lúc 07:13 ngày 27/08/2021

Lấy doanh nghiệp làm trung tâm đổi mới và ứng dụng công nghệ

Thông qua việc triển khai chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, hàng trăm công nghệ, quy trình công nghệ được hấp thu và làm chủ, hàng chục bằng sáng chế, giải pháp hữu ích được đăng ký bảo hộ, năng suất lao động trung bình tăng mạnh, trong đó có doanh nghiệp có năng suất lao động tăng gấp 5,4 lần…
Doanh thu của doanh nghiệp tăng hơn 2 lần nhờ đổi mới công nghệ
Với tinh thần lấy doanh nghiệp làm trung tâm đổi mới và ứng dụng công nghệ, trong thời gian qua, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ với vai trò là cơ quan đầu mối đã chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện đã tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành nông nghiệp, công nghiệp, y - dược.
Đổi mới công nghệ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh
Qua đó, nhằm nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia, năng lực hấp thu công nghệ của doanh nghiệp; tạo ra các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm theo chủ trương, định hướng của nhà nước; hình thành và phát triển các sản phẩm, hàng hóa thương hiệu Việt Nam mới có khả năng cạnh tranh về chất lượng và giá thành.
Theo Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), từ 2013 - 2020, chương trình đã nhận được hơn 500 đề xuất trên cơ sở xác định các ngành, lĩnh vực và định hướng ưu tiên từ các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và hiệp hội ngành, nghề. Trên cơ sở này, Bộ Khoa học và Công nghệ đã lựa chọn được 58 đơn vị có năng lực tham gia thực hiện các nhiệm vụ.
Trong đó, gần 65% là các doanh nghiệp, huy động được 1.320 tỷ đồng vốn đối ứng ngoài ngân sách (chiếm 70% tổng kinh phí thực hiện), hỗ trợ từ ngân sách nhà nước chỉ chiếm phần nhỏ khoảng 30% (560 tỷ đồng). Các nhiệm vụ được triển khai tại hơn 20 tỉnh, thành phố trong cả nước và một số địa phương vùng kinh tế khó khăn, với các lĩnh vực công nghệ khác nhau, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh và địa phương.
Thông qua chương trình, hàng trăm công nghệ, quy trình công nghệ được hấp thu và làm chủ, hàng chục bằng sáng chế, giải pháp hữu ích được đăng ký bảo hộ, năng suất lao động trung bình tăng mạnh, trong đó một vài doanh nghiệp có năng suất lao động tăng gấp 5,4 lần.
Đặc biệt, sau đổi mới công nghệ, sản phẩm đã đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước và các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường nước ngoài, doanh thu của các doanh nghiệp tăng hơn 2 lần (tổng doanh thu trước khi đổi mới công nghệ của các dự án là khoảng 6.477 tỷ đồng, sau khi đổi mới công nghệ từ 1- 3 năm tăng khoảng 14.000 tỷ đồng), lợi nhuận tăng khoảng 2,4 lần so với trước.
Như vậy, những kết quả đạt được trong thời gian qua của Chương trình đã có những đóng góp đáng kể trong việc tạo lập nền tảng quan trọng thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực hấp thu, làm chủ công nghệ của một số ngành, lĩnh vực và góp phần hình thành một số sản phẩm thương hiệu quốc gia, sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm mới có sức cạnh tranh cao trên thị trường phù hợp với định hướng phát triển của ngành khoa học và công nghệ trong giai đoạn 2011 - 2020.
Thúc đẩy tăng năng suất lao động nhờ đổi mới công nghệ
Trong thời gian tới, mục tiêu của chương trình đổi mới công nghệ quốc gia tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, có giá trị gia tăng cao; thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp ở vùng nông thôn, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 15%/năm. 100% các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm trực tiếp tham gia chương trình hình thành các tổ chức nghiên cứu và phát triển; có từ 3 đến 5 ngành sản xuất sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm làm chủ hoặc tạo ra được công nghệ tiên tiến trong chuỗi giá trị để sản xuất ra các sản phẩm, có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao trên thị trường.
Đồng thời, thúc đẩy tăng năng suất lao động trên cơ sở đổi mới công nghệ, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn, sử dụng công nghệ cao; các doanh nghiệp trực tiếp tham gia Chương trình có năng suất lao động cao hơn ít nhất 1,5 lần năng suất lao động khi chưa đổi mới công nghệ. Hình thành tại mỗi vùng kinh tế ít nhất một mô hình nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ điển hình phù hợp với điều kiện đặc thù của địa bàn để triển khai nhân rộng.
Đến năm 2030, số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 20%/năm. 100% các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm hình thành tổ chức nghiên cứu và phát triển; có từ 8 đến 10 ngành sản xuất sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm làm chủ hoặc tạo ra được công nghệ tiên tiến trong chuỗi giá trị để sản xuất ra các sản phẩm, có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao trên thị trường.
Các doanh nghiệp trực tiếp tham gia chương trình có năng suất lao động cao hơn ít nhất hai lần năng suất lao động khi chưa đổi mới công nghệ. Hình thành tại mỗi vùng kinh tế ít nhất hai mô hình nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao công nghệ điển hình phù hợp với điều kiện đặc thù của địa bàn để triển khai nhân rộng.
Để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện chương trình đặt ra gồm: Hoàn thiện thể chế pháp lý thúc đẩy hoạt động đổi mới công nghệ; Xây dựng, triển khai lộ trình nâng cao năng lực công nghệ quốc gia; nghiên cứu, ứng dụng, làm chủ công nghệ tiên tiến trong việc sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm, có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị và có tính cạnh tranh cao trên thị trường; hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới công nghệ; tăng cường nguồn lực tài chính thực hiện chương trình; đẩy mạnh hợp tác quốc tế…
Theo: Kinh tế Việt Nam

lên đầu trang