Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 04/05/2024 | 02:34

Thứ bảy, 04/05/2024 | 02:34

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 08:52 ngày 06/09/2021

Sơn La: Bảo đảm an toàn thực phẩm là mối quan tâm hàng đầu

Là một tỉnh miền núi, Sơn La còn có những khó khăn đặc thù, tuy nhiên, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm luôn được tỉnh xác định là hoạt động thường xuyên, liên tục, góp phần ổn định thị trường, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Đình Phong, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sơn La cho biết, thực phẩm liên quan đến nhu cầu thiết yếu của con người và tất cả những quy định, luật, nghị định, thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành, các quy chuẩn… đều hướng tới mục tiêu cuối cùng đó là đảm bảo an toàn cho con người trong quá trình sử dụng, tiêu dùng. Đối với tỉnh Sơn La, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) luôn được tỉnh quan tâm đặc biệt và được triển khai một cách chủ động, kịp thời.

Lực lượng chức năng kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại siêu thị trên địa bàn tỉnh Sơn La
Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 13.729 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong thời gian qua, Sở Công Thương đã chủ trì và phối hợp các cơ quan liên quan tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho các nhóm đối tượng sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng như hướng dẫn cách phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; quyền lợi và nghĩa vụ của người tiêu dùng thực phẩm; phổ biến kiến thức, hướng dẫn lựa chọn và bảo quản, sử dụng thực phẩm an toàn; tuyệt đối không được kinh doanh các mặt hàng đã quá hạn sử dụng, hàng hóa bị mốc hỏng, không đảm bảo chất lượng…
“Ngoài việc nâng cao nhận thức của cộng đồng trong quá trình tiêu dùng, chúng tôi còn chú trọng hướng dẫn cho các cơ sở sản xuất chế biến các mặt hàng thực phẩm đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn, trong quá trình kinh doanh phải đảm bảo quy định nhà nước…” - ông Nguyễn Đình Phong nói.
Bên cạnh đó, tổ chức triển khai thực hiện kịp thời có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương, Ban chỉ đạo 389 quốc gia, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo 389 tỉnh, Ban chỉ đạo ATTP tỉnh về công tác đấu tranh chống buôn bán hàng giả và các hành vi vi phạm pháp luật khác trong hoạt động thương mại - công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Từ đó, góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quyền và lợi ích hợp pháp cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ngoài thành lập 02 đoàn kiểm tra liên ngành, Sở Công Thương còn tham gia phối hợp chặt chẽ với các đoàn kiểm tra khác trên địa bàn trong công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định đảm bảo ATTP. Theo đó, 6 tháng đầu năm 2021, tổng số cơ sở đã được kiểm tra về ATTP: 839 cơ sở, xử lý 84 cơ sở vi phạm. Các hành vi vi phạm chủ yếu là hàng nhập lậu, hàng hết hạn sử dụng, vi phạm về nhã hàng hóa, sử dụng phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc, về quy định chung và một số vi phạm khác.
Đáng chú ý, năm 2021, toàn tỉnh duy trì và phát triển ổn định 194 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn được cơ quan có thẩm quyền xác nhận, phấn đấu tăng 30% số chuỗi so với năm 2020 trở lên; diện tích, sản lượng nông sản, thủy sản thực phẩm an toàn áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP và các tiêu chuẩn tương tự tăng 20% so với năm 2020 trở lên.
Vì vậy, trong thời gian qua, tỉnh tiếp tục nhân rộng, mở rộng sản xuất tập trung vào các sản phẩm chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng với biến đổi khí hậu và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; thúc đẩy phát triển các vùng sản xuất nông sản thực phẩm an toàn.
Đồng thời, tích cực triển khai các chính sách tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, liên kết phát triển các chuỗi giá trị nông sản chất lượng cao, đảm bảo ATTP cung cấp cho người tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu; duy trì triển khai các chương trình giám sát ATTP nông, lâm, thủy sản; kịp thời phát hiện, cảnh báo, xử lý, xử phạt các hành vi vi phạm ATTP theo quy định; tăng cường quản lý thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi, chợ đầu mối nông sản thực phẩm an toàn…
Để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát ATTP trong thời gian tới, ông Nguyễn Đình Phong cho rằng, cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên tất cả các khâu sản xuất, chế biến, lưu thông thực phẩm; tăng cường công tác hậu kiểm sau cấp giấy chứng nhận, cấp giấy phép; thực hiện tốt công tác phối hợp với các lực lượng chức năng, các cấp, các ngành trong thực thi công vụ; thực hiện việc công khai kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Về phía Sở Công Thương tỉnh Sơn La, từ nay đến cuối năm, tiếp tục chủ động phối hợp với các cơ quan lực lượng chức năng trên địa bàn kiểm tra ATTP, trong đó, chú trọng kiểm tra xử lý vi phạm trong hoạt động sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh đối với các mặt hàng rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột và tinh bột thuộc phạm vi quản lý của ngành.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang