Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 03/05/2024 | 12:57

Thứ sáu, 03/05/2024 | 12:57

Chính sách

Cập nhật lúc 07:57 ngày 06/10/2021

Phát triển khoa học công nghệ và sáng tạo khởi nghiệp trong giáo dục đại học

Ưu tiên phát triển KHCN&STKN trong các nhà trường
Phát triển khoa học công nghệ và sáng tạo khởi nghiệp (KHCN&STKN) luôn là vấn đề được các cơ sở giáo dục đào tạo nói chung và các cơ sở giáo dục đào tạo ngành Công Thương nói riêng quan tâm và đẩy mạnh. Hàng năm, các trường đại học, cao đẳng trực thuộc Bộ Công Thương đều tích cực triển khai các chương trình/kế hoạch, dành nguồn kinh phí thích đáng để đầu tư, thúc đẩy các hoạt động phát triển KHCN&STKN, nhờ đó mà hoạt động KHCN&STKN tại các nhà trường đã đạt nhiều thành tựu đáng kể.
Tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, trong những năm gần đây, số lượng và quy mô các đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) ngày càng tăng, năm sau hơn năm trước từ 20-30%, đặc biệt là đề tài, dự án cấp bộ, tỉnh và cấp nhà nước. Số lượng các bài báo/công trình khoa học tăng nhanh, đặc biệt là công bố quốc tế.
PGS.TS. Trần Đức Qúy – Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Hà Nội chia sẻ: “Nhà trường có nhiều sáng chế/giải pháp hữu ích, những công trình KHCN được giải thưởng quốc gia, tiêu biểu như Hệ thống Đại học Điện tử đạt 3 giải thưởng: Giải Nhân tài Đất Việt, Sao Khuê, Vifotech. Hiện nay, sản phẩm đã hoàn chỉnh, được ứng dụng trong đổi mới quản trị của trường và được chuyển giao cho một số cơ sở đào tạo trong nước, góp phần tích cực cho công cuộc chuyển đổi số và quản trị đại học”.
Bên cạnh đó, nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho sinh viên, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội còn tổ chức cuộc thi “Sinh viên và ý tưởng khởi nghiệp” thu hút được hàng trăm nhóm ý tưởng đăng ký tham gia, tổ chức khoá đào tạo “Tư duy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp” giúp thay đổi tư duy người học sẵn sàng đón nhận những thử thách, cơ hội và chấp nhận sự đa dạng khác biệt….
Khoá đào tạo “Tư duy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp” tại trường ĐH Công nghiệp Hà Nội. (Ảnh: haui.edu.vn)
Tại trường Đại học Điện lực, hoạt động KHCN&STKN cũng sôi nổi không kém. TS. Dương Trung Kiên – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Điện lực cho biết: “Với chiến lược phát triển KHCN gắn kết với thực tiễn sản xuất và đào tạo, năm học 2020 -2021 trường Đại học Điện Lực đã triển khai thực hiện 55 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, tăng 14,5% so với năm học 2019-2020”.
Cùng với đó, nhà trường đã ký kết 02 hợp đồng dịch vụ khoa học và công nghệ; 86 Bài báo được đăng trên tạp chí chuyên ngành quốc tế và 221 bài báo đăng trên tạp chí chuyên ngành trong nước. Đặc biệt, hàng năm, nhà trường đều tổ chức cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên EPU” nhằm tạo ra sân chơi bổ ích cho sinh viên, khích lệ sinh viên trong phong trào nghiên cứu khoa học, thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Từ đó tìm kiếm, lựa chọn những ý tưởng sáng tạo có tính mới, khả thi để tư vấn, hỗ trợ ươm tạo và kết nối với các nhà đầu tư để triển khai thành hiện thực sau này.
Chung kết cuộc thi "Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên EPU" do trường Đại học Điện lực tổ chức. (Ảnh: epu.edu.vn)
Chia sẻ về những kết quả nổi bật của trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp, TS. Phạm Thị Thu Hoài – Chủ tịch HĐQT nhà trường cho biết, trong thời gian từ năm 2019 đến nay, nhà trường đã và đang thực hiện 5 nhiệm vụ cấp Bộ Công Thương, 3 đề tài cấp Sở cùng hàng trăm đề tài cấp cơ sở. Bên cạnh đó, đã có 781 bài báo đăng trên tạp chí chuyên ngành có tính điểm trong nước, 277 bài báo quốc tế, trong đó có 69 bài báo công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín.
Điểm nhấn trong việc nghiên cứu và công bố khoa học là nhà trường đã chú trọng triển khai các hoạt động phối hợp với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và chuyên gia bên ngoài như ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên, ĐH Phenikaa…để tạo ra các sản phẩm KHCN chất lượng.
“Sự kết hợp này bước đầu đã tạo ra sức mạnh chung về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, nâng cao năng lực nghiên cứu cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu của nhà trường, đồng thời cũng là yếu tố đẩy mạnh các hoạt động phục vụ, kết nối cộng đồng”, TS. Hoài nhấn mạnh.
TS. Hoài thông tin thêm, thúc đẩy sáng tạo khởi nghiệp sinh viên cũng được nhà trường hết sức chú trọng và tạo điều kiện phát triển. Nhà trường đã tổ chức thường niên cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên UNETI” có quy mô lớn và giải thưởng rất cao để khích lệ sinh viên trong phong trào NCKH, đòng thời tìm kiếm, lựa chọn những ý tưởng sáng tạo có tính mới, khả thi để kết nối với các nhà đầu tư triển khai thành hiện thực.
Phát triển KHCN&STKN hướng đến phát triển bền vững
Tại hội thảo quốc gia “Giải pháp khoa học kỹ thuật và phát triển kinh tế xã hội hướng đến mục tiêu phát triển bền vững” vừa được tổ chức, GS.TS. Trần Thọ Đạt - Nguyên Hiệu trưởng, Nguyên Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, năm 1987, trong Báo cáo Tương lai chung của chúng ta, Ủy ban Thế giới về Môi trường và Phát triển của Liên hợp quốc định nghĩa “phát triển bền vững”“phát triển đáp ứng được nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn thương khả năng cho việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai”. Ngày nay, phát triển bền vững vừa là nhu cầu cấp bách, vừa là xu thế tất yếu của tiến trình phát triển xã hội, không chỉ là sự lựa chọn mà là sự bắt buộc đối với các quốc gia trên thế giới.
Các cơ sở giáo dục, đào tạo ở Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế phát triển bền vững của thế giới. Đối với trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp, nhà trường đã xây dựng các giải pháp để thúc đẩy KHCN&STKN trong giai đoạn 2022-2025 đáp ứng mục tiêu chiến lược phát triển nhà trường theo định hướng phát triển bền vững.
Trình bày tham luận tại hội thảo, TS. Phạm Thị Thu Hoài – Chủ tịch HĐQT trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp cho biết, một trong các giải pháp thúc đẩy KHCN&STKN đó là thúc đẩy nghiên cứu trọng điểm, tạo mũi nhọn trong KHCN. Theo đó, nhà trường sẽ thành lập các nhóm nghiên cứu khoa học trọng điểm trong các lĩnh vực có thế mạnh trên cơ sở hợp tác với các chuyên gia, các cơ sở nghiên cứu ngoài trường để thúc đẩy việc công bố các công trình khoa học. Song song với đó, chủ động chuẩn bị năng lực và tìm kiếm cơ hội đăng cai tổ chức các hội nghị khoa học có sự tham gia của nhiều trường đại học trong nước và quốc tế.
Chia sẻ giải pháp về đổi mới STKN, TS. Hoài nhấn mạnh, nhà trường sẽ xây dựng không gian khởi nghiệp, môi trường khuyến khích ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong sinh viên; gắn hoạt động của các câu lạc bộ nghiên cứu khoa học sinh viên với hoạt động sáng tạo khởi nghiệp, tìm kiếm các nhà đầu tư có chiến lược gắn bó đầu tư lâu dài với các hoạt động sáng tạo khởi nghiệp trong Nhà trường…
“Nhà trường cũng sẽ tăng cường đào tạo cho sinh viên khả năng sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp thông qua các học phần giảng dạy kỹ năng mềm về tư duy sáng tạo, phản biện, quản trị kinh doanh và phát triển thương hiệu. Đồng thời, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và sáng tạo trong sinh viên trên nền tảng hoạt động của các câu lạc bộ chuyên môn và câu lạc bộ ngoại ngữ” – TS. Hoài nhấn mạnh.
TS. Hoài cho biết thêm, giai đoạn 2022-2025, nhà trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động KHCN chung với các hoạt động được tổ chức bởi Bộ Công Thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo… Đồng thời, tìm kiếm đối tác có tiềm năng về kinh phí đối ứng, kinh nghiệm và hướng nghiên cứu phù hợp với thế mạnh của trường để thực hiện liên kết, hợp tác NCKH; chú trọng công tác chuyên giao công nghệ, từng bước tìm cách đưa các kết quả nghiên cứu vào thực tế,…
Bích Phương

lên đầu trang