Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 03/05/2024 | 13:54

Thứ sáu, 03/05/2024 | 13:54

Tin KHCN

Cập nhật lúc 09:55 ngày 22/06/2013

Nhà máy đạm Cà Mau sắp cho ra đời sản phẩm mới – công nghệ hiện đại – chất lượng cao

Nhà máy đạm Cà Mau được thiết kế với công suất 800.000 tấn urê/năm, tổng mức đầu tư gần 900 triệu USD, với công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới. Bản quyền công nghệ của 3 phân xưởng công nghệ chính được cấp bởi 3 hãng uy tín là: Haldor Topsoe (Đan Mạch) cung cấp bản quyển công nghệ xưởng Amôniắc; Saipem (Italia) cung cấp bản quyền công nghệ xưởng Urê, và Toyo (Nhật Bản) cung cấp bản quyền công nghệ xưởng tạo hạt và các hệ thống phụ trợ được thiết kế bởi tổng thầu EPC.


Nhà máy đạm Cà Mau chính thức ký KOM vào ngày 20/8/2008, dự kiến sẽ cho ra sản phẩm đầu tiên vào cuối tháng 12/2011 và khánh thành Nhà máy. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa quan trọng đối với cả nước, do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư, và 2 đơn vị của Trung Quốc là: Tổng công ty Thiết kế Vũ Hán và Công ty Xuất nhập khẩu thiết bị CMC làm tổng thầu.

Thời gian là vàng

Theo ông Hoàng Trọng Dũng, Phó giám đốc dự án cho biết: Trải qua gần 38 tháng thi công xây dựng và lắp đặt, Nhà máy Đạm Cà Mau – công trình cuối cùng trong cụm công nghiệp Khí-Điện-Đạm Cà Mau, giờ đây chúng tôi và các lãnh đạo Tập đoàn đang giám sát, đôn đốc để hoàn thiện theo từng ngày, từng giờ, với hình ảnh, vóc dáng một nhà máy sản xuất phân đạm cực kỳ bề thế, to lớn, có hệ thống thiết bị công nghệ hiện đại từ các nước G7...

Bước chân đến công trường vào đầu tháng 11, điều ấn tượng đối với mọi người chính là việc nhà máy đạm đã hoàn thành cơ bản toàn bộ công tác lắp đặt cơ khí. Hầu hết tất cả các hạng mục lớn, quan trọng của công trình như phân xưởng sản xuất Amoniac, phân xưởng sản xuất urea, phân xưởng tạo hạt, các công trình điều hành, cụm nhà kho… đều đã hoàn chỉnh ở mức tối ưu. Đó là những phân xưởng khổng lồ của cỗ máy sản xuất phân urê hạt viên đầu tiên của Việt Nam, mọc lên sừng sững giữa vùng đất rừng ngập mặn U Minh Hạ, sẵn sàng chuyển sang giai đoạn vận hành phân xưởng tạo hạt vào 27/12/2011, sự thành công về đích này được đánh giá bằng công sức của lãnh đạo, người quản lý, và công nhân lao động trong ngành dầu khí, đây là việc làm mang đầy ý nghĩa, vì được vận hành vào đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam, tiếp theo đó, ngày 31/12/2011 này sẽ có sản phẩm và chính thức đưa ra thị trường, đồng thời, tháng 2/2012 nhà thầu sẽ bàn giao nhà máy cho chủ đầu tư.

Công nghệ Amoniac tiên tiến

Trong thập niên qua, chúng ta đã chứng kiến sự tăng trưởng của việc sản xuất phân urê hạt theo phương pháp ve viên. Đặc biệt, ở quy mô quốc tế, với công nghệ sản xuất phân urê hạt đục theo phương pháp ve viên ngày càng chiếm ưu thế cao, so với công nghệ sản xuất theo phương pháp phun tạo hạt. Nắm bắt xu hướng của thị trường trong nước và quốc tế. Lần đầu tiên, ở Việt Nam công nghệ tạo hạt tầng sôi TEC đã được áp dụng cho nhà máy đạm Cà Mau, và sẽ cho ra đời sản phẩm urê hạt đục, với nhiều ưu điểm vượt trội ở nhiều mặt như: Sản phẩm hạt lớn, đồng đều (kích thước hạt từ 2-4 mm, chiếm hơn 90 %); độ cứng cao, độ phân giải thấp; hàm lượng biuret thấp; hiệu suất làm khô cao; vận hành linh hoạt, linh động trong việc điều chỉnh kích thước hạt. Do đó, sản phẩm đạm hạt đục của đạm Cà Mau có hiệu quả sử dụng cao, đồng thời dễ phối trộn với các loại phân bón khác để bón kết hợp, dễ bảo quản, ít gây bụi, bảo đảm về môi trường... Ngoài ra, công nghệ tạo hạt tầng sôi TEC chỉ yêu cầu dịch urea ở nồng độ 96%, giúp giảm công suất hoạt động công đoạn bay hơi, cô đặc nhờ đó tiết kiệm chi phí về năng lượng.

Cùng với việc áp dụng công nghệ mới cho phân xưởng tạo hạt, các nhà bản quyền công nghệ hàng đầu thế giới đã quen thuộc, và được kiểm chứng qua thực tế ở Việt Nam được lựa chọn cho các phân xưởng Amoniac và urea, nhằm đảm bảo tính hiệu quả và ổn định cho nhà máy đạm Cà Mau. Công nghệ Amoniac được lựa chọn là công nghệ của Haldor Topsoe A/S nhà bản quyền lâu năm và uy tín trong lĩnh vực sản xuất Công nghệ Amoniac với  công nghệ sản xuất luôn được cập nhật và cải tiến. Công nghệ Haldor-Topsoe này được đánh giá cao trên toàn thế giới, là công nghệ tiêu hao năng lượng thấp, hiệu suất cao, do đã khẳng định được tính ưu việt của các cụm thiết bị công nghệ, cùng với đó, công nghệ tổng hợp urê của Snamprogetti sử dụng NH3 tự phân tách, trên cơ sở quá trình bay hơi tái sinh tuần hoàn toàn bộ và công nghệ tổng hợp urea của hãng Snamprogetti đã được chuyển giao thành công tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ, hiện đang được đội ngũ vận hành tiếp nhận để vận hành thành thục tại Nhà máy đạm Cà Mau.

Từ thực tiễn canh tác để chọn công nghệ tạo hạt urê

Các tài liệu nghiên cứu đã chỉ ra rằng: Nếu sử dụng đạm không được bón đúng lượng Nitơ trong phân đạm, có thể bị mất đến 65% vào bầu khí quyển dưới dạng NH3, hoặc bị rửa trôi. Những cách làm tăng hiệu quả sử dụng phân urê là: trộn phân vào đất trong thời gian chuẩn bị đất trồng, pha với nước tưới tiêu, hoặc tưới ngay sau khi bón với một lượng nước vừa đủ để hòa tan urê và đưa chúng ngấm xuống vùng không xẩy ra hiện tượng mất đạm do bốc hơi NH3, đồng thời, urê bắt đầu phân hủy ngay khi được bón xuống đất, nếu đất khô và nhiệt độ thấp thì quá trình xảy ra chậm. Nhưng, với sự hiện diện của một loại men phân hủy có sẵn trong đất được gọi là urease, cộng thêm với độ ẩm có trong đất, thì urê lập tức bị thủy phân chuyển hóa thành dạng ammonium và carbon dioxide. Điều này xẩy ra trong thời gian khoảng từ 2 đến 4 ngày, và nhanh hơn trong môi trường có độ PH cao.

Khi hạt urê tan, thì khu vực xung quanh trở thành một vùng có nồng độ PH cao, và khí ammoniac tập trung vùng này có thể khá độc hại với cây trồng trong vòng vài giờ. Hạt giống và cây non có thể chết, do khí ammonia mới được hình thành. Nhưng vùng độc hại này nhanh chóng trở thành trung tính với tất cả các loại đất khi ammoniac được chuyển hóa thành ammonium. Nếu độ hòa tan của phân đạm càng cao, thì khí ammoniac sinh ra lớn dẫn đến mất mát lớn và có thể gây độc hại cho cây trồng.

 Người ta có thể sử dụng một loại hợp chất có khả năng hòa tan thấp để bọc bên ngoài hạt urê, từ đó để hạn chế độ phân giải. Nhưng đây vẫn không phải là cách tối ưu mang đến hiệu quá sử dụng phân đạm lâu dài, vì sau một thời gian ngắn nhất định thì lớp vỏ bọc này cũng bị tan và mất tác dụng. Công nghệ MMU áp dụng tại nhà máy đạm Cà Mau mang lại hiệu quả sử dụng tối ưu, bằng cách trộn trực tiếp dung dịch MMU vào dòng dung dịch urea trước khi đi vào thiết bị tạo hạt. Các phân tử MMU phản ứng tạo thành các chuỗi polyme phân bố đều trong toàn bộ hạt urê (chứ không chỉ ở bề mặt) do đó, làm tăng độ cứng và giảm độ phân giải của hạt urê một cách đồng nhất.

Thực tế các thử nghiện tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng đã chỉ ra rằng: sản phẩm urê hạt đục cho thấy nhiều ưu điểm so với loại hạt trong, như hạt khô và có độ cứng cao nên không bị kết tảng, vỡ vụn, tăng thời gian hòa tan trong nước, tiết kiệm khoảng 5% lượng phân bón trên 1 đơn vị diện tích, lượng đạm có chất lượng cao hơn. Ngoài ra, phân urê hạt đục cũng không làm ảnh hưởng đến sự nẩy chồi, sâu bệnh hại trên lúa so với urê hạt trong nhập khẩu từ Trung Quốc".

Nhà máy Đạm Cà Mau đi vào hoạt động với công suất 800.000 tấn/năm, cộng với công suất hoạt động của Nhà máy đạm Phú Mỹ 800.000 tấn/năm, thì rõ ràng tính riêng sản lượng phân đạm của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam sản xuất và phân phối sẽ lên đến con số 1,6 triệu tấn/năm. Ước tính có thể đáp ứng được 80% nhu cầu phân đạm của thị trường nội địa, tiến tới sản phẩm phân đạm của Việt Nam sẽ có mặt trên thị trường khu vực và thế giới, và sẽ không còn tình trạng lệ thuộc vào nguồn phân bón nhập khẩu với giá cả bấp bênh, chất lượng sản phẩm không đảm bảo. Hy vọng, trong tương lai không xa, bà con nông dân vui mừng đón nhận phân đạm urê chính hãng do Việt Nam sản xuất với chất lượng đạt chuẩn.

Kim Tuyến

 

 

lên đầu trang