Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 09/05/2024 | 03:25

Thứ năm, 09/05/2024 | 03:25

Tin KHCN

Cập nhật lúc 21:33 ngày 09/10/2021

Ngành cơ khí: Bước tiến trong nội địa hóa

Với những chính sách hỗ trợ, khuyến khích của nhà nước, cũng như nỗ lực của các đơn vị cơ khí trong nước, đến nay ngành cơ khí Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong việc nội địa hóa các thiết bị cho các ngành công nghiệp.
Sản phẩm đa dạng, chất lượng cao
Cơ khí là ngành công nghiệp nền tảng, được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển nhanh, bền vững, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, tăng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng như đảm bảo khả năng tham gia sâu, có hiệu quả của nền kinh tế vào mạng sản xuất và phân phối toàn cầu, góp phần giúp nền kinh tế tăng trưởng bền vững, dài hạn.

Hệ thống lọc bụi tĩnh điện tại Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1 do NARIME cung cấp
Đáng mừng là thời gian qua, năng lực thiết kế, gia công, chế tạo của các đơn vị cơ khí trong nước đã từng bước được nâng cao, lực lượng nghiên cứu khoa học, quản lý, công nhân lành nghề ngày càng lớn mạnh. Các sản phẩm cơ khí được nội địa hóa đa dạng với chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Nhiều sản phẩm đã được các đối tác nước ngoài đặt hàng cho các dự án trong nước cũng như xuất khẩu ra nước ngoài.
Đi đầu trong nội địa hóa thiết bị, phải kể đến Viện nghiên cứu Cơ khí (NARIME) - đơn vị có nhiều năm kinh nhiệm trong lĩnh vực tư vấn công nghệ, thiết kế và chế tạo thiết bị cho hệ thống vận chuyển nguyên liệu cho các nhà máy công nghiệp như hệ thống vận chuyển nguyên liệu, vật liệu cho nhà máy bauxite Nhân Cơ và nhà máy bauxite Tân Rai; các hệ thống vận chuyển tro, xỉ và hệ thống lọc bụi cho các nhà máy Thái Bình 1 và Nghi Sơn 2, hệ thống cấp than cho Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1…
Bên cạnh đó, Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp (IMI), Viện Khoa học và Công nghiệp Mỏ - Luyện kim... là những đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn, thiết kế công nghệ, thiết kế chế tạo các phụ tùng và thiết bị cho dây chuyền xi măng lò quay như lọc bụi túi, lọc bụi tĩnh điện, dây chuyền đóng bao xi măng.
Một số doanh nghiệp Việt Nam cũng đã có khả năng thiết kế, chế tạo động cơ công suất đến 5MW, các chủng loại biến áp đến 500kV, chất lượng tương đương sản phẩm cùng loại của châu Âu, đưa Việt Nam trở thành một trong số ít nước thuộc Đông Nam Á có khả năng chế tạo các loại máy biến áp công suất lớn…
Đủ năng lực làm tổng thầu các công trình lớn
Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện một số đơn vị ngành cơ khí chế tạo trong nước đã có đủ năng lực làm tổng thầu các công trình lớn hàng tỷ USD, một số sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn chất lượng tương đương với sản phẩm nhập khẩu, đủ điều kiện xuất khẩu cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài.
Tiến sĩ Phan Đăng Phong - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí - chia sẻ, đến nay, Viện đã là đối tác tin cậy của nhiều tập đoàn đa quốc gia như Honda, Toyota, Doosan… cũng như các tập đoàn trong nước như EVN, TKV, VinGroup… Một số sản phẩm, giải pháp của Viện đã trực tiếp cạnh tranh và thắng thầu các công ty lớn của nước ngoài mà trước đó Viện tham gia làm thầu phụ.
“Định hướng phát triển của NARIME đến năm 2030, tầm nhìn đến 2040 đó là trở thành đơn vị tư vấn độc lập hàng đầu ở Việt Nam, có uy tín trên thị trường quốc tế, đủ năng lực lập dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công cho các dự án công nghiệp” - Tiến sĩ Phan Đăng Phong nhấn mạnh.
Thông qua kết quả khoa học và công nghệ, một số viện nghiên cứu, tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp công nghiệp cơ khí chế tạo đã khẳng định được thương hiệu và vị trí của mình không những ở thị trường trong nước mà còn trên thế giới.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang