Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 29/04/2024 | 04:16

Thứ hai, 29/04/2024 | 04:16

Chính sách

Cập nhật lúc 21:17 ngày 21/10/2021

Tiếp thu các ý kiến góp ý xây dựng Dự thảo Nghị định Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.
Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan được giao nhiệm vụ xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Từ ngày 15/6/2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đăng tải toàn văn Dự thảo Nghị định và công khai lấy ý kiến rộng rãi của các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, doanh nghiệp và người dân.
Nhằm tiếp thu các ý kiến góp ý, hoàn thiện Dự thảo Nghị định, sáng ngày 18/10, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã chủ trì cuộc họp với một số Hội, Hiệp hội doanh nghiệp về dự thảo Nghị định Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà (Ảnh: Bộ Tài nguyên và Môi trường)
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh tại buổi làm việc, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã thể chể hóa nhiều chủ chương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, có nhiều chế định mới bảo đảm “không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế bằng mọi giá”; cắt giảm và cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh... Việc khẩn trương xây dựng và hoàn thiện dự thảo Nghị định để trình Chính phủ ban hành là nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách để nhanh chóng đưa các quy định của Luật vào cuộc sống.
Tại cuộc họp, nhiều nội dung trong Dự thảo Nghị định đã được các đại biểu tham dự trao đổi, thảo luận cùng Ban soạn thảo để cùng thống nhất những vấn đề chung và hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường bền vững tại Việt Nam trong thời gian tới.
Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giải đáp nhiều vấn đề xung quanh nội dung Dự thảo Nghị định. Trong đó, liên quan đến thủ tục hành chính, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, hiện nay, với Luật Bảo vệ môi trường thông qua thời gian và thủ tục hành chính đã giảm được 34%, Bộ Tài nguyên và Môi trường đứng thứ 5 trong các Bộ, ngành thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin và cắt giảm các thủ tục hành chính, doanh nghiệp và người dân được hưởng lợi từ những chính sách này. Đối với việc kiểm tra, kiểm soát, Bộ trưởng cho biết, chỉ dự án có nguy cơ, phải đi kiểm tra để đảm bảo công tác bảo vệ môi trường được chặt chẽ nhất.
Phản hồi về những khó khăn của Hiệp hội sản xuất ô tô, xe máy Việt Nam trong việc thu gom, tái chế đối với ô tô, xe máy từ người tiêu dùng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã có quy định về lộ trình không sử dụng các phương tiện giao thông sử dụng các nhiên liệu gây ô nhiễm môi trường, hiện nay, rất nhiều phương tiện ô tô, xe máy cũ là tác nhân gây nên ô nhiễm không khí. Do vậy, thời gian tới, việc tổ chức thực hiện ban đầu có khó khăn, Bộ trưởng mong muốn các doanh nghiệp, Hội, Hiệp hội đóng góp thêm cho cơ quan Nhà nước để tạo ra sự cân bằng trong phát triển.
(Ảnh: Bộ Tài nguyên và Môi trường)
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà ghi nhận những ý kiến đóng góp của các Hội, Hiệp hội đều ủng hộ các quy định của Dự thảo Nghị định và hướng tới các mục tiêu bảo vệ môi trường. Trên cơ sở các ý kiến của các đại biểu, cơ quan soạn thảo tiếp tục tiếp thu và chỉnh sửa. Những vấn đề chung sẽ đưa vào trong Nghị định, những vấn đề chi tiết hơn và thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng sẽ đưa vào trong thông tư hướng dẫn.
Bộ trưởng cũng cho biết, trong thời gian này, do bị ảnh hưởng từ COVID-19, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ báo cáo và đề nghị Quốc hội, Chính phủ xin miễn, giảm một số chính sách nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, Hiệp hội.
Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến đóng góp từ thực tiễn của các hội, hiệp hội để đưa ra những chính sách chung có tầm nhìn dài hạn, phù hợp với tiến trình hội nhập và phát triển của đất nước, tạo sự công bằng về môi trường cho người dân Việt Nam ngang bằng với các nước phát triển.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trên cơ sở kết luận của Bộ trưởng tại buổi làm việc, đại diện các Hiệp hội tham dự cuộc họp thống nhất với nội dung kết luận và đề nghị cơ quan soạn thảo căn cứ vào kết luận này tiếp thu, chỉnh lý trong Dự thảo Nghị định.
Bộ Công Thương đã gửi văn bản góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Theo đó, nội dung góp ý tập trung 6 nhóm vấn đề quan trọng liên quan đến công tác bảo vệ môi trường ngành Công Thương: Về chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công Thương; Về tái chế, cơ chế ưu đãi sản phẩm thân thiện môi trường và kinh tế tuần hoàn; Về phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; Về thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường; Về Hồ sơ cấp phép môi trường, ĐTM, ĐMC; Những vấn đề khác...
Theo moit.gov.vn
lên đầu trang