Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 28/04/2024 | 05:57

Chủ nhật, 28/04/2024 | 05:57

Tin KHCN

Cập nhật lúc 11:41 ngày 28/10/2021

Chuyển đổi số: Vẫn còn hạn chế

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, những phương thức quản trị kinh tế truyền thống đã bộc lộ nhiều vấn đề đòi hỏi phải sửa chữa, chuyển đổi. Vì vậy, nền kinh tế số ngày càng có ý nghĩa quan trọng nhằm xây dựng khả năng chống chịu và phục hồi, sửa chữa các đứt gãy của chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, thực tế chỉ ra, vẫn còn nhiều hạn chế trong quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.
Theo ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), trình độ nhận thức về nền kinh tế số cũng như quá trình chuyển đổi và thực hiện vẫn còn nhiều hạn chế, không những giữa người dân và doanh nghiệp, mà ngay cả các cơ quan nhà nước do thiếu kinh nghiệm, nguồn nhân lực và đặc biệt là nguồn lao động công nghệ thông tin chất lượng cao.
Cần tập trung chuyển đổi sang quy trình sản xuất tiên tiến dựa trên ứng dụng công nghệ số
Dẫn báo cáo Kinh tế hàng năm (2019) của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Việt Nam (VEPR), ông Hải cho hay, khoảng 85% doanh nghiệp Việt Nam đứng ngoài lề nền kinh tế số và chỉ khoảng 13% mới chập chững bước đầu tham gia vào nền kinh tế số.
“Nền kinh tế số ngày càng có ý nghĩa quan trọng đối với khả năng chống chịu và phục hồi của khu vực và toàn cầu nhờ tính kết nối và khả năng tiềm tàng sửa chữa các đứt gãy của chuỗi cung ứng gây ra bởi các lệnh phong tỏa trong đại dịch. Do vậy, cả người dân, doanh nghiệp và Chính phủ cần chuẩn bị để thích nghi và tranh thủ nền kinh tế số nhằm đáp ứng với “bình thường mới” cũng như thúc đẩy sự phục hồi và tăng trưởng bền vững, công bằng” - ông Hải nhấn mạnh.
Chỉ ra vấn đề mấu chốt trong chuyển đổi số, TS. Nguyễn Tuấn Hoa - Chủ tịch Hội đồng chuyên gia chuyển đổi số, Ban cố vấn Công ty FSI cho biết, muốn xây dựng được nền kinh tế số thì phải thực hiện được chuyển đổi số trong tất cả các đơn vị kinh tế. Đây thực sự là một cuộc cách mạng trong từng doanh nghiệp, đơn vị kinh tế chứ không đơn thuần là phong trào ứng dụng các công nghệ số. “Hãy xem chuyển đổi số như cơ hội thay đổi một cách toàn diện, từ bỏ các thói quen, tập quán truyền thống, tiếp nhận và định hình những giá trị mới” - ông Nguyễn Tuấn Hoa nhấn mạnh
Để xây dựng Việt Nam trở thành một nền kinh tế số, theo ông Hoa, các doanh nghiệp công nghệ như: FSI, FPT, CMC,… nên tập trung, đầu tư thêm vào việc nghiên cứu và ứng dụng các xu thế công nghệ mới, sáng tạo các giải pháp, phần mềm chuyển đổi số có tính ứng dụng nhanh, đơn giản. Các giải pháp công nghệ make by Việt Nam sẽ phù hợp với đặc thù cũng như văn hóa của doanh nghiệp Việt, giúp các tổ chức, doanh nghiệp không còn phụ thuộc quá nhiều vào các phần mềm của nước ngoài với chi phí cao, khó sử dụng.
Ông Hoa cho rằng, quá trình chuyển đổi số cần tập trung thay đổi quy trình sản xuất truyền thống sang quy trình sản xuất tiên tiến dựa trên ứng dụng công nghệ số. Tiếp đó, từng bước thay đổi từ phương thức bán hàng truyền thống sang bán hàng qua các sàn thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến. Bên cạnh đó, cần làm quen và hình thành các tập quán mới trong kỷ nguyên số (quan hệ xã hội, sở hữu tài sản, cung cấp dịch vụ, trách nhiệm với môi trường…). Cuối cùng, chúng ta cần xây dựng văn hóa số, thực hiện chuyển đổi số toàn diện trong từng tổ chức, doanh nghiệp.n
Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, kinh tế số sẽ chiếm 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang