Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 08/05/2024 | 02:33

Thứ tư, 08/05/2024 | 02:33

Tin KHCN

Cập nhật lúc 08:23 ngày 01/11/2021

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ RPA phát triển kinh tế số

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) và Công ty TNHH Phần mềm FPT (FPT Software) đã tổ chức Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác đẩy mạnh ứng dụng công nghệ RPA phát triển kinh tế số. Hai bên thống nhất hợp tác toàn diện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ Tự động hóa vận hành doanh nghiệp (Robotic Process Automation - RPA) trong phát triển kinh tế số giai đoạn 2021-2025. Trong đó, giải pháp ứng dụng RPA toàn diện akaBot và giải pháp phần mềm tự động đọc và xử lý hóa đơn UBot Invoice được lựa chọn để giới thiệu tới cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) và Công ty TNHH Phần mềm FPT (FPT Software) ký thỏa thuận hợp tác. (Ảnh: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số)
Theo thỏa thuận, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ phối hợp với Công ty TNHH Phần mềm FPT nghiên cứu, phát triển và triển khai thử nghiệm ứng dụng công nghệ RPA trong chuyển đổi số doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực kinh doanh như sản xuất, bán lẻ, quản lý nội bộ, tài chính… cũng như hướng tới phát triển Chính phủ điện tử tại Bộ Công Thương.
Các thỏa thuận tập trung vào những điểm mấu chốt bao gồm: (i) Triển khai ứng dụng RPA trong cộng đồng doanh nghiệp; (ii) tư vấn, đào tạo nguồn nhân lực về công nghệ RPA; (iii) nghiên cứu và xây dựng đề án triển khai RPA phục vụ quản lý điều hành tại Bộ Công Thương.
Đây được xem là bước tiến mới trong chuyển đổi số giữa Bộ Công Thương và Công ty TNHH Phần mềm FPT, hướng tới mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế số và tăng năng suất lao động trung bình hàng năm 7% theo chương trình Chuyển đổi số Quốc gia nói chung và chuyển đổi số ngành Công thương nói riêng.
Quang cảnh lễ ký kết thỏa thuận hợp tác. (Ảnh: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số)
Nằm trong top 10 xu hướng công nghệ phát triển hàng đầu trên thế giới với tốc độ tăng trưởng trên 20% mỗi năm, công nghệ RPA giúp doanh nghiệp đảm bảo vận hành kinh doanh không gián đoạn, cắt giảm tới 40% chi phí vận hành nhờ tự động hóa các công việc lặp đi lặp lại trên máy tính. Việc dùng RPA trong một số công đoạn còn giúp giảm chi phí cho nguồn nhân lực, cũng như hạn chế những rủi ro về sai sót trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Hà Nguyễn

lên đầu trang