Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 02/01/2025 | 05:24

Thứ năm, 02/01/2025 | 05:24

Chính sách

Cập nhật lúc 11:35 ngày 07/11/2021

Đẩy nhanh ứng dụng công nghệ mới, hiện đại trong phát triển công nghiệp

Tăng cường áp dụng hệ thống sản xuất tiên tiến và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong sản xuất công nghệp… là một trong những giải pháp thực hiện được Bộ Công Thương hướng đến.
Nâng cao sức cạnh tranh các ngành chủ lực
Thực tế trong thời gian qua đã cho thấy, nhờ nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ đã thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp chủ lực, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tiêu biểu như, trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản, việc nghiên cứu, đầu tư đổi mới công nghệ đã góp phần tăng sản lượng than toàn ngành bình quân 9,4%/năm, đồng thời giúp nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm và tạo ra các sản phẩm mới thay thế các sản phẩm nhập khẩu. Theo đó, tỷ lệ cơ giới hóa trong khai thác hầm lò đã tăng vượt bậc, từ 10% lên 80% trong những năm qua.

Đầu tư đổi mới công nghệ đã góp phần tăng sản lượng than toàn ngành bình quân 9,4%/năm
Đáng chú ý, là việc chế tạo thành công thiết bị, công nghệ thi công đào giếng và trục tải giếng đứng ứng dụng cho mỏ than hầm lò Núi Béo đã góp phần nâng cao năng lực kỹ thuật cho đội ngũ các cán bộ nghiên cứu, kỹ sư, công nhân trong việc làm chủ các vấn đề từ khâu thiết kế, lập quy trình công nghệ, chế tạo thiết bị và thi công các công trình khai thác mỏ sâu. Bên cạnh đó, thúc đẩy phát triển nền sản xuất cơ khí trong nước, tiết kiệm ngoại tệ, tạo sự chủ động và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.
Trong lĩnh vực năng lượng điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã hoàn thành triển khai nhiều chương trình/dự án đầu tư, ứng dụng đổi mới công nghệ hiện đại, giúp vận hành hệ thống điện Việt Nam tiếp cận trình độ các nước tiên tiến trên thế giới… Các doanh nghiệp đã có khả năng thiết kế chế tạo động cơ công suất đến 5MW, các chủng loại biến áp đến 500 kV, chất lượng tương sản phẩm của châu Âu, đã đưa Việt Nam trở thành một trong số ít nước thuộc Đông Nam Á có khả năng chế tạo máy biến áp công suất lớn, đáp ứng yêu cầu của đất nước và tiến tới xuất khẩu.
Trong lĩnh vực thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí: Không những ứng dụng và làm chủ được công nghệ hiện đại trên thế giới, cùng với các đơn vị nghiên cứu, tư vấn có năng lực trong nước, nhiều doanh nghiệp dầu khí Việt Nam đã nghiên cứu, chế tạo và triển khai thành công những công trình mang lại hiệu quả kinh tế và ý nghĩa mang tầm khu vực và thế giới.
Việc ứng dụng thành công các kết quả nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực cơ khí chế tạo cũng giúp khẳng định năng lực, vị thế và vai trò của tổ chức khoa học và công nghệ ngành Công Thương trong bối cảnh hội nhập và phát triển. Điển hình như: Công trình “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tổ hợp và đưa vào vận hành hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than cho nhà máy nhiệt điện đốt than có công suất tổ máy đến khoảng 600 MW” do Viện Nghiên cứu cơ khí thực hiện, đã áp dụng thành công…
Hay, việc nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp hóa dược đã mang lại những giá trị thiết thực với nhiều kết quả nghiên cứu được thương mại hóa, cho sản phẩm có chất lượng tương đương hàng nhập khẩu và giá cả cạnh tranh như: Viên nang mềm Cebraton có tác dụng hoạt huyết dưỡng não; sản phẩm thuốc an thần ASAKOYA điều trị mất ngủ; chế phẩm phòng chống khối u từ cây Hoàn ngọc; sản phẩm dầu gấc…
Trong thời gian qua, các chính sách khoa học và công nghệ cùng nhiều hoạt động hỗ trợ của Nhà nước, Bộ Công Thương đã thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong phát triển của lĩnh vực công nghiệp, cũng như từng doanh nghiệp. Đóng góp của tăng năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng VA của một số ngành công nghiệp chủ lực có xu hướng tăng. Tỷ lệ doanh nghiệp tham gia hoạt động đổi mới công nghệ ngày càng cao.
Nhờ đó, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia có nền công nghiệp có năng lực cạnh tranh toàn cầu (CIP) ở mức khá cao, thuộc nhóm các quốc gia có năng lực cạnh tranh công nghiệp trung bình cao. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của nước ta tính đến nay đã có vị trí quan trọng trong xếp hạng thành tích xuất khẩu của thế giới như: Dệt may (thứ 7 thế giới về xuất khẩu), da giày (xếp thứ 3 thế giới về sản xuất, thứ 2 về xuất khẩu), điện tử (xếp thứ 12 thế giới; trong đó, mặt hàng điện thoại di động đứng thứ 2 thế giới), thủy sản (xếp thứ 4 thế giới), đồ gỗ (xếp thứ 5 thế giới)…
Tăng cường áp dụng hệ thống sản xuất tiên tiến
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang và sẽ có những tác động hết sức mạnh mẽ tới nền sản xuất của mỗi quốc gia, đặc biệt, với “cú hích” mạnh mẽ từ đại dịch Covid-19, quá trình ứng dụng các công nghệ mới, thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội đang diễn ra với tốc độ nhanh. Tài nguyên số, nguồn lực số chính là nguồn tăng trưởng mới và động lực gia tăng năng suất lao động của nền kinh tế nói chung và của ngành công nghiệp nói riêng.

Tỷ lệ doanh nghiệp tham gia hoạt động đổi mới công nghệ ngày càng cao
Tận dụng những thành tựu từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo với trọng tâm là các doanh nghiệp chính là yếu tố nền tảng, giải pháp có tính căn cơ để ngành công nghiệp thực hiện tái cơ cấu cũng như phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn 2021-2030, tận dụng tốt nhất cơ hội đến từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.
Tại Công văn số 4862/BCT-KH gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc báo cáo đánh giá tình hình thực hiện năm 2021, dự kiến kế hoạch năm 2022 ngành Công Thương, Bộ Công Thương đã nêu định hướng nhiệm vụ và giải pháp sản xuất công nghiệp năm 2022, trong đó nhấn mạnh, tiếp tục phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Đặc biệt, tăng cường áp dụng hệ thống tổ chức sản xuất tiên tiến và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong sản xuất công nghiệp cũng như đẩy nhanh ứng dụng công nghệ mới, công nghệ hiện đại đối với những ngành công nghiệp chủ lực, mũi nhọn và công nghiệp ưu tiên; tăng cường công tác ứng dụng chuyển đổi số, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong hoạt động sản xuất công nghiệp.
Trong công văn này cũng nêu cụ thể, đối với ngành than cần tăng cường áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, tối ưu hóa các chỉ tiêu công nghệ để tiết giảm chi phí sản xuất ở mức hợp lý và đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh; áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật và quản lý nhằm sử dụng tiết kiệm tài nguyên, tiết kiệm chi phí trong tất cả các khâu thăm dò, khai thác, chế biến, kinh doanh than.
Ngành cơ khí, xây dựng các chính sách mới tập trung hỗ trợ để thúc đẩy nhanh các dự án lớn trong ngành cơ khí; trong đó có chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt theo quy định của Luật Đầu tư để hình thành các dự án lớn, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, chuyển giao và làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo.
Ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, khuyến khích gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong ngành ô tô; nghiên cứu các ưu đãi đầu tư đặc biệt làm thu hút các dự án sản xuất ô tô điện, ô tô thân thiện với môi trường từ các tập đoàn ô tô đa quốc gia đầu tư tại Việt Nam, ưu tiên các dự án có chuyển giao và làm chủ các công nghệ như sản xuất pin, động cơ điện, ECU điều khiển…
Theo Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển cách mạng công nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số tiếp tục là định hướng ưu tiên của Bộ trong xây dựng kế hoạch khoa học và công nghệ trong thời gian tới. Đặc biệt, để triển khai Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 130/QĐ-TTg, Bộ Công Thương đã phê duyệt khung Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao đến năm 2030, trong đó, tập trung vào việc phát triển, ứng dụng công nghệ, sản phẩm, dịch vụ công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào trong các ngành sản xuất công nghiệp, thúc đẩy hình thành và phát triển một số ngành, sản phẩm công nghiệp công nghệ cao.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang