Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 05/05/2024 | 07:13

Chủ nhật, 05/05/2024 | 07:13

Tin KHCN

Cập nhật lúc 11:17 ngày 08/11/2021

Hàng da giầy xuất khẩu từ góc nhìn chất lượng

Da giầy Việt Nam là một trong năm ngành kinh tế mũi nhọn, dẫn đầu doanh thu từ xuất khẩu hàng hóa và thu hút nguồn đầu tư nước ngoài. Đây là một trong những ngành được đánh giá là hội nhập thành công và là lĩnh vực rất được Việt Nam chú trọng trong các đàm phán mở cửa thương mại. 
Da giầy xuất khẩu
So với 2014, ngành hàng Da giầy của Việt Nam đã có bước tiến dài trên thị trường Quốc tế; từ vị trí thứ 10 trong số các nước xuất khẩu hàng đầu về da giầy đã vươn lên vị trí thứ 3. Không những thế, giá trị sản phẩm da giầy xuất khẩu của Việt Nam hiện nay vượt xa so với Trung Quốc – vốn được mệnh danh là đại công xưởng của Thế giới.
Theo báo cáo của Đơn vị phân tích kinh tế EIU thuộc tạp chí The Economist, sau khi các Hiệp định thương mại tự do được thực thi, Việt Nam đang nổi lên là quốc gia thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hấp dẫn nhất ở châu Á, vượt qua cả Trung Quốc và Ấn Độ, dần trở thành công xưởng sản xuất giá rẻ mới trong chuỗi cung ứng khu vực châu Á.
Dưới tác động của các Hiệp định thương mại tự do, nguồn vốn FDI vào Việt Nam đã tăng mạnh trong những năm qua. 
Năm 2019, Hiệp định thương mại CPTPP có hiệu lực, nguồn vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh. Chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid toàn cầu, năm 2020 nguồn vốn này chững lại nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng dương so với 2018. 
Hiệp định FTA Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ 01/08/2020 và Hiệp định FTA với Vương quốc Anh (UKFTA) trên cơ sở các cam kết của Việt Nam và vương quốc. Anh trong EVFTA có hiệu lực từ 01/01/2021, đã tác động tích cực tới xuất khẩu của Việt Nam sang EU và vương quốc Anh. Nhờ vậy, các tháng cuối của năm 2020 và đầu năm 2021 số đơn hàng xuất khẩu đã tăng lên.
Tính toàn ngành, dưới ảnh hưởng của nên kinh tế toàn cầu giảm do Covid; năm 2020, Việt Nam xuất khẩu giầy dép đạt 16,75 tỷ USD giảm 8,6% và xuất khẩu túi xách đạt 3,11 tỷ USD giảm 17,1% so với năm 2019. Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 19,86 tỷ USD, giảm 10% so với năm 2019. Quý I/2021 ước đạt 1945 triệu USD, tăng 14,6% so với tháng 3/2020. 
Tăng trưởng mạnh về kim ngạch xuất khẩu, là thị trường đầu tư hấp dẫn; không thể phủ nhận những tác động tích cực từ các Hiệp định thương mại đối với ngành hàng da giầy xuất khẩu. Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, ngành hàng giày dép là một trong các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có những chuyển biến tích cực về xuất khẩu. Các Hiệp định được ký kết là động lực lớn cho tăng trưởng của ngành giày dép, túi xách Việt Nam.
Dù vậy, theo báo cáo của VCCI, sau hơn 2 năm CPTPP có hiệu lực, những gì chúng ta đạt được còn thấp hơn đáng kể so với kỳ vọng. Dưới góc nhìn doanh nghiệp, chúng ta thực sự thua kém về năng lực cạnh tranh, một phần từ nguyên nhân kỹ thuật như quy tắc xuất xứ, cam kết FTA bất lợi cho doanh nghiệp... Kế hoạch thực thi của Chính phủ đã liệt kê cụ thể danh mục các văn bản cần xây dựng, sửa đổi, bổ sung và thời hạn thực hiện. Tuy nhiên, các văn bản này được ban hành chậm hơn so với yêu cầu của cam kết. Trong đó gồm các văn bản về hướng dẫn và thực thi các Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật cho quy trình vận hành sản xuất cũng như kiểm định chất lượng sản phẩm, hàng hóa lưu thông. 
Vấn đề kiểm định của mặt hàng da giầy Việt Nam 
Cũng trong báo cáo của EIU, “việc Việt Nam trở thành thành viên của các hiệp định thương mại tự do thể hiện điểm mạnh trong quan hệ thương mại, đó là giảm chi phí xuất khẩu”. Các nhân tố khiến Việt Nam đạt được sự công nhận gồm: chính sách khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài xây dựng xưởng sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, nguồn nhân công giá rẻ và việc tăng cường tham gia các hiệp định thương mại tự do. Đây được xem là hệ quả từ chính sách mở cửa đầu tư và mục tiêu hoàn thành kế hoạch công nghiệp hoá vào 2030 của Việt Nam nhiều năm nay.
Mặc dù hưởng nhiều lợi ích từ các Hiệp định Thương mại tự do nhưng ngành hàng da giầy Việt Nam thực tế còn lúng túng trong việc tạo lập vị trí vững chắc trên thị trường, trong đó có yếu tố tỷ lệ nội địa hóa thấp, chưa tự chủ được nguyên phụ liệu, chưa nắm giữ được thị trường nội địa… Theo thống kê của Lefaso tỷ lệ nội địa hóa của ngành mới chỉ chiếm 40-45%, trong đó hơn 70% nguyên liệu quan trọng nhất là da thuộc và da nhân tạo vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài. 
Hiện nay, 70% số doanh nghiệp da giầy sản xuất dưới hình thức gia công xuất khẩu, với nguồn cung ứng nguyên phụ liệu đầu vào theo chỉ định của khách hàng nhập khẩu. Việc đánh giá chất lượng nguyên phụ liệu cũng như sản phẩm tạo ra đều thực hiện một cách bị động dựa theo tiêu chuẩn của khách hàng; chi phí thực hiện ước tính chiếm 1%-2% tổng kim ngạch xuất khẩu. 
Một nguyên nhân khác do các doanh nghiệp Việt Nam chưa có tâm thế chủ động, không đánh giá cao việc tự kiểm soát chất lượng sản phẩm; một phần do khó khăn về tài chính nên chưa có sự đầu tư phù hợp.
Đến nay, việc đánh giá chất lượng nguyên phụ liệu và sản phẩm ngành da giầy tại Việt Nam hầu như được buông lỏng. Chúng ta hiện chưa có hệ thống quản lý chất lượng đầy đủ cũng như chưa có các phòng thí nghiệm chuyên ngành đủ năng lực đáp ứng yêu cầu của khách hàng nhập khẩu.
Đối với vấn đề này, Thủ tướng đã ban hành quyết định triển khai kế hoạch hành động, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ “Xây dựng và hoàn thiện các biện pháp kỹ thuật (tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, xuất xứ, bảo vệ môi trường...) phù hợp với các cam kết quốc tế để hỗ trợ cho sự phát triển của các doanh nghiệp, sản phẩm Việt Nam và bảo vệ người tiêu dùng”.
Thực ra, một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam, từ cách đây nhiều năm đã chủ động trang bị một số thiết bị, máy móc đơn giản để tự chủ động kiểm soát chất lượng hàng hóa. Các chỉ tiêu phân tích hóa lý cho ngành da giầy cũng không làm khó được các phòng thí nghiệm hóa học của Việt Nam. Nhưng chính vì chưa có sự quan tâm sát sao đến mảng chất lượng sản phẩm ngành da, nên toàn bộ mảng phân tích chất lượng da giầy và các sản phẩm ngành da giầy bị bỏ ngỏ, đồng thời các đơn vị thực thi không chú trọng phát triển lĩnh vực này.
Các phòng thử nghiệm của Việt Nam phát triển khá mạnh về lĩnh vực Môi trường, thực phẩm… Riêng ngành Da giầy, việc tìm kiếm khách hàng để duy trì hoạt động chuyên môn còn chật vật do thiếu chế tài quản lý, các doanh nghiệp không đề cao việc quản lý chất lượng sản phẩm tạo ra. Có thể nói nghiệp vụ phân tích, đánh giá chất lượng sản phẩm da – giầy tại Việt Nam đang phát triển manh mún, nhỏ lẻ và chưa đầy đủ.
Từ 2017, trước khi CPTPP có hiệu lực tại Việt Nam năm 2019; một lượng không nhỏ các đơn vị kiểm định Quốc tế đã đến, đặt trụ sở hoạt động ngay tại Việt Nam. Với kinh nghiệm lâu năm, năng lực và uy tín đã được khẳng định; có thể kể đến: Intertek của Anh; Eurofins Scientific của Bỉ, TUV Rheinland của Đức hay SGS của Thụy Sỹ…  Phạm vi kiểm định của các đơn vị này rất rộng, bao gồm các mặt hàng nông nghiệp, công nghiệp, dược phẩm và thiết bị… đây đều là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Không chỉ buông lỏng quản lý đối với mặt hàng da giày trong nước, ngay cả hàng hóa nhập khẩu chúng ta cũng chưa có chế tài quản lý hiệu quả. Rất nhiều mặt hàng da giầy lưu hành trên thị trường Việt Nam được nhập khẩu theo đường tiểu ngạch, không được kiểm soát chất lượng. 
Trước thực tế này, bản thân các doanh nghiệp, đơn vị chuyên môn trong nước cần nhanh chóng chủ động bổ sung, nâng cao năng lực trước khi thị phần này hoàn toàn bị nắm giữ; không đơn thuần chờ chỉ đạo hay hỗ trợ từ Nhà nước.
Kết luận
Các Hiệp định thương mại tự do là cơ hội và thách thức đối với hoạt động kinh tế Việt Nam; yêu cầu kiểm soát nguồn gốc xuất xứ cũng như chất lượng sản phẩm là nhiệm vụ bắt buộc. Điều này không chỉ có giá trị đối với hàng hóa, lợi nhuận từ hoạt động xuất khẩu mà còn đảm bảo tính duy trì ổn định và phát triển bền vững của ngành công nghiệp da giầy Việt Nam.
Trong khi đó, Việt Nam chúng ta vẫn còn trong giai đoạn xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia. Các đơn vị chuyên môn về phân tích da và các sản phẩm ngành da của Việt Nam không đủ năng lực tài chính để duy trì, nâng cao năng lực. Doanh nghiệp sản xuất chưa chủ động cũng như bị hạn chế bởi đối tác nhập khẩu khi lựa chọn đơn vị chuyên môn.
Có thể thấy, lĩnh vực kiểm định chất lượng sản phẩm da giầy của Việt Nam yếu về năng lực, hạn chế về mọi mặt và rất ít được quan tâm. Chúng ta bị chiếm lĩnh thị trường kiểm định và năng lực cũng thua kém rất nhiều. 
Chính phủ đã có định hướng, chúng ta cần nhanh chóng rà soát quy định pháp luật liên quan, cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp; tăng cường truyền thông, thông tin về thị trường, định hướng cho doanh nghiệp trong kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình, giúp nâng cao năng lực cho doanh nghiệp. Trong phạm vi nhỏ, hệ thống các biện pháp kỹ thuật (tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, xuất xứ, bảo vệ môi trường...) của Việt Nam cần sớm được hoàn thiện và triển khai hiệu quả. Các đơn vị chức năng gấp rút nâng cao năng lực chuyên môn, nhất là nâng cấp và liên kết các chuỗi phòng thử nghiệm đạt chuẩn Quốc Gia và Quốc Tế, đủ năng lực cạnh tranh và giữ vững thị trường.
CN. Đặng Thị Thanh Nga
Trung tâm Phân tích và Công nghệ Môi trường, Viện Nghiên cứu Da-Giầy, Bộ Công Thương
lên đầu trang