Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 09/05/2024 | 04:48

Thứ năm, 09/05/2024 | 04:48

Tin KHCN

Cập nhật lúc 13:38 ngày 03/12/2021

Chuyển đổi số: Ba vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm

Sau 2 năm đại dịch Covid-19 hoành hành cùng với xu thế công nghệ mới bùng phát, chuyển đổi số đã không còn là sự lựa chọn, mà đã trở thành nhu cầu cần thiết của doanh nghiệp (DN) để tối ưu hóa hoạt động, thích ứng với bối cảnh thay đổi mới của thị trường, hướng tới phát triển bền vững.
Theo một khảo sát mới đây của Microsoft tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chuyển đổi số năm 2017 mới chỉ đóng góp khoảng 6% GDP của khu vực, đến năm 2021, dự kiến tỷ trọng này sẽ tăng lên 60%; năm 2017, chuyển đổi số giúp làm tăng năng suất lao động 15%, đến năm 2021, dự kiến con số này sẽ tăng lên khoảng 85%. Có thể thấy, chuyển đổi số có ý nghĩa rất lớn đối với các DN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hiện nay cũng như trong tương lai, giúp cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận tối đa các khách hàng, hỗ trợ lãnh đạo đưa ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn để cải thiện hiệu suất vận hành, hoạt động.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã và đang rất nỗ lực để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia, thông qua xây dựng Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số, phê duyệt chiến lược và lộ trình chuyển đổi số quốc gia đến 2025 và tầm nhìn 2030. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại quốc gia đang dần từng bước hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Tuy nhiên, theo khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong khi 75% các DN đã nhận thức được việc chuyển đối số là cần thiết và phải làm, thì đa số DN vừa và nhỏ vẫn gặp nhiều khó khăn, rào cản trong chuyển đổi số do chưa nhận thức đúng vai trò và chưa có đủ nguồn lực để chuyển đổi số; chỉ có 6,6% DN cho biết có đủ nguồn lực để thay đổi hoàn toàn sang hệ thống công nghệ mới, 34,6% cho biết sẽ thay đổi từng bước do không đủ nguồn lực, 27,5% cho biết đang trong quá trình chuẩn bị vốn và nguồn lực để chuyển đổi số, có tới 31,1% vẫn chưa làm gì để theo kịp xu hướng của cuộc cách mạng 4.0.

Ảnh minh họa
Báo cáo “Chỉ số phát triển kỹ thuật số của DN vừa và nhỏ khu vực châu Á - Thái Bình Dương” của Cisco, cũng thể hiện các thông tin, DN vừa và nhỏ tại Việt Nam còn thiếu kỹ năng số và nhân lực, thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh để chuyển đổi số, thiếu tư duy kỹ thuật số... Tỷ lệ các DN Việt Nam đầu tư cho công nghệ đám mây, an ninh mạng, nâng cấp phần mềm, phần cứng để chuyển đổi số còn rất thấp. Nhiều DN chưa tận dụng lợi thế của các công nghệ mới nổi để thu thập và phân tích dữ liệu, từ đó đưa ra được các quyết định đầu tư vừa đảm bảo đạt được mục tiêu kinh doanh nhưng vẫn lồng ghép được mục tiêu xã hội và mục tiêu môi trường.
Chuyển đổi số không còn là sự lựa chọn hay không, mà đã trở thành nhu cầu để phát triển của các DN trong xu thế mới. Để thúc đẩy chuyển đổi số, Chính phủ cần có các cơ chế, chính sách kịp thời, đúng và trúng đòi hỏi thực tiễn đang đặt ra. Về phía DN, cần phải có quyết tâm, nỗ lực mạnh mẽ và có lộ trình, bước đi chuyển đổi số phù hợp.
Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Bùi Thị Mai Hoài - Viện Tài chính bền vững SFI - UEH, chuyển đổi số là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang DN số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… để thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa DN nhằm tạo ra những cơ hội mới và giá trị mới.
Quá trình chuyển đổi số DN có thể thực hiện qua 3 giai đoạn, thứ nhất là chuyển dữ liệu ở dạng giấy truyền thống thành những dữ liệu lưu trữ trên phần mềm máy tính; thứ hai ứng dụng các phần mềm để tối ưu hóa dữ liệu, loại bỏ các công việc thủ công như ghi chép, thống kê, tìm kiếm thông tin…; thứ ba là chuyển đổi số toàn diện thành DN số, thay đổi toàn bộ cách thức vận hành, làm việc, khai thác dữ liệu dựa trên nền tảng công nghệ để tạo ra hiệu quả hoạt động cao hơn.
Thực tiễn chuyển đổi số thành công của các DN trên thế giới cho thấy, có 3 vấn đề các DN Việt Nam rất đáng tham khảo, đó là: Phải hướng đến tạo ra nhiều dữ liệu cần thiết và hữu ích không chỉ cho DN mà còn cho cả khách hàng; cần có chiến lược và lộ trình chuyển đổi số gắn với đặc thù của DN mình thay vì chạy theo phong trào; xác định mục tiêu chuyển đổi số theo lộ trình cụ thể, thực hiện từng bước để thấy được hiệu quả, từ đó củng cố niềm tin và động lực để chuyển đổi số mạnh mẽ hơn; tiếp cận sự hỗ trợ từ chính phủ thông qua quá trình chuyển đổi số ở khu vực công tạo ra những tiện ích và tiết kiệm chi phí cho DN hoạt động.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang