Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 03/05/2024 | 00:24

Thứ sáu, 03/05/2024 | 00:24

Chính sách

Cập nhật lúc 08:06 ngày 08/12/2021

Triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ: Tránh phân tán, dàn trải

Tại buổi làm việc với Viện Công nghiệp thực phẩm mới đây, ông Trần Việt Hòa - Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ (KH&CN), Bộ Công Thương cho biết, quan điểm thống nhất về nguồn lực cho hoạt động KH&CN giai đoạn 2021-2030, trong bối cảnh còn hạn chế sẽ không thể phân bổ đồng đều như cách làm trước đây.
Cần tập trung nguồn lực
Ông Trần Việt Hòa cho biết, trong thời gian qua, Vụ KH&CN đã xây dựng Chiến lược phát triển KH&CN ngành Công Thương giai đoạn 2021-2030. Yêu cầu của hoạt động KH&CN trong giai đoạn mới đó là phải khẳng định được vai trò then chốt trong sự phát triển của ngành. Đây vừa là yêu cầu khách quan, vừa là bắt buộc.

Nghiên cứu khoa học tại Viện Công nghiệp thực phẩm
“Mặc dù, Bộ Công Thương có tới 13 viện nghiên cứu, hoạt động trong nhiều lĩnh vực và đã triển khai rất nhiều các nhiệm vụ KH&CN. Tuy nhiên, để tập trung nguồn lực và giải quyết được vấn đề lớn của ngành thì không phải đơn vị nào, viện nào cũng làm được” - ông Trần Việt Hòa nhấn mạnh.
Ngay như Viện Công nghiệp thực phẩm là đơn vị nghiên cứu đầu ngành trong lĩnh vực thực phẩm, không chỉ của ngành Công Thương mà còn cả nước. Trong giai đoạn dài, với sự nỗ lực qua các thời kỳ, viện đã có được hệ thống cơ sở vật chất, nguồn nhân lực tương đối tốt để triển khai các định hướng nghiên cứu.
Đặc biệt, trong giai đoạn trước, viện cũng đã xây dựng Kế hoạch hành động triển khai Chiến lược phát triển KH&CN của ngành Công Thương giai đoạn 2011-2020, tuy nhiên, do nguồn lực ít và phân tán nên trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng.
“Nếu chúng ta sử dụng nguồn lực đó cho một định hướng lớn hoặc một vài nhiệm vụ mang tầm vóc, câu chuyện sẽ khác” - Vụ trưởng Vụ KH&CN nêu, đồng thời cho hay, quan điểm thống nhất trong hoạt động KH&CN giai đoạn gần đây, đó là trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, chúng ta không thể nào phân bổ đồng đều như cách làm trước đây.
Điều này có nghĩa, một nhiệm vụ có thể nhiều trung tâm, đơn vị có liên quan cùng tham gia phối hợp thực hiện, hoặc có những viện sẽ được tập trung kinh phí nhiều hơn các viện khác, thậm chí có viện không có kinh phí hoạt động KH&CN. “Chúng tôi quyết tâm đi theo hướng này, để các viện được tập trung đầu tư về KH&CN, sẽ phải có những định hướng và hướng đi rất rõ nét” - ông Trần Việt Hòa lưu ý.
Gắn kết nghiên cứu với thực tiễn
Theo ông Trần Việt Hòa, các viện nghiên cứu của bộ là các tổ chức nòng cốt trong hoạt động KH&CN, vì vậy, cần có những trao đổi, thảo luận, để cùng xây dựng chiến lược KH&CN thực sự hiệu quả và có sự gắn kết giữa hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển ngành và phục vụ quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.
Đồng thời, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu các viện thuộc bộ, hướng đến có bộ máy hoạt động hiệu quả, gọn nhẹ, huy động được sức mạnh của đội ngũ KH&CN ngành Công Thương cũng như tận dụng được nguồn lực một cách hiệu quả. Theo đó, phương án tái cơ cấu cần có những lộ trình rất cụ thể để có tính khả thi, ổn định và bền vững trong quá trình triển khai thực hiện. “Vụ KH&CN sẽ tổ chức các buổi làm việc với các viện nghiên cứu thuộc ngành nhằm hoàn thành đề án tái cơ cấu để xin ý kiến các bộ, trước khi chính thức phê duyệt để thực hiện trong thời gian tới” - ông Trần Việt Hòa nói.
Ông NGUYỄN VIỆT TẤN - Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN:
Bộ Công Thương luôn quan tâm đến hoạt động của các viện nghiên cứu, đồng thời mong muốn lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, để cùng tháo gỡ, chia sẻ, giúp các viện có bước phát triển mới trong giai đoạn sắp tới.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang