Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 03/05/2024 | 22:30

Thứ sáu, 03/05/2024 | 22:30

Tin KHCN

Cập nhật lúc 11:36 ngày 09/12/2021

Khoa học và công nghệ là động lực phát triển kinh tế-xã hội đồng bằng sông Cửu Long

Quang cảnh hội nghị tổng kết “Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ giai đoạn 2014-2020”.
Ngày 8/12, tại TP Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh phối hợp Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết “Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ giai đoạn 2014-2020” (Chương trình Tây Nam Bộ).
Chương trình thực hiện 3 mục tiêu cơ bản, đó là cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định và thực hiện chiến lược, chính sách phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đề xuất giải pháp khoa học và công nghệ liên ngành để thúc đẩy liên kết nội vùng và liên kết vùng trong phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ; triển khai có hiệu quả các giải pháp khoa học-công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nam Bộ. Chương trình do 2 cơ quan đồng chủ trì thực hiện là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
Theo PGS,TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Chương trình Tây Nam Bộ giai đoạn 2014-2020, đã tập hợp các trường đại học, viện nghiên cứu thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cũng như các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp cả nước và vùng Tây Nam Bộ tham gia thực hiện, và đã phê duyệt 62 nhiệm vụ (đề tài, dự án) khoa học-công nghệ.
Lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, phát triển bền vững (thực hiện 21 nhiệm vụ) đã cung cấp luận cứ khoa học cho các cơ quan Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các địa phương vùng Tây Nam Bộ, phục vụ cho việc hoạch định các chính sách, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của vùng Tây Nam Bộ.
Đối với lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ và môi trường đã và đang chuyển giao kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, xây dựng các mô hình ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất, đời sống, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phục vụ phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long.  
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.
Chương trình Tây Nam Bộ là Chương trình khoa học-công nghệ cấp nhà nước, phạm vi triển khai nghiên cứu và ứng dụng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, bao gồm 13 tỉnh, thành phố với tính liên ngành, liên lĩnh vực, liên vùng rất cao. Chương trình đã triển khai hầu khắp các mô hình, giải pháp, với sự tham gia tích cực của chính quyền các địa phương, các nhà khoa học uy tín trong cả nước, tập hợp lực lượng khoa học hùng hậu.
Đây là điều vô cùng quan trọng, là điểm ưu việt của Chương trình Tây Nam Bộ, góp phần tác động trực tiếp đến các địa phương trong thay đổi tư duy và đổi mới cơ chế chính sách phát triển bền vững vùng, thúc đẩy phát triển các mô hình sinh kế, sản xuất, kinh doanh dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học-công nghệ.
Chương trình về cơ bản đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu đã đề ra, đặc biệt có một số điểm rất mạnh như: tiêu chí về công bố quốc tế; tiêu chí về đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ; tiêu chí về ứng dụng thực tiễn…
Nhiều đề tài/dự án đã có kết quả ứng dụng vào sản xuất và đời sống, thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị ngành hàng và liên kết vùng, nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, giá trị của các sản phẩm chủ lực, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trong vùng.
Nuôi tôm công nghệ cao ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng thời, cung cấp cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin địa lý (GIS) phục vụ công tác quản lý nhà nước, giải quyết những vấn đề cấp bách và lâu dài như biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, xói lở (bờ sông, bờ biển), phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ.
Tại hội nghị, các nhà khoa học, chuyên môn cho rằng, với phạm vi và nội dung nghiên cứu của Chương trình Tây Nam Bộ rộng, toàn diện nhưng thời gian triển khai chưa nhiều nên gặp một số khó khăn, phức tạp.
Do đó, kiến nghị Chính phủ xem xét quyết định tiếp tục triển khai “Khoa học-công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025”.
Các nhiệm vụ được triển khai trong giai đoạn 2014-2020 sẽ là cơ sở triển khai các dự án sản xuất thử nghiệm và mở rộng quy mô, nghiên cứu chiều sâu trong giai đoạn kế tiếp. Bộ Khoa học-Công nghệ cùng Bộ Tài chính tiếp tục ưu tiên đầu tư kinh phí cho Chương trình giai đoạn 2021-2025, nhất là cho các đề tài, dự án triển khai ứng dụng, nhân rộng mô hình chuyển giao các sản phẩm khoa học-công nghệ vào sản xuất, đời sống vùng đồng bằng sông Cửu Long...
Theo Báo Nhân Dân
lên đầu trang