Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 30/04/2024 | 17:36

Thứ ba, 30/04/2024 | 17:36

Tin KHCN

Cập nhật lúc 10:10 ngày 29/12/2021

Tối ưu hóa quy trình thủy phân nhộng ruồi lính đen ứng dụng trong nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản

Ruồi lính đen (Hermetia Illucens) là một trong những loại côn trùng được các nhà nghiên cứu đánh giá là loài có ích. Loài vật này có khá nhiều công dụng và ứng dụng trong thực tế. Tại Việt Nam, bột ruồi lính đen được sử dụng để thay thế bột cá trong thức ăn công nghiệp trong nuôi trồng thủy sản, ấu trùng tươi ruồi lính đen được sử dụng trực tiếp để nuôi cá, gà, vịt, lươn. Trong khi đó, phân ruồi lính đen thì được sử dụng làm phân bón hữu cơ trong nông nghiệp.
Chia sẻ tại hội thảo “Tối ưu hóa quy trình thủy phân nhộng ruồi lính đen ứng dụng trong nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản” do Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học công nghệ thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 26/11, TS. Nguyễn Ngọc Hà – Trường Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh cho biết, vòng đời của ruồi lính đen rất khác nhau giữa các quần thể và môi trường sống, ngắn nhất là 4 tuần và dài nhất là 5 tháng. Ấu trùng của loài này có hàm lượng dinh dưỡng cao nên còn được gọi là sâu canxi. Thức ăn và quy trình nuôi khác nhau sẽ khiến thành phần dinh dưỡng của ấu trùng ruồi lính đen cũng khác nhau.
TS. Nguyễn Ngọc Hà – Trường Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ về quy trình thủy phân nhộng ruồi lính đen.
TS. Nguyễn Ngọc Hà cho biết, có 5 yếu tố cần quan tâm để tối ưu hóa được quy trình thủy phân nhộng ruồi lính đen, đó là tỷ lệ cơ chất, nồng độ enzyme, nhiệt độ, pH và thời gian. Để xác định được quy trình đó có tối ưu hay không, các chỉ tiêu cần phải định gồm hàm lượng protein, nitơ formol, nitơ ammoniac, nitơ acid amin và lipid, từ đó sẽ tính được hiệu suất thủy phân và hiệu suất thu hồi protein.
Sau khi thực hiện các thí nghiệm đơn yếu tố và đa yếu tố, nhóm đã xây dựng và hoàn thiện được quy trình thủy phân ấu trùng ruồi lính đen. Theo đó, nhóm nghiên cứu sử dụng ấu trùng ruồi lính đen đã được sấy khô và xay mịn làm nguyên liệu thủy phân. Sau đó, nhóm sử dụng enzyme Alcalase 2.4L để thủy phân bột ấu trùng nguyên liệu, với tỷ lệ cơ chất là 6, nồng độ enzyme là 2%, nhiệt độ 60 độ C, pH 6,85, thời gian là 3 giờ là điều kiện tối ưu để thủy phân. Dung dịch sau khi thủy phân được lọc bỏ cặn bã. Dung dịch sau khi lọc được ly tâm hình thành 4 lớp gồm lớp dầu, lớp kem, dung dịch thủy phân và lớp kết tủa. Dung dịch này có thể được sử dụng để bổ sung vào thức ăn thủy sản, trong khi phần bã có thể được xử lý để làm chitosan hoặc phân bón.
Dung dịch thủy phân thu được sau khi lọc bỏ cặn bã
Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, để sản xuất ra được 100 lít dung dịch thủy phân, cần 17,5kg bột nhộng ruồi, 351g enzyme. Cộng thêm chi phí điện, nước thì chi phí sản xuất cho một lít dung dịch thủy phân khoảng 22.000 đồng – 23.000 đồng, thấp hơn nhiều so với giá thành bán hiện nay trên thị trường (90.000 đồng – 120.000 đồng/lít).
Hiện nay, giá bột cá và đậu tương – nguồn nguyên liệu thức ăn chủ yếu trong nuôi trồng thủy sản – liên tục tăng. Do đó, việc ứng dụng công nghệ sinh học để xử lý ấu trùng ruồi lính đen thành nguồn nguyên liệu thay thế bột cá được xem là một giải pháp bền vững cho ngành công nghiệp thức ăn thủy sản. Không những vậy, phần bã thu được sau khi thủy phân ấu trùng ruồi lính đen còn có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ chất lượng cao, góp phần bảo vệ môi trường.
Ruồi lính đen đã được tổ chức nông thương Liên hiệp quốc (FAO) công nhận là giống côn trùng được ưu tiên xử lý rác thải và sử dụng hàm lượng protein thay thế cho tài nguyên cá đang cạn kiệt.
Hà Nguyễn 

lên đầu trang