Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 28/04/2024 | 10:01

Chủ nhật, 28/04/2024 | 10:01

Tin KHCN

Cập nhật lúc 08:44 ngày 28/11/2016

Làm chủ công nghệ chế tạo giàn khoan

Công trình giàn khoan tự nâng 90m nước Tam Đảo 03

Dự án “Nghiên cứu thiết kế chi tiết và ứng dụng công nghệ để chế tạo, lắp ráp và hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam” (Dự án KHCN) cũng chính là “bệ phóng” đầu tiên đưa Việt Nam trở thành 1 trong 10 quốc gia trên thế giới làm chủ được công nghệ chế tạo giàn khoan tự nâng, từ đó đặt nền móng khai tạo ra ngành công nghiệp đóng mới giàn khoan tại Việt Nam.

Không giấu vẻ tự hào, kỹ sư Phan Tử Giang - Chủ tịch HĐQT PV Shipyard chia sẻ: “Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về KH&CN là hai Giải thưởng danh giá nhất đối với các nhà khoa học, góp phần khuyến khích, tạo động lực và điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học, đặc biệt là đối với những người thợ cơ khí ở Việt Nam nói chung và người thợ dầu khí nói riêng, cùng phấn đấu tiếp tục tìm kiếm, tìm tòi cách thiết kế xây dựng các công trình khác lớn hơn, phức tạp hơn và mang lại hiệu quả kinh tế hơn, cho ngành cơ khí nói riêng và cơ khí Việt Nam nói chung.”

Mỗi khi nhắc về những ngày đầu của PV Shipyard, không một kỹ sư, CBNV nào có thể quên được thời điểm khi mà khu căn cứ chế tạo giàn khoan khi ấy chỉ là một bãi đất trống hoang sơ rộng 39,8 ha tại khu vực Sao Mai Bến Đình. Lúc đó, PV Shipyard vừa phải tập trung vào công việc xây dựng nhà xưởng, bến bãi, đầu tư trang thiết bị… vừa phải có kế hoạch phát triển nguồn nhân lực để nghiên cứu thiết kế và tiếp nhận chuyển giao công nghệ thiết kế từ nước ngoài. Không kinh nghiệm, không nhân lực, không cơ sở vật chất, tất cả những gì mà lãnh đạo, cán bộ, kỹ sư PV Shipyard có được khi ấy chỉ là một niềm tin sắt đá, là sự nhất trí chung lòng của một tập thể thống nhất và là sự quan tâm hỗ trợ to lớn về chủ trương và chính sách của Chính phủ, các Bộ, ban, ngành và đặc biệt là của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Sự hỗ trợ từ phía PVN lúc ấy chính là yếu tố cơ bản nhất mang tính thời điểm, mang tính quyết định để thúc đẩy thực hiện dự án Tam Đảo 03. Tiếp sau đó là sự hỗ trợ rất lớn của Bộ KHCN và Quỹ Phát triển Khoa học & Công nghệ Quốc gia cho dự án KHCN, mang tính lâu dài và phát triển bền vững cho PV Shipyard.

Hai năm trên công trường ngổn ngang sắt thép, Phan Tử Giang cùng với các cộng sự dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài phải làm việc cật lực với một khối lượng công việc đồ sộ, tiến hành đồng thời các công việc thiết kế, mua sắm, lắp đặt thiết bị... Song song quá trình triển khai đóng mới, các kết quả nghiên cứu thiết kế chi tiết của Dự án KHCN đã trở thành cơ sở để triển khai 13.000 bản vẽ, tài liệu thiết kế phục vụ thi công; làm đầu bài kĩ thuật cho 159 gói mua sắm vật tư thiết bị, dịch vụ cho công trình.

Chính nhờ những người thợ trẻ dầu khí với hàng chục sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong suốt quá trình triển khai dự án, không chỉ giúp tiết kiệm chi phí đáng kể, mà còn đánh dấu sự phát triển vượt bậc về công nghệ. Các kỹ sư của Dự án KHCN đã thiết kế và ứng dụng thành công vào giàn khoan Tam Đảo 03 các hạng mục then chốt, hỗ trợ hiệu quả cho công tác quản lý khối lượng vật tư; ứng dụng phần mềm kiểm soát quá trình hạ thuỷ giàn khoan, góp phần hoàn thành khối lượng thi công khổng lồ của dự án Tam Đảo 03 nặng 12.000 tấn.

Kết quả của Dự án KHCN đã giúp cho Dự án đóng mới giàn khoan Tam Đảo 03 vượt tiến độ 02 tháng, tiết kiệm được khoảng 23 tỷ đồng (khoảng 268.000 USD chi phí thuê chuyên gia, khoảng 17 tỷ lương và các khoản chi phí khác của toàn bộ đội ngũ cán bộ công nhân viên, 400 triệu chi phí thuê nhân công thời vụ, 600 triệu nhiên liệu tiêu hao), và việc giảm thiểu thuê chuyên gia tư vấn nước ngoài đã làm lợi cho nền kinh tế hàng triệu đôla Mỹ.

Từ công trình giàn khoan tự nâng 90m nước Tam Đảo 03, những người thợ của PV Shipyard ngày hôm nay đã trưởng thành, đủ sức đảm đương các dự án lớn hơn trong việc chế tạo giàn khoan tự nâng và làm chủ được công nghệ chế tạo giàn khoan. Như lời Tổng giám đốc PV Shipyard Lê Hưng từng chia sẻ: “Từ Tam Đảo 03 đến Tam Đảo 05 đánh dấu một sự thay đổi về tư tưởng, bước phát triển mới cả về thiết kế và lắp đặt. Thành công của Tam Đảo 05 không chỉ dừng ở mức độ hoàn chỉnh, vận hành được mà chất lượng sản phẩm, hiệu suất công việc cũng tiến bộ hơn rất nhiều. Đặc biệt, thành công của dự án đã một lần nữa nâng cao sức cạnh tranh của PV Shipyard với các nhà thầu trong khu vực và thế giới”.

Theo Báo Công Thương

lên đầu trang