Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 16/05/2024 | 08:57

Thứ năm, 16/05/2024 | 08:57

Tin KHCN

Cập nhật lúc 08:18 ngày 05/12/2016

Phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Hải Phòng: Nhiều bất cập!

Hải Phòng là thành phố công nghiệp tổng hợp, trong những năm qua, giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) liên tục tăng trưởng.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, ngành Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của địa phương vẫn còn nhiều vướng mắc, phát triển không tương xứng. Đến nay, Hải Phòng chưa có doanh nghiệp (DN) nào trình dự án sản xuất sản phẩm CNHT thuộc Danh mục sản phẩm được ưu tiên hỗ trợ.

Đối với công nghiệp đóng tàu, hoạt động của CNHT Hải Phòng có lắp ráp động cơ diesel, sản xuất các linh kiện, thiết bị tàu thủy, sơn, que hàn, phụ kiện đường ống, thiết bị, khí cụ điện… Tuy nhiên, hầu hết các máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu lại phụ thuộc vào nhà cung cấp nước ngoài. Ngành Cơ khí chế tạo chuyển biến chậm; các công nghệ tạo phôi, nhiệt luyện hay gia công kim loại của Hải Phòng đều đã lạc hậu.

Trong lĩnh vực điện tử dân dụng, Hải Phòng hiện có Công ty TNHH LG Electronics với tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD và Dự án Sản xuất và gia công sản phẩm màn hình OLED nhựa cho các thiết bị di động với sản lượng 7 - 8 triệu sản phẩm/tháng. Tuy nhiên, phần CNHT cung cấp thiết bị, linh kiện lắp ráp vẫn chủ yếu do các DN vệ tinh của Nhật Bản, Hàn Quốc sản xuất.

Với ngành Công nghiệp ôtô, CNHT khối FDI cũng chiếm thế mạnh, các DN trong KCN Nomura sản xuất linh kiện, phụ kiện ôtô luôn đạt chất lượng quốc tế, gần đây là Công ty TNHH Bridgestone Corporation (Nhật Bản) xây dựng nhà máy sản xuất lốp 49.400 chiếc/ngày với tổng mức đầu tư 1.224 triệu USD. Trong khi đó, các DN nội sản xuất linh kiện ôtô chất lượng thấp, dù tỷ lệ nội địa hóa đã đạt từ 30 - 45%. Đối với ngành Dệt may, Da giày, phần lớn nguyên phụ liệu và hầu hết máy móc thiết bị đều phải nhập khẩu.

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến công Hải Phòng, hiện tại thành phố chưa có cơ chế chính sách cụ thể để phát triển CNHT, thường lồng ghép trong nhiều chương trình khác nhau. Bên cạnh đó, đầu tư cho CNHT còn hạn chế, DN CNHT nội thiếu vốn và công nghệ để có thể đầu tư sản xuất, không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, giá bán, thời gian giao hàng cho các DN FDI. Đồng thời, việc tiếp cận của DN nội vào chuỗi cung ứng sản phẩm CNHT cho các tập đoàn FDI cũng rất khó, bởi chính các tập đoàn FDI cũng luôn có DN vệ tinh chuyên cung cấp sản phẩm CNHT.

Theo Báo Công Thương

lên đầu trang