Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 08/05/2024 | 09:18

Thứ tư, 08/05/2024 | 09:18

Tin KHCN

Cập nhật lúc 21:52 ngày 04/02/2022

Ứng dụng PACS-Cloud phục vụ kết nối liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện

PACS (Picture Archiving and Communication Systems) là một bộ phận không thể thiếu của một hệ sinh thái thông tin y tế. Tuy nhiên, việc triển khai PACS hiện nay gặp một số hạn chế do các yêu cầu cấu hình thiết bị phần cứng chi phí cao và chỉ hoạt động trong phạm vi nội bộ cơ sở khám chữa bệnh. Trong khi đó, công nghệ ảo hóa và điện toán đám mây cho phép thay đổi linh hoạt cấu hình hệ thống phần cứng linh động tùy theo nhu cầu sử dụng.
Việc xây dựng hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh PACS cùng với công nghệ ảo hóa và điện toán đám mây (Cloud Computing) sẽ tạo nên một sản phẩm mới hướng tới bệnh viện không giấy tờ, tạo điều kiện thuận lợi để các bác sĩ có thể thực hiện khám chữa bệnh và cán bộ y tế có thể quản lý thông tin mọi lúc, mọi nơi thông qua Internet.
Từ thực tế đó, dự án “Ứng dụng công nghệ ảo hóa và điện toán đám mây để xây dựng hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh phục vụ kết nối liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện” do TS. Nguyễn Chí Ngọc làm chủ nhiệm, nằm trong khuôn khổ Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao do Bộ Công Thương quản lý, đơn vị chủ trì thực hiện là Công ty Cổ phần Công nghệ Thông minh Ưu Việt có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Sau quá trình nghiên cứu triển khai, nhóm đã xây dựng được phần mềm quản trị PACS-Cloud. Đây là hệ thống được xây dựng và phát triển trên nền tảng web để người dùng có thể dễ dàng sử dụng dịch vụ và có thể truy cập trên các thiết bị thông minh với kết nối Internet bất kì ở đâu chỉ cần có trình duyệt web. Với khả năng khởi tạo máy ảo, bổ sung và thu hồi tài nguyên gồm máy chủ, bộ lưu trữ,… một cách dễ dàng, linh động, hệ thống PACS-Cloud bảo đảm khả năng cung cấp năng lực xử lý và bộ lưu trữ đáp ứng mọi nhu cầu sử dụng của các bệnh viện, phòng khám.
Mô hình hệ thống BKPACS-Cloud
Hệ thống PACS-Cloud hỗ trợ tư vấn chẩn đoán từ xa với các phần mềm khai thác dữ liệu tại trạm đọc ảnh (workstation) chuyên dụng, máy tính hoặc máy tính bảng/điện thoại di động. Hệ thống cũng tích hợp sẵn chức năng hội chẩn trực tuyến đa điểm. Đây cũng là tiêu chí quy định mức nâng cao của hệ thống PACS khi đáp ứng hội chẩn nhiều điểm cầu theo theo quy định tại Thông tư số 54/2017/TT-BYT.
Với cụm thiết bị HIS/RIS/PACS Gateway trang bị tại mỗi bệnh viện được được thiết kế theo công nghệ nhúng trên nền Linux đã được tích hợp sẵn hệ điều hành, cơ sở dữ liệu, cùng các ứng dụng cho tư vấn chẩn đoán từ xa, hội chẩn trực tuyến và quản lý thông tin ngành y tế, hệ thống có thể quản lý được quá trình chuyển dữ liệu từ hệ thống bệnh viện lên Cloud và ngược lại một cách thuận tiện, nhanh chóng (gồm thông tin người bệnh, chỉ định, hình bệnh lý, báo cáo và các thông tin liên quan đến quá trình trao đổi dữ liệu thông qua màn hình Dashboard). Đây là các công việc ở bệnh viện với lượng dữ liệu lớn, phức tạp mang tính lưu trữ lâu dài, phục vụ tính toán, bồi hoàn bảo hiểm, quản lý công việc, thống kê người bệnh... Vì thế, việc lưu trữ lâu dài trên Cloud và phục vụ cho bệnh án điện tử là rất cần thiết.
Ngoài ra, hệ thống PACS-Cloud còn tích hợp sẵn hệ thống giám sát và cảnh báo qua tin nhắn SMS để có thể kiểm soát được các yếu tố như trạng thái kết nối của các thiết bị, thông số RAM, CPU, DISK của hệ thống PACS. Bên cạnh việc sử dụng các giao thức bảo mật SSL/TLS và mạng riêng ảo VPN, các giải pháp kết hợp các kỹ thuật mã hóa, mật mã và nhúng trích thông tin (watermarking) cũng được nghiên cứu ứng dụng để tăng cường thêm lớp bảo mật thông tin cá nhân trong ảnh DICOM trên môi trường Internet.
Chức năng hội chẩn trực tuyến.
Có thể thấy, cấu hình máy chủ PACS linh hoạt tùy theo nhu cầu sử dụng, liên thông dữ liệu giữa các cơ sở khám chữa bệnh, thời gian xử lý nhanh và có thể thực hiện được mọi lúc mọi nơi có Internet. Điều này sẽ đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh rất lớn hiện nay như giải quyết vấn đề tư vấn chẩn đoán và điều trị từ xa giúp tiết kiệm thời gian di chuyển và chi phí điều trị, đồng thời tạo mạng lưới liên kết được các bác sĩ, chuyên gia của nhiều bệnh viện cùng tham gia hội chẩn để hỗ trợ điều trị những ca bệnh khó.
Mặt khác, do đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế nên các thông tin y tế có thể liên thông giữa các bệnh viện, giúp cho việc quản lý thông tin được chính xác và nhanh chóng, đặc biệt hữu ích cho các cơ quan quản lý ngành y tế như các Sở Y tế, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội.
Kết quả nghiên cứu và thử nghiệm cho thấy giải pháp PACS-Cloud là hoàn toàn khả thi và triển khai được tại các bệnh viện. TS. Nguyễn Chí Ngọc - Chủ nhiệm dự án cho biết: “Hướng phát triển tiếp theo của dự án là xây dựng các giải thuật phần mềm về trí thông minh nhân tạo dựa trên nền tảng dữ liệu lớn đã thu thập được từ cloud, phát triển các hướng nghiên cứu về dữ liệu lớn cho ngành y tế và xây dựng hệ thống phần mềm Bệnh án điện tử hoàn chỉnh từ các kết quả đã nghiên cứu được”.
Doãn Tâm
lên đầu trang