Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 05/05/2024 | 15:52

Chủ nhật, 05/05/2024 | 15:52

Tin KHCN

Cập nhật lúc 17:05 ngày 13/02/2022

Bộ Công Thương: Phát huy hiệu quả công tác phát triển nguồn nhân lực

Mặc dù có những khó khăn, thách thức do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, tuy nhiên năm 2021, các nội dung, nhiệm vụ liên quan đến công tác quản lý nhà nước về đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực được Bộ Công Thương triển khai tích cực, hiệu quả bám sát tinh thần các Nghị quyết của Đảng, Chương trình hành động của Chính phủ và Bộ Công Thương.
Hoàn thành “mục tiêu kép”
Theo đánh giá của Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Công Thương, công tác quản lý nhà nước về giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp năm 2021 đã hoàn thành “mục tiêu kép”, vừa đảm bảo được cơ bản tiến độ, kế hoạch năm học, vừa đảm bảo an toàn sức khỏe cho cán bộ nhân viên, học sinh sinh viên các trường thuộc Bộ.
Đồng thời, theo ghi nhận của Vụ Tổ chức cán bộ, quy mô đào tạo các năm gần đây ổn định, ngành nghề đào tạo đa dạng, kịp thời đáp ứng yêu cầu thị trường lao động bên cạnh việc hình thành các ngành thế mạnh đặc thù tại của các cơ sở đào tạo thuộc Bộ. Riêng tuyển sinh năm qua đạt 91,8% kế hoạch đề ra là nỗ lực đáng được ghi nhận trong bối cảnh liên tục giãn cách xã hội.
Đặc biệt, do sự xuất hiện của dịch Covid, Vụ Tổ chức cán bộ và các trường đã phát huy hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin nhằm ứng phó linh hoạt với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, bước đầu sử dụng công nghệ Big data trong thống kê, trao đổi dữ liệu, cung cấp thông tin cho triển khai chỉ đạo, kịp thời xử lý các vấn đề truyền thông phát sinh và công tác quản lý, điều hành, ra quyết định.

Quy mô đào tạo các năm gần đây của các trường thuộc Bộ Công Thương ổn định
Nêu rõ một số kết quả nổi bật đạt được trong năm qua, theo Vụ Tổ chức cán bộ đó là đơn vị này đã xây dựng, trình Bộ ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của các trường thuộc Bộ Công Thương thông qua gắn kết doanh nghiệp trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” để triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.
Đồng thời, Vụ Tổ chức cán bộ cũng đã tiến hành tổ chức xây dựng các đề án phát triển nguồn nhân lực, như: Rà soát, đánh giá nhu cầu nguồn nhân lực ngành Công Thương trong bối cảnh CMCN 4.0. Phối hợp các đơn vị của Bộ xây dựng kế hoạch hợp tác giữa Bộ Công Thương với Hàn Quốc, Nhật Bản,... trong đó đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp, thương mại. Thực hiện đào tạo bồi dưỡng, nâng cao năng lực, chuyên môn của cán bộ công chức Bộ Công Thương trong điều kiện hội nhập quốc tế; xây dựng các đề án về nâng cao năng lực, chuyên môn của cán bộ công chức Bộ Công Thương...
Bước vào năm 2022, thực hiện nhiệm vụ đề ra đối với công tác quản lý nhà nước về giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, Vụ Tổ chức cán bộ cho biết, đơn vị này sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành, đặc biệt là việc gắn kết doanh nghiệp trong đào tạo; hoàn thành việc trình Bộ phê duyệt các đề án về phát triển nguồn nhân lực, cụ thể hóa thành các văn bản triển khai thực hiện; tiếp tục triển khai thực hiện các đề án hợp tác quốc tế về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Tham mưu Bộ trình Chính phủ cho phép bổ sung nhiệm vụ của Bộ Công Thương trong Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức về hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, tập trung xây dựng một số đề án, kế hoạch, chương trình hành động về phát triển nguồn nhân lực và định mức kinh tế kỹ thuật các dịch vụ đào tạo công của 5 ngành nghề trình độ đại học; tổ chức thực hiện các đề án về phát triển nguồn nhân lực đã được phê duyệt, ban hành chương trình hành động, kế hoạch cụ thể; nâng cao hiệu quả quản lý giám sát của Bộ theo hướng áp dụng mạnh mẽ công nghệ số và công nghệ thông tin, song song với việc tiếp tục hướng dẫn thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong mọi mặt hoạt động của các cơ sở đào tạo trực thuộc.
Đồng thời, Vụ Tổ chức cán bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Công Thương đẩy mạnh hoạt động đánh giá kiểm định chất lượng, công khai chuẩn đầu ra theo ngành/nghề đào tạo, phân tầng giáo dục đại học, thúc đẩy chương trình hợp tác quốc tế, nhân rộng mô hình đào tạo hiệu quả (như đào tạo kỹ sư thực hành), các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nhà trường nhằm thực hiện tốt công tác phát triển nguồn nhân lực cho ngành công thương. Mặt khác, tiếp tục thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn với quy hoạch cán bộ, vị trí việc làm nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước thành thạo về chuyên môn, nghiệp vụ, có trình độ quản lý tốt đáp ứng yêu cầu của việc kiện toàn và nâng cao hiệu quả của bộ máy nhà nước.
Đào tạo an toàn và linh hoạt gắn với kiểm soát dịch Covid-19
Bộ Công Thương có 34 trường, bao gồm: 1 trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; 9 trường đại học; 24 trường cao đẳng. Nhằm thích ứng linh hoạt với tình hình mới, năm học 2020- 2022, tại Hội nghị Tổng kết công tác đào tạo, bồi dưỡng năm học 2020-2021 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2021-2022, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đã yêu cầu các trường thuộc Bộ tổ chức các hoạt động đào tạo an toàn và linh hoạt gắn với kiểm soát dịch; ứng dụng sản phẩm nghiên cứu vào phòng, chống dịch Covid-19; chuẩn bị đầy đủ nguồn nhân lực có chất lượng, có kỹ năng và đạo đức đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp trong quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Lãnh đạo Bộ Công Thương đề nghị các cơ sở đào tạo tiếp tục đẩy mạnh tự chủ và giải trình xã hội, đổi mới nâng cao năng lực quản trị đại học (ĐH), hướng tới quản trị ĐH 4.0; thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực kỹ thuật - công nghệ, đảm bảo yêu cầu cuộc CMCN 4.0 trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tiếp tục kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp để đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực có tay nghề, có kỹ năng đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp nền tảng, thương mại điện tử và kinh tế số.
Cụ thể, Bộ Công Thương yêu cầu các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ tiếp tục phòng, chống dịch Covid-19 song song với đảm bảo hoạt động đào tạo với các biện pháp chủ động, tích cực hơn; ứng dụng các sản phẩm nghiên cứu trong phòng chống dịch, tư vấn cơ chế, chính sách cho phục hổi kinh tế; xây dựng mô hình, giáo trình, tài liệu cho học trực tuyến một cách bài bản và củng cố hạ tầng kỹ thuật cho việc quản lý, dạy và học online. Tập trung đẩy mạnh tự chủ, tự chịu trách nhiệm và giải trình, các trường chưa tự chủ 100% chủ động rà soát và lên kế hoạch, lộ trình hướng tới tự chủ toàn diện; các trường đã tự chủ 100% tăng cường phân cấp, minh bạch thông tin, tăng cường giám sát, đánh giá của xã hội.
Bên cạnh đó, sắp xếp mạng lưới cơ sở đào tạo và tổ chức nhà trường; chuẩn hóa chức năng, nhiệm vụ các đơn vị trong trường theo hướng đào tạo và nghiên cứu khoa học liên ngành, ứng dụng thực tiễn. Nâng cao trình độ, kinh nghiệm, kỹ năng sư phạm, khả năng nghiên cứu, ngoại ngữ, công nghệ thông tin cho đội ngũ nhà giáo, đặc biệt là giảng viên chương trình chất lượng cao nâng cao thông qua hợp tác doanh nghiệp, hợp tác quốc tế.
Đồng thời, các trường được yêu cầu tăng cường xây dựng đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo; chủ động nghiên cứu chiến lược phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp phụ trợ, xuất nhập khẩu, thương mại điện tử và kinh tế số để dự báo nhu cầu thị trường lao động, xác định ngành nghề đào tạo phù hợp; thúc đẩy hợp tác và hội nhập quốc tế thông qua việc củng cố các kỹ năng ngoại ngữ cho giáo viên, giảng viên, nhân viên và cán bộ quản lý; mở rộng các hình thức liên kết đào tạo quốc tế tại Việt Nam; xây dựng các chương trình đào tạo hướng tới chuẩn quốc tế...
Bộ Công Thương cũng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ về công tác quản lý đào tạo, tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp tại các trường thuộc Bộ Công Thương; hỗ trợ kết nối các trường của Bộ với cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang