Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 27/04/2024 | 22:07

Thứ bảy, 27/04/2024 | 22:07

Chính sách

Cập nhật lúc 09:01 ngày 28/02/2022

Giải pháp nào để tận dụng tốt hơn cơ hội từ EVFTA?

Làm thế nào để tận dụng tốt hơn cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)? Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo Tác động của Hiệp định EVFTA sau đại dịch và các biện pháp ứng phó phù hợp vừa được Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức.
Phát biểu tại hội thảo, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, sau hơn 1 năm có hiệu lực, EVFTA đã tác động khá tích cực đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam. Từ xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, thị trường lao động đến hoàn thiện thể chế…

Doanh nghiệp chủ động nắm bắt cơ hội từ EVFTA
Cụ thể, theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI): Từ góc độ thương mại có thể thấy, hoạt động xuất khẩu cũng như nhập khẩu giữa Việt Nam và EU đã có sự tăng trưởng ấn tượng từ sau khi hiệp định có hiệu lực. Trong đó, riêng năm 2021, trong bối cảnh nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU vẫn đạt 40,06 tỷ USD, tăng so với năm 2020 là 14,1%; kim ngạch nhập khẩu từ EU là 16,89 tỷ USD, tăng 15,3% so với năm trước.
Đây là kết quả tích cực, nhưng so sánh với kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với thế giới năm 2021 đạt 336,31 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020 và kim ngạch nhập khẩu đạt 332,23 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm trước thì mức tăng trưởng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với EU vẫn được đánh giá thấp hơn, cho thấy các doanh nghiệp đã tận dụng khá tốt cơ hội từ EVFTA, nhưng dư địa vẫn còn rất lớn.
Sau hơn 1 năm thực thi EVFTA, tỷ lệ doanh nghiệp nắm bắt và tăng dần sử dụng ưu đãi thuế quan từ hiệp định này. Cụ thể, theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, từ khi EVFTA có hiệu lực đến hết năm 2020, kim ngạch xuất khẩu sử dụng EUR.1 là 2,35 tỷ USD; tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan là 15,1% thì trong 7 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sử dụng EUR.1 là 5,15 tỷ USD; tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan là 22,5%

Nâng cao năng lực cho khu vực doanh nghiệp giúp tận dụng tốt hơn cơ hội từ EVFTA
Về thu hút đầu tư trực tiếp từ EU, TS John FitzGerald - Trường đại học Trinitry (Ireland) - cho rằng: Dù đã có tín hiệu tích cực, nhưng FDI từ EU vào Việt Nam vẫn được đánh giá ở mức “khiêm tốn”, trong khi đó dòng vốn ngoại vào Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn vẫn là các quốc gia đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Đây chính là cơ hội để EU tăng cường thu hút FDI vào Việt Nam trong thời gian tới.
Đặc biệt, theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, EVFTA được ký kết đã minh chứng cho thành công của Việt Nam trong thực hiện đa dạng hóa, đa phương hóa kinh tế đối ngoại, tránh phụ thuộc vào một thị trường, một nguồn cung ứng duy nhất, giảm sức ép rủi ro cho nền kinh tế. Việt Nam và EU là 2 nền kinh tế bổ sung cho nhau, nên việc thực hiện EVFTA khiến cả 2 bên đều có lợi, Việt Nam có thể nhập khẩu từ EU những sản phẩm mà chúng ta không làm được, ngược lại, EU lại có thể nhập khẩu từ Việt Nam những sản phẩm mà chúng ta có thế mạnh như tôm, dệt may và các sản phẩm nông sản…
“Việc thực thi EVFTA không chỉ tạo lợi thế, lợi ích bổ sung cơ cấu kinh tế mà còn thúc đẩy quá trình cải cách thể chế của Việt Nam” - ông Lê Đăng Doanh thông tin.
Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực mà EVFTA mang lại, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, do năng lực của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn hạn chế nên gặp bất lợi trong tận dụng các ưu đãi thuế quan. Cụ thể là, với ngành dệt may Việt, do công nghiệp phụ trợ của ngành này còn hạn chế, Việt Nam lại chủ yếu nhập khẩu linh kiện ngoài khối, nên không tận dụng được nhiều ưu đãi từ EVFTA.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới, cùng với những biến động mới của kinh tế thế giới, dự báo sẽ tác động ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và lạm phát, tăng trưởng toàn cầu. Tuy nhiên, để tận dụng tốt hơn cơ hội từ EVFTA hậu Covid-19, bà Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng, trước hết cần nâng cao năng lực cho khu vực trong nước. Để làm được điều này thì bản thân doanh nghiệp cũng cần chủ động, bên cạnh đó các cơ quan chức năng cũng cần có sự hỗ trợ cần thiết liên quan đến thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, cải thiện môi trường kinh doanh thông qua hoàn thiện thể chế trong bối cảnh bình thường mới, cải cách thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến xuất, nhập khẩu. Cùng với đó, hỗ trợ nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi cho doanh nghiệp thông qua chiến lược phát triển công nghiệp phụ trợ, nâng cao chất lượng, khả năng đáp ứng yêu cầu của đối tác và chuyển đổi số.
Liên quan đến những giải pháp tận dụng cơ hội EVFTA, theo ông Lương Văn Khôi - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia: Bên cạnh tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện văn bản pháp luật, cải cách thể chế, cải cách hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh; tăng cường phổ biến tuyên truyền và nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và các cơ quan quản lý về EVFTA… cần có những giải pháp ở góc độ ngành thông qua việc nâng cao chất lượng của các sản phẩm ngành dệt may, da giày, ô tô, xe máy, các sản phẩm về gỗ, dịch vụ… nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và tận dụng tốt hơn cơ hội từ EVFTA.
EVFTA tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam trong trước mắt và dài hạn. Tuy vậy, để tận dụng tốt hơn cơ hội thì hiệp định này thì nâng cao năng lực cạnh tranh cho khu vực doanh nghiệp trong nước là vấn đề cần được quan tâm.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang