Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 30/04/2024 | 10:04

Thứ ba, 30/04/2024 | 10:04

Tin KHCN

Cập nhật lúc 16:12 ngày 06/03/2022

Quảng Trị tăng cường chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ

Với quan điểm đưa khoa học công nghệ là động lực then chốt cho phát triển kinh tế- xã hội, trong những năm qua, tỉnh đã có nhiều chính sách đầu tư hoạt động chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ. Nhằm đẩy mạnh công tác này, Sở Khoa học và công nghệ đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý, điều hành với các giải pháp cụ thể, thiết thực mang lại hiệu quả cao.
Dự án “Ứng dụng khoa học và công nghệ trong chăn nuôi dê Boer thâm canh theo hướng hữu cơ” do hộ ông Lê Văn Thành thực hiện trên địa bàn thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa được Sở Khoa học và công nghệ (KH&CN) đầu tư xây dựng mô hình chỉ sau 1 năm đi vào hoạt động đã mang lại hiệu quả khá. Hệ thống chuồng trại xây dựng trên diện tích 0,3 ha, sàn chuồng đóng bằng thanh tròn lõi gỗ, thuận lợi cho thu gom phân dê. Thức ăn cho dê được sử dụng bao gồm cám tổng hợp và thức ăn thô xanh đã được ủ lên men theo tiêu chuẩn xuất khẩu châu Âu (cây bắp sinh khối và cỏ được trồng trên diện tích 1 ha). 300 con dê Boer thả nuôi được ông Thành mua về có nguồn gốc từ Thái Lan. Dự án đã ứng dụng hệ thống cảm biến nhiệt độ, quạt mát, hệ thống phun sương trên mái, đèn sưởi ấm, đèn màu thắp sáng cho dê ăn ban đêm, đá liếm muối khoáng...
Việc ứng dụng đồng bộ KHCN vào sản xuất đã giúp cho dê chóng lớn, hạn chế tối đa các loại bệnh tật nên mang lại hiệu quả kinh tế cao. Giống dê đực được chọn từ 15 - 20 kg nuôi vỗ béo, sau 100 ngày xuất chuồng trọng lượng đạt trung bình 40kg/con. Với giá dê hơi hiện nay khoảng 110 - 120 nghìn đồng/kg, sau hơn 3 tháng nuôi vỗ béo, ông Thành thu lãi hơn 1 triệu đồng/con. Ngoài ra, nguồn phân dê được thu gom, xử lý để bán cho các cơ sở chế biến phân bón hữu cơ cũng mang lại nguồn thu đáng kể. Theo ông Lê Văn Thành, mô hình chăn nuôi dê Boer đầu tư ứng dụng KHCN không khó thực hiện và đã mang lại hiệu quả cao, có thể nhân ra diện rộng.
Thời gian qua, ngành KH&CN tỉnh đã có sự đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ, bước đầu thực hiện thành công Đề án “Tái cơ cấu ngành KH&CN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng góp phần phát triển kinh tế”. Ngành KH&CN luôn xác định đổi mới sáng tạo, chuyển giao và ứng dụng các kết quả nghiên cứu KH&CN trong các ngành, lĩnh vực vào sản xuất và đời sống là nhiệm vụ trọng tâm, cần ưu tiên đặt lên hàng đầu.
Công tác chuyển giao và ứng dụng KH&CN vào quản lý, sản xuất, kinh doanh được đẩy mạnh, góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nâng cao đời sống, thúc đẩy sản xuất, phục vụ tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Kết quả các đề tài nghiên cứu đã được ứng dụng có hiệu quả trong thực tế. Đặc biệt một số mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới phục vụ phát triển một số sản phẩm chủ lực, tiềm năng của tỉnh. Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Thông tin KH&CN thuộc Sở KH&CN đã làm chủ và chuyển giao nhiều quy trình, công nghệ mới phục vụ sản xuất và đời sống.
Công tác nhân rộng các mô hình, tiến bộ KH&CN đã được khẳng định hiệu quả gắn với thực hiện Nghị quyết số 31/2017/NQHĐND của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ ứng dụng và nhân rộng các kết quả KH&CN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2025 được tích cực triển khai. Việc thực hiện nghị quyết đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp vươn lên tiếp cận thành tựu KH&CN tiên tiến; đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao chất lượng, giá trị, gia tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa. Các dự án cấp quốc gia thuộc Chương trình Nông thôn miền núi đã hỗ trợ tích cực cho người dân vùng ven biển ứng dụng KH&CN để phát triển sản xuất, ổn định đời sống sau sự cố môi trường biển.
Nhằm hỗ trợ, khuyến khích, huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 163/2021/NQ-HĐND ngày 9/12/2021 “Quy định một số chính sách hỗ trợ ứng dụng, nhân rộng các kết quả KH&CN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2026” thay thế Nghị quyết số 31 với những chính sách hỗ trợ khá toàn diện, bài bản trên các lĩnh vực sẽ là bước đột phá trong đổi mới sáng tạo, ứng dụng và nhân rộng các kết quả KH&CN của tỉnh trong thời gian tới.
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ với nhiều cơ hội cũng như nhiều thách thức trong quá trình phát triển, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao và ứng dụng KHCN vào sản xuất và đời sống. Thời gian tới, ngành KH&CN tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, triển khai các chủ trương, chính sách đổi mới sáng tạo, ứng dụng, chuyển giao KHCN vào sản xuất và đời sống. Hoàn thiện các chính sách phát triển, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và nhóm chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển ứng dụng, chuyển giao.
Quan tâm đầu tư đúng mức nghiên cứu khoa học ứng dụng cơ bản, chú trọng ứng dụng công nghệ. Lựa chọn và tập trung hỗ trợ triển khai nghiên cứu, ứng dụng phát triển công nghệ cho một số ngành và lĩnh vực then chốt. Cơ cấu lại các nhiệm vụ KH&CN theo hướng tập trung phát triển các công nghệ mới phục vụ ứng dụng, chuyển giao vào sản xuất, đời sống như: Công nghệ số, công nghệ sinh học, công nghệ năng lượng tái tạo, công nghệ sạch theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường. Tiếp tục thúc đẩy hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Tăng cường gắn kết chặt chẽ giữa người sản xuất, doanh nghiệp, địa phương và các đơn vị nghiên cứu, hỗ trợ để thúc đẩy đổi mới công nghệ, ứng dụng những công nghệ vào phục vụ thực tiễn sản xuất và đời sống. Triển khai thực hiện hiệu quả những chính sách mang tính đột phá để khuyến khích và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp, dịch vụ công; nhất là hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ trong sản xuất - kinh doanh và dịch vụ công. Cơ cấu lại các chương trình, nhiệm vụ KH&CN theo chuỗi giá trị của sản phẩm, tạo giá trị gia tăng.
Thông qua các chương trình KH&CN cấp quốc gia và các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, cấp cơ sở, tập trung triển khai nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ, ứng dụng các tiến bộ KH&CN để nâng cao hàm lượng, sử dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, có năng suất và giá trị gia tăng cao. Phát triển thị trường công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyển giao công nghệ diễn ra mạnh mẽ. Đẩy mạnh hoạt động sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội và quá trình hội nhập quốc tế.
Chuẩn hóa quy trình công nghệ chuyển giao, xây dựng thành các bộ cơ sở dữ liệu, tích hợp, ứng dụng công nghệ mới trong khai thác, sử dụng và chuyển giao. Tập trung thu hút các dự án sản xuất, kinh doanh sản phẩm có hàm lượng KH&CN cao gắn với ứng dụng một số công nghệ mới của Cách mạng công nghiệp 4.0. Mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, đồng thời tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết chuỗi để thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao, ứng dụng KHCN vào sản xuất.
Chuyển giao và ứng dụng KHCN để phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới. Trong bối cảnh KHCN phát triển mạnh mẽ như hiện nay, đây chính là động lực để các hoạt động KHCN tỉnh bứt phá ứng dụng vào sản xuất, góp phần đưa nền kinh tế của tỉnh phát triển nhanh và bền vững. 
 
Theo Báo Quảng Trị
lên đầu trang