Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 02/05/2024 | 19:57

Thứ năm, 02/05/2024 | 19:57

Chính sách

Cập nhật lúc 08:57 ngày 14/03/2022

NFT dưới góc nhìn luật bản quyền

Với những “thương vụ” triệu USD, NFT (Non-Fungible Token) là một “hiện tượng” khá mới mẻ, hầu như chưa được điều chỉnh bởi khung pháp lý về bản quyền của các quốc gia cũng như thực tiễn xét xử. Do đó, những tranh luận xung quanh vấn đề bản quyền liên quan đến NFT là điều cần thiết cho việc định hình cơ chế điều chỉnh pháp lý về bản quyền đối với NFT trong tương lai.
NFT: xu hướng mới về tài sản kỹ thuật số
NFT có thể tạm dịch là Token không thể thay thế, là một loại tài sản mật mã (Crypto Currency) có nguồn gốc từ các hợp đồng thông minh trên nền tảng chuỗi khối (blockchain). NFT là một dạng chuỗi số mã hóa mang tính duy nhất, không thể thay thế, chứa thông tin nhận dạng và xác minh tài sản được lưu giữ trên hệ thống chuỗi khối, vì vậy NFT có thể dùng để lưu trữ, xác định sự tồn tại và quyền sở hữu của các vật phẩm, sản phẩm, tài sản và giao dịch trên thế giới số. Điều này làm cho NFT khác với các loại tiền mật mã tiêu chuẩn truyền thống như Bitcoin, vốn mang tính chất tiền tệ, tương đương và có thể thay thế1.
Tác phẩm nghệ thuật NFT "The First 5000 Days" của Beeple được bán với giá 69,3 triệu USD
Một người hoàn toàn có thể tạo ra các NFT từ một tài sản kỹ thuật số và tiến hành thực hiện các giao dịch. Lịch sử các giao dịch này đều được ghi nhận lại trên hệ thống chuỗi khối mang tính công khai và phi tập trung, có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc. Với đặc tính này, NFT đang trở thành một giải pháp rất được kỳ vọng trong việc bảo vệ tài sản nói chung và quyền sở hữu trí tuệ nói riêng. Trên thực tế, NFT đang được ứng dụng để sáng tạo ra nhiều tài sản kỹ thuật số mang tính độc nhất trong nhiều lĩnh vực như: (i) nghệ thuật (hội họa, âm nhạc, tranh ảnh, video); (ii) trò chơi trực tuyến (vật phẩm, nhân vật, tài sản trong game…); (iii) vật phẩm trong vũ trụ song song (metaverse)2 hay (iv) bất kỳ một tài sản nào đó có thể tồn tại dưới dạng kỹ thuật số, bao gồm phiên bản số hóa của các tài sản trong đời thực3.
NFT ngày càng được chú ý và chứng kiến nhiều sự bùng nổ trong thị trường giao dịch tiền mật mã. Các chuyên gia cho rằng năm 2021 được đánh dấu là năm của các NFT khi mà giá trị giao dịch NFT ở mức cao kỷ lục 23,9 tỷ USD. Một số giao dịch tiêu biểu đáng chú ý như: Tác phẩm NFT đắt nhất được Beeple bán với giá 69 triệu USD tại Christie’s; Album NFT đầu tiên được ra mắt bởi Kings of Leon; Jack Dorsey bán tweet đầu tiên của mình dưới dạng NFT với giá 2,9 triệu USD... NFT cũng nhận được sự quan tâm và vào cuộc của nhiều thương hiệu lớn như Nike, Adidas, Dolce & Gabbana, Phillips, Budweiser. Những người hoạt động nghệ thuật cũng đã có những hành động cụ thể tham gia vào thị trường NFT như Snoop Dogg, Grimes, Deadmau5 và Post Malone trong việc gắn NFT với những tác phẩm nghệ thuật của họ4.
Bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của thị trường NFT, nhiều tệ nạn tiêu cực cũng đã xảy ra gây ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều chủ thể, đặc biệt là vấn đề bản quyền. Tình trạng sử dụng không phép các tác phẩm nghệ thuật để tạo thành NFT và mua bán trục lợi đã xuất hiện và có dấu hiệu gia tăng5
Chính vì vậy, nhiều quan điểm cho rằng, thị trường NFT đang có dấu hiệu đi ngược với mục tiêu bảo vệ bản quyền như kỳ vọng.
NFT và các vấn đề liên quan đến bản quyền
Bản quyền của NFT và các yếu tố còn gây tranh cãi
Trong phạm vi các chế định liên quan đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ, bản quyền là chế định cung cấp sự bảo vệ cho các tác phẩm nhằm đảm bảo tác giả, nghệ sĩ và những nhà sáng tạo chân chính có thể khai thác giá trị kinh tế từ các sản phẩm sáng tạo của mình để bù đắp lại sức lao động, công lao sáng tạo và đầu tư, khuyến khích hơn nữa những sáng tạo trong xã hội, cũng như thúc đẩy sự phát triển văn hóa, nghệ thuật và khoa học. Phạm vi bảo vệ của bản quyền bao gồm tất cả các sản phẩm trong lĩnh vực văn học, khoa học và nghệ thuật mà không có bất kỳ giới hạn về hình thức thể hiện nào6. Tuy nhiên, sẽ có một số tiêu chuẩn cụ thể mà một sản phẩm phải đáp ứng để có thể trở thành tác phẩm được bảo vệ bản quyền (copyrightable work).
Đối với NFTs (các mã token không thể thay thế), cần làm rõ rằng lý thuyết về bản quyền mặc dù không giới hạn bất kỳ hình thái tác phẩm nào để một sản phẩm sáng tạo có thể được bảo hộ bản quyền, tuy nhiên, tính đặc thù trong cách tạo ra NFT (minting chứ không phải creating) đã phần nào thách thức các điều kiện cụ thể được lý thuyết bản quyền đặt ra từ trước đến nay. Cụ thể, một tác phẩm tối thiểu phải (1) là sản phẩm sáng tạo của con người (intellectual creation); (2) được thể hiện ra ngoài (expressed out) và (3) có tính nguyên gốc (originality), bao gồm cả sự hình thành độc lập và sự sáng tạo (creativity) thì mới được bảo hộ bản quyền.
Trong bối cảnh xem xét các NFT như một phiên bản độc nhất của tác phẩm có chữ ký điện tử của tác giả, có rất nhiều ý kiến cho rằng NFT hoàn toàn có thể được bảo vệ như một tác phẩm bởi lẽ (1) Nó là do con người tạo ra, ví dụ như Chris Torres với NFT meme Nyan Cat, Beeple với NFT The First 5000 Days, Jack Dorsey với NFT bài đăng đầu tiên của ông này trên Twitte..., (2) nó được thể hiện ra bên ngoài dưới dạng mã hóa (token) và (3) nó là phiên bản độc nhất với sự kết hợp của các yếu tố có trong mã thông báo, chỉ có một mã token trên thế giới tồn tại với sự kết hợp của các thành tố trong đó có thể dẫn đến bản hiển thị của tác phẩm (sau đây gọi là NFT art). Giả sử bản hiển thị này có sự sáng tạo của tác giả với đầy đủ các tính nguyên gốc cần có, NFT gắn với NFT art cũng tương tự như một bức ảnh chụp lại tác phẩm, một thạch bản giới hạn, một bản ghi ca khúc duy nhất. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, bản quyền ở đây là bản quyền nằm ở NFT art mà NFT đại diện cho, chứ không phải chính bản thân đoạn mã NFT.
Như vậy, nếu tách NFT như một đoạn mã token đơn thuần, lập luận trên sẽ không còn chính xác vì giống như một mã QR code, NFT lúc này chỉ là một đường dẫn đến bản hiển thị kỹ thuật số của tác phẩm chứ không phải bản thân tác phẩm hay phiên bản kỹ thuật số đó. Nói một cách khác, NFT chỉ là một chữ ký điện tử duy nhất được liên kết theo một cách nào đó với tác phẩm gốc hoặc phiên bản kỹ thuật số của tác phẩm gốc. Ngoài ra, việc tạo ra các token không phải là sự sáng tạo của con người, nó là sự kết hợp có chủ đích của hai thành tố token ID (được tạo ra người dùng đăng ký token) và địa chỉ hợp đồng thông minh (một địa chỉ blockchain có thể được xem ở mọi nơi trên thế giới bằng cách sử dụng máy quét blockchain)7, cùng một số yếu tố ngẫu nhiên khác được sắp xếp bởi thuật toán máy tính. Dường như không có sự sáng tạo nào ở đây và bất kỳ thứ gì, kể cả sản phẩm được bảo vệ bản quyền hoặc không được bảo vệ bản quyền, một khi đã được số hóa đều có thể trở thành NFTs.
Mối quan hệ giữa NFT và bản quyền của tác phẩm gốc
Để tạo ra một NFT, một trong những nguyên liệu bắt buộc là phiên bản kỹ thuật số của tác phẩm. Việc tạo ra NFT phải dựa vào một tác phẩm gốc, nhưng việc tạo ra “nhiều phiên bản độc nhất” từ cùng một tài nguyên đến nay chưa có gì có thể ngăn cản được. Theo nhiều cách, điều này tương tự như những gì đang diễn ra với thị trường thạch bản phiên bản giới hạn (limited edition lithograph market), nơi một số nghệ sĩ đã bị cáo buộc là đã phát hành lại một tác phẩm đã được bán trước đó dưới dạng phiên bản giới hạn. Hiện tại để dễ dàng cho việc phân tích hãy giả định rằng chúng ta chỉ tạo ra một NFT từ một tác phẩm. Như vậy, câu hỏi đặt ra ở đây là NFT là gì đối với tác phẩm gốc, một sự sao chép, một sự chuyển thể, hay chỉ là một trong các cách để truyền đạt tác phẩm đến công chúng?
Đối với sự sao chép, yếu tố mấu chốt để nhận diện các bản sao với các tác phẩm là sự hiện thân theo nghĩa đen của bản gốc lên các bản sao, ví dụ như phát hành sách từ một bản thảo, ghi âm một bản nhạc vào các đĩa hát, upload các video/file mp3 buổi biểu diễn lên các nền tảng internet, dán một bài báo vào email, sao chép một phần mềm máy tính vào PC... Các bản sao nói trên mặc dù được thể hiện dưới hình thức giống hoặc khác với tác phẩm, nhưng nội dung thì giữ nguyên, và một khi công chúng tiếp cận thì có thể thấy ngay nội dung của tác phẩm gốc. Như vậy, việc số hóa một tác phẩm là một hình thức sao chép và từ sản phẩm sao chép này NFT được tạo ra. Giống như việc sở hữu một cuốn sách, một bản ghi ca khúc, người sở hữu NFT cũng không sở hữu bản quyền của tác phẩm gốc. Tuy nhiên, khi việc tạo NFT hoàn thành, dường như không có bất kỳ liên hệ nào giữa NFT với phiên bản số hóa đó nữa cả, NFT tồn tại độc lập và cho dù chủ sở hữu có sao chép tác phẩm gốc hay phiên bản số hóa của tác phẩm gốc bao nhiêu lần, NFT vẫn là duy nhất. Thậm chí khi bản số hóa bị mất đi, xóa đi cũng không ảnh hưởng gì đến NFT. Chưa kể, khi tách ra độc lập NFT sẽ chỉ là một đường link, công chúng khi nhìn vào nó chỉ thấy các ký tự, ký hiệu được sắp xếp, chứ không tiếp cận được trực tiếp với nội dung của tác phẩm, do đó, việc NFT có phải là một bản sao của tác phẩm không vẫn còn là một vấn đề còn nhiều tranh cãi.
Đối với việc chuyển thể, đây là một khái niệm tương đối hẹp liên quan đến các hoạt động dịch thuật, phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn. Trên thực tế, có nhiều quan điểm cho rằng việc tạo ra NFT là một dạng chuyển thể, phóng tác tác phẩm sang một hình thái thể hiện khác, một định dạng khác để phục vụ mục đích thương mại. Tuy nhiên, tương tự việc dịch một tác phẩm ra ngôn ngữ khác hay đưa một tiểu thuyết lên phim, tác phẩm chuyển thể phải ít nhất có các liên kết về nội dung với tác phẩm gốc trong khi hình thức thể hiện ra bên ngoài đã thay đổi. Trong khi đó, trong nhiều trường hợp người ta cho rằng NFT là độc lập hoàn toàn với các tác phẩm mà nó đại diện, nó đơn giản chỉ là một đoạn mã, một đường link, việc tạo ra nó cũng là sự kết hợp giữa các yếu tố liên quan đến ID, địa chỉ hợp đồng chứ không có sự chuyển thể nào đối với tác phẩm, do đó, khó có thể thích hợp với định nghĩa chuyển thể truyền thống trong bản quyền.
Cuối cùng, đối với việc truyền đạt tác phẩm đến công chúng, đây có vẻ là hình thức thể hiện ít gây tranh cãi nhất khi đề cập đến mối quan hệ giữa NFT và tác phẩm gốc. Cụ thể, bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác, chủ sở hữu bản quyền có thể độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc đưa tác phẩm hoặc bản sao tác phẩm đến công chúng và công chúng có thể tiếp cận được tại địa điểm cũng như thời gian do chính họ lựa chọn. Hiểu như vậy, việc chuyển hóa tác phẩm số hóa thành NFT sẽ là một trong những cách để đưa tác phẩm đến gần hơn với công chúng, khiến tác phẩm trở thành một sản phẩm mang tính sưu tầm, như tem, phiếu, tiền giấy, tiền xu...
Tuy nhiên, dù có là sản phẩm sao chép, chuyển thể hay hình thức truyền tải đến công chúng, việc tạo ra các NFT từ góc độ bản quyền cũng là hoạt động độc quyền của tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả8. Ở thời điểm hiện tại, có hai cách tạo ra NFT mà chúng ta có thể ghi nhận. Một là, tạo ra NFT từ một tác phẩm vật lý. Lúc này, chúng ta có đồng thời (1) Tác phẩm vật lý (như một bức tranh, một bản chép nhạc, một tấm hình...), (2) Phiên bản số hóa của tác phẩm (hình chụp, bản scan, bản tải lên của các tác phẩm vật lý nói trên) và (3) NFT dẫn đến hiển thị NFT art trên một nền tảng. Trường hợp thứ hai là tạo ra NFT từ một tác phẩm số hóa. Lúc này, (1) Tác phẩm số hóa (như một đoạn mp3, meme, tệp GIF, hình ảnh, tranh vẽ, video số hóa, một đoạn twitter hay một nhân vật trong game) và (2) NFT dẫn đến hiển thị NFT art trên một nền tảng, cùng đồng thời tồn tại. Cần chỉ ra rằng, trong cả hai trường hợp, sự tồn tại và vận hành của NFT và NFT art là độc lập với tác phẩm vật lý, cũng như phiên bản số hóa của tác phẩm. Ví dụ, khi tác giả tiến hành chụp một bức ảnh, sau đó scan bức ảnh đó và chuyển đổi nó thành NFT và mang đi bán, người sở hữu NFT lúc này sở hữu một mã token duy nhất dẫn đến việc hiển thị phiên bản số hóa của bức ảnh trên một nền tảng cho phép. Trường hợp tác giả xé bức ảnh vật lý hoặc thậm chí là xóa file scan bức ảnh trên máy, hoặc đăng tải bức ảnh đó lên trên các nền tảng khác, cũng không làm ảnh hưởng gì đến NFT và nội dung mà nó dẫn đến cả. Do đó, việc sở hữu NFT trong trường hợp này là sự sở hữu đối với một hình thức thể hiện của tác phẩm, chứ không phải sở hữu tác phẩm hay bản số hóa của tác phẩm. Tác giả vẫn độc quyền khai thác thương mại tác phẩm gốc, bao gồm việc tạo ra các bản sao khác, thậm chí bán lại tác phẩm gốc cho một bên thứ ba. Điều đó cũng có nghĩa là người sở hữu NFT chỉ có quyền sử dụng cá nhân với mục đích phi thương mại mà không có quyền cấp phép, khai thác thương mại, sao chép, phân phối, làm tác phẩm phái sinh, biểu diễn công khai cũng như hiển thị công khai NFT hoặc âm nhạc hoặc tác phẩm nghệ thuật gắn liền với NFT. Năm 2021, vụ việc gây tranh cãi xảy ra khi Daystorm - một tập thể nghệ thuật sở hữu tác phẩm ký họa có tên là Free Comb with Pagoda của họa sĩ Jean-Michel Basquiat thông báo rằng họ sẽ tạo ra một mã NFT cho tác phẩm, đồng thời tuyên bố rằng sự chuyển giao NFT sẽ đi kèm với quyền sở hữu tệp kỹ thuật số và chủ sở hữu mới sẽ được lựa chọn hủy tác phẩm gốc nếu họ mong muốn9. Vụ việc này cho thấy đã có rất nhiều các nhận định sai lầm về mối quan hệ giữa NFT và tác phẩm gốc dẫn đến các vi phạm nghiêm trọng xảy ra. Trên thực tế, người sở hữu NFT có thể sẽ rất muốn phá hủy tác phẩm vật lý hoặc tác phẩm số hóa, để giữ cho NFT của mình là độc nhất về mọi nghĩa. Tuy nhiên trong trường hợp này, quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm là một quyền nhân thân quan trọng không thể chuyển giao thuộc về tác giả, do đó dù có là người sở hữu sản phẩm vật lý như Daystorm hay chủ sở hữu NFT cũng không có quyền phá hủy tác phẩm10
Các vi phạm tiềm tàng và các vấn đề bản quyền cần quan tâm
Từ các phân tích nêu trên, có thể thấy sự mới mẻ và phức tạp trong cách thức hình thành và cơ chế vận hành của NFT đã và đang là một thách thức với lĩnh vực bảo vệ bản quyền. NFT về cơ bản là một tệp siêu dữ liệu gắn với một tác phẩm được bảo hộ bản quyền hoặc không. Trong trường hợp tác phẩm có bản quyền, khi NFT được bán đi, nếu không có thỏa thuận gì thêm, bản quyền vẫn thuộc về tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả, trong đó bao gồm cả các quyền nhân thân (đặt tên, đứng tên, công bố, bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm) và các quyền tài sản (sao chép, phân phối, làm tác phẩm phái sinh...).
Một trường hợp vi phạm rất phổ biến hiện nay đến từ việc tạo ra NFT một cách dễ dàng thông qua các nền tảng. Trong rất nhiều trường hợp, người dùng đã tự ý tạo ra NFT từ các tác phẩm mà không có sự cho phép của tác giả hay chủ sở hữu, hành vi này về bản chất cũng giống như đăng tải phim lên các website phim lậu, chép lại các bức tranh của người khác rồi đem bán, in sách lậu và bán, livestream lậu các trận bóng đá, các bài hát mà chưa được cho phép. Như vậy, việc NFT hóa một tác phẩm của người khác, kể cả tác phẩm vật lý và tác phẩm số hóa để sử dụng, mua bán là các hành vi bất hợp pháp. Ngoài ra, việc tạo ra NFT có chứa các yếu tố có liên quan đến bản quyền của người khác cũng là một trong những trường hợp dễ gặp, đặc biệt là với các NFT art dưới dạng video/GIF trong đó có chứa hình ảnh hay âm nhạc bản quyền của người khác mà không thuộc trường hợp được sử dụng hợp lý (fair-use)11. Trong năm vừa qua, hàng loạt các nghệ sĩ trên thế giới đã lên tiếng khi tác phẩm của mình bị token hóa trái phép, điển hình như các nghệ sĩ thuộc Weird Undead với các tác phẩm bị token hóa và rao bán trong OpenSea mà không hề hay biết, trong khi một nghệ sĩ khác tên là Corbin Rainbolt đã phải lên tiếng thông báo rằng bản thân anh này chưa từng cho phép token hóa các tác phẩm NFT đang tràn lan trên mạng12. Tuy nhiên, cũng vẫn còn khá nhiều quan điểm cho rằng hành động tạo NFT do không chứa bất kỳ sự liên kết nào đến tác phẩm gốc và phiên bản số hóa tác phẩm, nên ngay cả khi việc số hóa tác phẩm là không được phép thì việc tạo ra một NFT cũng không cấu thành vi phạm bản quyền13
Việc mua bán NFT về cơ bản cũng không đi kèm việc mua bán bản quyền của tác phẩm gốc hay phiên bản số hóa của tác phẩm gốc. Trong trường hợp không thỏa thuận chuyển giao bản quyền của tác phẩm vật lý hoặc phiên bản số hóa của tác phẩm cùng với NFT, việc mua bán NFT lúc này tương tự như việc mua một cuốn sách hoặc một bức tranh, bức tượng, thạch bản... Do đó, nếu xem việc NFT hóa tác phẩm là việc sao chép (reproduction), học thuyết bán lần đầu (first sale doctrine)14 có thể được áp dụng để cho phép người sở hữu NFT có thể bán lại NFT (bản sao) mà không cần có sự đồng ý của tác giả hay trả bất kỳ khoản phí nào. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng đây là học thuyết của luật bản quyền Mỹ và không được áp dụng ở tất cả các khu vực pháp lý. Thông thường, nếu không có thỏa thuận về việc chuyển giao bản quyền, các quyền cơ bản, bao gồm cả phân phối bản sao tác phẩm vẫn thuộc về tác giả, trong đó bao gồm cả hoạt động mua bán NFT. Điều đó có nghĩa là nếu chủ sở hữu NFT muốn bán lại NFT thì trước đó phải được tác giả chuyển nhượng quyền, nếu không, đây sẽ hoạt động xâm hại đến bản quyền của tác giả đối với tác phẩm của họ. Đồng thời, người được chuyển nhượng quyền cũng sẽ phải trả cho tác giả phí bản quyền khi bán lại các NFT mà họ sở hữu trên các thị trường thứ cấp. Ngược lại với những quy định khắt khe và khó khăn trên thực tế, nhờ có hợp đồng thông minh và sự phát triển của công nghệ, sẽ rất dễ dàng để tác giả có thể nhận được phần trăm phí bản quyền tương ứng mỗi khi NFT được chuyển nhượng. Ví dụ, nền tảng Rarible cho phép tác giả đánh dấu vào lựa chọn "tiền bản quyền" và đặt tỷ lệ phần trăm tối đa là 50% nhưng khuyến nghị từ 0-10%15. Hiện nay, một số nền tảng cũng đã cung cấp lựa chọn chuyển nhượng bản quyền vào việc mua bán, ví dụ như Mintable hoặc Hup Life với các lựa chọn về chuyển đổi bản quyền hoặc tuân thủ công ước Berne ở cuối hợp đồng thông minh. Trên thực tế, người ta cũng đã thử nghiệm việc chuyển nhượng một phần bản quyền cùng với việc bán NFT. Năm 2021, nhạc sĩ người Pháp Jacques đã phát hành một bài hát có tên “Vous” và tạo ra NFT cho mỗi giây của bài hát, Jacques sau đó đem bán tổng cộng là 191 NFT. Người hâm mộ do đó có thể mua một mã thông báo đại diện cho một giây của bài hát. Phần thú vị của thử nghiệm này là Jacques tuyên bố rằng đây là chia sẻ thực tế từ lợi nhuận của bài hát, vì vậy sẽ có nhiều nhất là 191 người đồng sở hữu bản nhạc, mỗi người nhận được phần từ tiền bản quyền thu được từ bất kỳ nguồn nào, và điều này sẽ được thanh toán trực tiếp vào ví của chủ sở hữu NFT (0,51% tiền bản quyền cho mỗi NFT)16.
Như vậy, trong trường hợp này, tác giả đã chuyển nhượng một phần quyền tài sản của mình cùng với việc bán NFT và chủ sở hữu NFT ngoài việc có quyền sử dụng NFT cho một giây bài hát mà mình sở hữu, còn có thể hưởng tiền bản quyền tương ứng.
Nhìn chung, vẫn còn nhiều câu hỏi mở liên quan đến NFT và bản quyền, đặc biệt là khi thị trường mua bán NFT càng ngày càng nhộn nhịp với các giá trị giao dịch cao hơn những gì công chúng có thể dự đoán. Tuy nhiên, sẽ cần thêm nhiều thời gian và nghiên cứu để chỉ ra được mối quan hệ giữa NFT và lý thuyết bản quyền, đồng thời dự báo các vấn đề pháp lý và vi phạm bản quyền có thể xảy ra.
1https://arxiv.org/pdf/2105.07447.pdf, truy cập ngày 01/02/2022.
2https://www.facebook.com/vlecforum/posts/1219951695191287, truy cập ngày 26/01/2022.
3https://ueh.edu.vn/khoa-hoc/tim-hieu-ve-nft-tai-san-so-ung-dung-cong-nghe-blockchain-57881?app=true&app=true, truy cập ngày 01/02/2022.
4https://assets.coingecko.com/reports/2021-Year-End-Report/CoinGecko-2021-Report-VN.pdf,  truy cập ngày 01/02/2022.
5https://vnexpress.net/ke-ho-ban-quyen-nft-ngay-cang-toi-te-4425685.html, truy cập ngày 01/02/2022.
6Khoản 1, Điều 2 Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật năm 1971, sửa đổi năm 1979.
7https://eips.ethereum.org/EIPS/eip-721, ngày 25/1/2022
8https://www.reuters.com/legal/transactional/what-are-copyright-implications-nfts-2021-10-29/, truy cập ngày 26/01/2022.
9https://www.theartnewspaper.com/2021/04/27/basquiat-drawing-to-be-auctioned-as-an-nftand-winning-bidder-will-be-given-the-option-to-destroy-the-original, truy cập ngày 26/01/2022.
10https://www.apollo-magazine.com/basquiat-nft-intellectual-property-copyright/,  truy cập ngày 26/01/2022.
11https://fortune.com/2021/08/04/nfts-copyright-violations-penalties-non-fungible-tokens-collectibles-nfttorney-jonathan-schmalfeld/ , truy cập ngày 26/01/2022.
12https://www.abc.net.au/news/science/2021-03-16/nfts-artists-report-their-work-is-being-stolen-and-sold/13249408 .
13https://itsartlaw.org/2013/04/15/in-sobel-v-eggleston-limited-edition-is-no-limit-to-subsequent-editions/, truy cập ngày 26/01/2022.
14https://www.lexisnexis.com/community/casebrief/p/casebrief-kirtsaeng-v-john-wiley-sons-inc, truy cập ngày 26/01/2022.
15 https://rarible.com/,  truy cập ngày 26/01/2022.
16https://personal-financial.com/2021/06/06/nft-the-musician-jacques-offers-to-buy-the-rights-to-his-song-you/, truy cập ngày 26/01/2022.
Nguyễn Ngọc Phương Hồng, Lưu Minh Sang - Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh
(Nguồn: https://vjst.vn/)
lên đầu trang