Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 17/05/2024 | 09:32

Thứ sáu, 17/05/2024 | 09:32

Tin KHCN

Cập nhật lúc 10:26 ngày 14/06/2013

Chiến lược tăng trưởng xanh và chương trình hành động của Bộ Công Thương

Trong 20 năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 7%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể, nền kinh tế hội nhập mức độ cao với kinh tế thế giới, vị thế chính trị và kinh tế của đất nước trên trường quốc tế được nâng cao. 

Tuy nhiên, kinh tế phát triển chưa bền vững, chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, các cân đối kinh tế vĩ mô chưa ổn định. Yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng phát triển, tiết kiệm tài nguyên, đảm bảo công bằng và tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường và đạt hiệu quả toàn diện cao là nhiệm vụ hàng đầu của thời kỳ phát triển sắp tới.


Trước yêu cầu đó, ngày 25/9/2012, tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng xanh cho giai đoạn 2011-2012, tầm nhìn đến 2050, như một bộ phận cấu thành của Chương trình nghị sự 21 về phát triển bền vững của Việt Nam được ban hành năm 2004.

Chiến lược về tăng trưởng xanh của Việt Nam

Chiến lược là văn bản định hướng cho các ngành, các địa phương, các tổ chức, cá nhân về việc thay đổi mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu và gắn kết tăng trưởng toàn diện với xóa đói giảm nghèo, nâng cao công bằng xã hội, bảo vệ môi trường và làm giàu vốn tự nhiên của đất nước trong giai đoạn phát triển sắp tới. Đồng thời, chiến lược cũng hướng dẫn thực hiện các cam kết của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế về phát triển bền vững và biến đổi khí hậu. 

Với mục tiêu tổng thể đưa tăng trưởng xanh trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững; giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc trong phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược Tăng trưởng xanh tập trung vào 03 nội dung chính: (1) Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; (2) Xanh hóa sản xuất; (3) Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.

Giảm phát thải khí nhà kính

Mặc dù mức phát thải khí nhà kính tính trên đầu người của Việt Nam còn thấp so với các nước phát triển, nhưng theo thống kê, mức phát thải này đang tăng lên nhanh chóng, từ 0,3 tấn năm 1990 lên tới 1,2 tấn năm 2007. Đây chính là hệ quả của sự phát triển nhanh chóng các ngành kinh tế, đặc biệt từ các hoạt động năng lượng. Do vậy, mục tiêu đề ra của Chiến lược trong giai đoạn 2011-2020 là giảm cường độ phát thải khí nhà kính từ 8-10% so với năm 2010, giảm tiêu hao năng lượng trên GDP 1-1,5%/năm, giảm mức phát thải nhà kính từ các hoạt động năng lượng từ 10-20% theo phương án phát triển bình thường.

Để thực hiện mục tiêu trên, các giải pháp chính được đề ra trong giai đoạn bao gồm: Nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng trong hoạt động sản xuất, thương mại; Thay đổi cơ cấu sử dụng nhiên liệu trong các ngành công nghiệp; Khai thác có hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo và năng lượng mới; Giảm phát thải khí nhà kính thông qua phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững, nâng cao tính cạnh tranh của sản xuất nông nghiệp.

 Xanh hóa sản xuất

Xanh hóa sản xuất là quá trình công nghiệp hóa sạch, nhằm dịch chuyển các hoạt động sản xuất theo hướng thân thiện môi trường và tiết kiệm tài nguyên, tại Việt Nam, xanh hóa sản xuất được thực hiện theo một số định hướng chính: Hạn chế phát triển các ngành kinh tế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm và suy thoái môi trường; sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên; thúc đẩy phát triển nhanh các ngành kinh tế xanh; đổi mới công nghệ, áp dụng phổ biến sản xuất sạch hơn.

Thúc đẩy tiêu dùng bền vững

Thúc đẩy tiêu dùng bền vững là nội dung không thể thiếu trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh. Xu hướng này được thể hiện qua các nội dung Chiến lược như thúc đẩy việc dán nhãn xanh, nhãn tiết kiệm năng lượng và phổ biến thông tin các sản phẩm thân thiện môi trường đến toàn xã hội, thúc đẩy mua sắm xanh trong lĩnh vực chi tiêu công và khuyến khích tiêu dùng bền vững trong khu vực doanh nghiệp và dân cư.

Chương trình hành động của Bộ Công Thương thực hiện Chiến lược Tăng trưởng xanh

Vai trò và chính sách hiện tại của Bộ Công Thương trong việc thực hiện Chiến lược Tăng trưởng xanh

Với vị trí và chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, bao gồm các ngành công nghiệp từ khai thác khoáng sản, nguồn năng lượng đến chế biến sâu thành các sản phẩm tiêu dùng và xuất khẩu, quản lý các hoạt động lưu thông hàng hóa sản xuất trong và ngoài nước, tại thị trường nội địa và các thị trường xuất khẩu, Bộ Công Thương là một trong những Bộ, ngành có vai trò quan trọng nhất trong việc thực hiện Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng xanh. Thực tế, cả ba nội dung chính của Chiến lược đề là những nội dung gắn liền với các hoạt động hiện tại của Bộ Công Thương.

Trong số những chính sách hiện hành của Chính phủ do Bộ Công Thương đề xuất và thực hiện, với xu hướng chung về phát triển bền vững từ giữa những năm 2000, nhiều chính sách đã và đang có những đóng góp đáng kể cho mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng xanh. Các chính sách nổi bật nhất bao gồm: Chương trình Mục tiêu quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Chiến lược Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, Đề án Phát triển ngành công nghiệp môi trường, Đề án Phát triển nhiên liệu sinh học. Những chính sách này hầu hết được trình Chính phủ trong khoảng 5 năm trở lại đây với lộ trình thực hiện đến năm 2020.

Định hướng cho việc xây dựng Chương trình hành động Tăng trưởng xanh ngành Công Thương

 

Nhằm hệ thống hóa các nội dung chính sách và cụ thể hóa các hoạt động của Bộ Công Thương để thực hiện Chiến lược Quốc  gia về Tăng trưởng xanh, một Chương trình hành động về Tăng trưởng xanh của ngành Công Thương đang được khởi động xây dựng, dự kiến Chương trình sẽ được hoàn tất và phê duyệt trong năm 2013.

Chiến lược sẽ được xây dựng trên cơ sở rà soát những chính sách liên quan hiện hành, đánh giá sự đóng góp của các chính sách đó đối với việc thực hiện mục tiêu của Chiến lược, đông thời đề xuất những nội dung mới nhằm thực hiện thành công những mục tiêu đó.

Về cơ bản, có thể thấy những nội dung Tăng trưởng xanh của Bộ Công Thương được chia thành 02 mảng lớn dựa trên chức năng của ngành: (1) Sản xuất công nghiệp, là bên sử dụng các nguồn tài nguyên, ứng dụng các công nghệ, sản xuất ra các sản phẩm, hàng hóa tiêu dùng hay còn gọi là “bên cung” và (2) Tiêu dùng là những hoạt động sử dụng sản phẩm của sản xuất công nghiệp hay còn gọi là “bên cầu”. Theo đánh giá sơ bộ, cho đến nay, hầu hết các chính sách hiện hành của ngành liên quan đến Tăng trưởng xanh đều được áp dụng cho các hoạt động sản xuất, chỉ có một chương trình có nội dung áp dụng cho bên tiêu dùng đó là Chương trình Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Do vậy, định hướng lớn cho kế hoạch hành động về Tăng trưởng xanh của ngành Công Thương là tập trung xác định chương trình hành động của bên tiêu dùng, như đẩy mạnh áp dụng nhãn xanh, nhãn tiết kiệm năng lượng, nhãn sinh thái cho các sản phẩm tiêu dùng; xây dựng tiêu chuẩn cho các sản phẩm thân thiện môi trường, thiết kế các sản phẩm thân thiện môi trường, đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm thân thiện môi trường… Đồng thời, các chương trình hành động cho lĩnh vực sản xuất sẽ được rà soát, bổ sung, đẩy mạnh hơn nữa, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển, chuyển giao và sử dụng công nghệ sạch./.

 

 Nguyễn Thị Lâm Giang 

Chuyên viên Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ Công Thương

lên đầu trang