Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 27/04/2024 | 07:08

Thứ bảy, 27/04/2024 | 07:08

Chính sách

Cập nhật lúc 15:48 ngày 30/03/2022

Sở hữu trí tuệ: Không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 28/3, đại biểu Quốc hội cho rằng, nếu chúng ta giải quyết tranh chấp về sở hữu trí tuệ cơ bản bằng cơ chế tòa án, không có xử lý hành chính hay là xử lý ở phạm vi hẹp thì sẽ dẫn đến quá tải cho hệ thống tòa án về vấn đề này.
Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, về thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành phương án không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; một số ý kiến tán thành thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này và đề nghị quy định lộ trình thực hiện. “Tiếp thu ý kiến đa số đại biểu Quốc hội, nội dung này được giữ như quy định của Luật hiện hành” - ông Hoàng Thanh Tùng nói.
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đề nghị không nên thu hẹp hoàn toàn xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ mà cần có sự phân loại cụ thể. Đối với những vụ việc, vấn đề lớn; trường hợp tái diễn, tranh chấp thì bắt buộc phải xử lý tại tòa án. Tuy nhiên, đối với những vi phạm nhỏ thì có thể áp dụng xử phạt vi phạm hành chính.
Theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành, mặc dù nhiều doanh nghiệp, cá nhân thấy rằng sở hữu công nghiệp, kiểu dáng công nghiệp có vi phạm tuy nhiên quá trình đề nghị, đưa ra tòa án xử lý hiện chưa nhiều. Bên cạnh đó, trong quá trình hội nhập, chúng ta không chỉ sử dụng sản phẩm trong nước, mà còn rất nhiều sản phẩm nước ngoài.
Do đó, phải tuân thủ quy định của pháp luật quốc tế liên quan đến điều khoản này. “Nếu chỉ thực hiện theo biện pháp hành chính thì nhiều trường hợp không đủ sức răn đe. Vì vậy, nếu không có biện pháp xử lý mạnh hơn thì tình trạng này sẽ vẫn xảy ra” - đại biểu Nguyễn Lâm Thành bày tỏ.
Đại biểu Quốc hội Đồng Ngọc Ba, đoàn Bình Định phát biểu
Ông Đồng Ngọc Ba, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định đánh giá cao quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sau tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021), với 199 ý kiến; tiến hành đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các nội dung tiếp thu đã được xem xét cả khía cạnh lý thuyết cũng như thực tiễn áp dụng pháp luật, có khảo sát kỹ tại nhiều cơ quan, đơn vị liên quan.
Theo đại biểu, nội dung sửa đổi, bổ sung nhiều, các nội dung đưa ra thảo luận tại kỳ họp Quốc hội còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng đến hôm nay thì còn rất ít vấn đề còn ý kiến khác nhau. Đây là thành công. Tuy nhiên, cần làm rõ thêm để lường trước các vấn đề khi áp dụng có thể nảy sinh vướng mắc.
Đặc biệt, về vấn đề xử lý hành chính đối với các vi phạm về sở hữu trí tuệ, khi Chính phủ đề xuất Quốc hội muốn thu hẹp xử lý hành chính và mở rộng giải quyết tranh chấp bằng cơ chế toà án. Qua nghiên cứu, tiếp thu, phương án hiện nay xác đáng ở chỗ các vi phạm về sở hữu trí tuệ có thể là vi phạm trong các giao dịch dân sự, hoặc có thể là vi phạm xâm phạm trật tự quản lý hành chính nhà nước.
“Phải phân biệt rõ chứ không nên thuần tuý cho rằng vi phạm về sở hữu trí tuệ phát sinh tranh chấp dân sự. Việc giữ nguyên như quy định hiện hành có cơ sở cả về mặt lý thuyết và thực tiễn, không mâu thuẫn gì với việc vừa xử lý hành chính vừa giải quyết tranh chấp bằng cơ chế tòa án”- đại biểu nhấn mạnh.
Theo đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, tuỳ vào tính chất của vi phạm, nếu là dân sự thì giải quyết theo cơ chế dân sự. Bên cạnh đó, theo quy định hiện nay, chủ thể bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ một mặt có thể khởi kiện ra tòa để giải quyết tranh chấp theo cơ chế dân sự; một mặt vẫn có thể yêu cầu cơ quan Nhà nước xử lý hành chính. Như vậy vẫn tạo thuận lợi cho người bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và cũng có cơ chế xử lý hiệu quả những vi phạm này.
Đáng chú ý, thực tế hiện nay, nếu giải quyết tranh chấp về sở hữu trí tuệ cơ bản bằng cơ chế toà án, không có xử lý hành chính hay xử lý ở phạm vi hẹp sẽ dẫn đến quá tải cho hệ thống tòa án về cả số lượng công việc, năng lực, sự chuẩn bị chuyên môn của toà án để giải quyết tranh chấp về sở hữu trí tuệ chưa phải tốt trong điều kiện chưa có tòa án chuyên trách về sở hữu trí tuệ.
Nguồn: Báo Công Thương
lên đầu trang