Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 29/04/2024 | 01:11

Thứ hai, 29/04/2024 | 01:11

Kết quả nhiệm vụ KHCN

Cập nhật lúc 17:14 ngày 12/04/2022

Công nghệ xử lý nước thải chứa phóng xạ trong ngành khai thác và chế biến quặng phóng xạ

Các nhà khoa học của Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim đã nghiên cứu, chế tạo vật liệu hấp thụ và công nghệ xử lý nước thải chứa phóng xạ trong ngành khai thác và chế biến quặng phóng xạ, mang lại hiệu quả cao trong khoa học công nghệ, kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Đây là kết quả nghiên cứu của đề tài: “Nghiên cứu, chế tạo vật liệu hấp phụ và công nghệ xử lý nước thải chứa phóng xạ trong ngành khai thác và chế biến quặng phóng xạ trong ngành khai thác và chế biến quặng phóng xạ” thuộc Đề án Phát triển ngành công nghiệp môi trường đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025 do TS. Nguyễn Thúy Lan làm chủ nhiệm.
Xử lý chất thải lỏng chứa nguyên tố phóng xạ - Nhu cầu cấp thiết
Ảnh hưởng của nguyên tố phóng xạ do các hoạt động thăm dò, khai thác và chế biến quặng phóng xạ và quặng có phóng xạ đi kèm ở nước ta tương đối rộng lớn. Trong tương lai, khai thác và chế biến quặng đất hiếm, quặng urani, sa khoáng titan, đồng, than, graphit, fluorit...đang và sẽ tiếp tục phát triển. Do vậy, nguy cơ phát tán các nguyên tố phóng xạ và các kim loại nặng đi kèm vào môi trường sẽ gia tăng. Nước thải từ quá trình khai thác và chế biến kể trên nếu thải trực tiếp ra môi trường sẽ là nguồn gây ô nhiễm phóng xạ nghiêm trọng. 
 Nước thải ra môi trường chứa một lượng phóng xạ lớn trong quá trình khai thác và chế biến. (Ảnh: nguoidothi.net.vn/)
Trao đổi với Trang TTĐT Khoa học công nghệ ngành Công Thương, TS. Nguyễn Thúy Lan - Chủ nhiệm đề tài cho biết, ở Việt Nam hiện nay chưa có công trình nghiên cứu chế tạo loại vật liệu từ nguồn gốc khoáng thiên nhiên để xử lý chất thải lỏng chứa các nguyên tố phóng xạ. “Đề tài này đã lựa chọn sử dụng khoáng bentonit là khoáng thiên nhiên có chi phí giá thành tương đối thấp và có trữ lượng phong phú ở nước ta để nghiên cứu làm vật liệu hấp phụ các chất phóng xạ. Do đó, việc thực hiện đề tài này có tính mới và ý nghĩa rất thực tiễn, giúp giải quyết nhu cầu thực tế trong hiện tại và trong tương lai của các doanh nghiệp khai thác và chế biến quặng phóng xạ và quặng chứa các nguyên tố phóng xạ đi kèm” - TS. Nguyễn Thúy Lan chia sẻ.
Bên cạnh có, với mục tiêu chính là xây dựng quy trình công nghệ chế tạo vật liệu hấp phụ chất phóng xạ và xây dựng quy trình công nghệ xử lý nước thải chứa chất phóng xạ bằng vật liệu hấp phụ mới chế tạo, TS. Nguyễn Thúy Lan cũng cho biết, việc thực hiện đề tài này cũng góp phần quan trọng trong việc thực hiện chủ trương của Chính phủ: Khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên của đất nước trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá theo hướng chế biến sâu khoáng sản phục vụ không chỉ sản xuất ra sản phẩm công nghiệp mà còn phục vụ công tác bảo vệ môi trường trong chính ngành khai thác chế biến khoáng sản.
Mang lại hiệu quả KHCN, kinh tế - xã hội và môi trường
Trong nghiên cứu chế tạo vật liệu hấp phụ và công nghệ xử lý nước thải, nhóm thực hiện đề tài đã sử dụng các mẫu nghiên cứu như: Nguyên liệu chính là quặng bentonit kiềm thuộc mỏ Nha Mé huyện Tuy Phong tỉnh Bình Thuận với hàm lượng MMT từ 15-20%, kích thước 0,314 mm; Quặng laterit và bột cưa (kích thước 0,314 mm). Vật liệu lọc (sỏi, cát thạch anh, cát cát mangan); Nước thải chứa phóng xạ lấy từ cơ sở nghiên cứu thực nghiệm chế biến quặng đất hiếm và quặng urani thuộc Viện Công nghệ Xạ hiếm – Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam; Hóa chất sử dụng: Uranylaxetat UO2(CH3COO)2.2H2O, Thorynitrat Th(NO3)4, NaOH, HCl, H2SO4; Na4P2O7.10H2O; CH3COONa, xanh methylene; BaCl2; dung dịch chuẩn Fe và Mn; PAC, PAM; v.v. 
Vật liệu hấp thụ và xử lý nước thải chứa phóng xạ (Ảnh: most.gov.vn/)
Kết quả nghiên cứu cho thấy, về hiệu quả khoa học và công nghệ, vật liệu hấp phụ chế tạo được trên nền khoáng bentonit tự nhiên đã được ứng dụng thử nghiệm để xử lý nước thải chứa các nguyên tố phóng xạ sinh ra từ quá trình chế biến thử nghiệm quặng urani và quặng đất hiếm cho các kết quả rất khả quan. Vật liệu chế tạo được cũng đã được dùng thử nghiệm để xử lý nước thải có chứa các kim loại nặng độc hại và đạt hiệu quả xử lý cao. 
Về hiệu quả kinh tế xã hội, kết quả của đề tài góp phần quan trọng trong việc hình thành và phát triển ngành công nghiệp chế biến khoáng bentonit và sản xuất chất hấp phụ nền bentonit để xử lý các chất phóng xạ và kim loại nặng.
Đáng chú ý, sản phẩm của đề tài được chế tạo từ nguồn nguyên liệu trong nước với nguyên liệu chính là khoáng bentonit với trữ lượng phong phú trong nước. Theo TS. Nguyễn Thúy Lan, đây chính là lợi thế tạo ra cơ sở vững chắc để từng bước nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm và khi áp dụng vào sản xuất quy mô lớn sẽ dần dần thay hàng nhập ngoại. 
“Kết quả nghiên cứu của đề tài góp phần cải thiện chất lượng nước thải sản xuất của doanh nghiệp chế biến khoáng sản có chứa nguyên tố phóng xạ, giúp doanh nghiệp đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật về mặt môi trường" - TS. Nguyễn Thúy Lan nhấn mạnh.
Được biết, nước thải sau khi được xử lý đạt tiêu chuẩn có thể được tuần hoàn tái sử dụng trong sản xuất của doanh nghiệp. Đây cũng là mục tiêu về mặt môi trường, phát triển bền vững mà ngành khai thác và chế biến khoáng sản đang hướng tới. Kết quả của đề tài cũng giúp giảm nguy cơ rủi ro sự cố và ô nhiễm phóng xạ (nếu có thể xảy ra). Đồng thời, đảm bảo sức khỏe cộng đồng và an sinh xã hội, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng, đa dạng sinh học, hệ sinh thái (khi nước thải đảm bảo chất lượng, không thất thoát ra ngoài môi trường) và bảo vệ tài nguyên nước.
Phương Loan
lên đầu trang