Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 17/05/2024 | 06:46

Thứ sáu, 17/05/2024 | 06:46

Tin KHCN

Cập nhật lúc 09:01 ngày 25/11/2016

Cần xây dựng chương trình mục tiêu công nghiệp

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng 4.0) đang vẽ lại bản đồ kinh tế trên thế giới với sự suy giảm quyền lực của các quốc gia phát triển dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên và sự gia tăng sức mạnh của các quốc gia dựa chủ yếu vào công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Trên đây là phát biểu của Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình tại hội thảo quốc tế “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề đặt ra đối với phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức ngày 25/11 tại Hà Nội.

Chiến lược phát triển công nghiệp đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử

Công nghiệp 4.0 dự báo là xu thế lớn có tác động  toàn diện trên các khía cạnh chủ yếu của nền kinh tế mỗi quốc gia như cấu trúc, trình độ phát triển, tốc độ tăn trưởng, mô hình kinh doanh, thị trường lao động…

Theo PGS.TS Huỳnh Thành Đạt - Phó Giám đốc thường trực ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, có nhiều thách thức nhưng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng chính là cơ hội rất quý giá mà Việt Nam phải nhanh chóng đón bắt, tranh thủ để tiến thẳng vào lĩnh vực công nghiệp mới để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thu hẹp khoảng cách phát triển. Theo đó, chiến lược công nghiệp của Việt Nam trong hơn 30 năm qua thể hiện rõ là chiến lược công nghiệp với ba chương trình kinh tế lớn: lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Chiến lược công nghiệp trên đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vì đã giải quyết được bức xúc về đời sống kinh tế - xã hội Việt Nam trong bối cảnh khó khăn, phù hợp cho giai đoạn tăng trưởng và giảm nghèo.

Ông Tống Viết Trung - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội nhận xét: Cách mạng 4.0 với những đột phá về công nghệ sẽ làm thay đổi nhiều ngành nghề và mở ra nhiều ngành nghề mới, thị trường lao động sẽ có sự phân chia sâu sắc. Nếu không có sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế và lao động sẽ xuất hiện mất cân đối trong nền kinh tế.

Hướng đi của Việt Nam

PGS Đạt cho rằng, Chính phủ cần xây dựng các chương trình mục tiêu công nghiệp cho giai đoạn cất cánh nền kinh tế, trong đó nhấn mạnh đến vai trò của công nghiệp nặng, công nghiệp tiêu dùng và công nghiệp phụ trợ.

Bà Louise Chamberlain, Giám đốc UNDP tại Việt Nam nếu ý kiến: Việt Nam cần khai thác, thu hút đầu tư nhiều hơn nữa, nhất là thị trường công nghệ. Các doanh nghiệp cần được thông tin đầy đủ hơn trong việc áp dụng công nghệ mới. “Cần tập trung duy trì các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực tư nhân để đem lại lợi ích cho nhiều người hơn”- bà Louise Chamberlain nhấn mạnh.

Góp ý cho phát triển công nghiệp, Giáo sư Mike Gregory, nguyên Trưởng Bộ môn chế tạo và quản lý, Đại học Cambridge, nguyên Giám đốc điều hành Viện Cambridge – MIT bày tỏ, nhiều quốc gia chưa thực sự chú trọng đến chính sách công nghiệp. Công nghiệp chế tạo đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển. Điều quan trọng chúng ta phải hiểu được công nghiệp, công nghiệp chế tạo là gì. Đề xuất hướng đi cho Việt Nam để đón thời cơ của Cách mạng 4.0, GS Mike Gregory  cho rằng Chính phủ cần thiết kế các chương trình phù hợp để tiếp thu những công nghệ mới, xây dựng các chính sách cho các ngành, lĩnh vực. Đặc biệt, cần có cách tiếp cận mới để xây dựng chính sách dựa trên hiểu biết về nền kinh tế truyền thống và phản ánh được xu hướng thay đổi khoa học công nghệ.

Gợi ý cụ thể hơn trong phát triển công nghiệp của Việt Nam, ông John Rockhold, Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Mỹ tại Việt Nam nhận định rằng đối với cách mạng công nghiệp thì cơ hội để đầu tư vào năng lượng sạch rất rõ ràng. Hiện giá điện Việt Nam rẻ so với trong khu vực, vì vậy nhà đầu tư năng lượng sạch sẽ dè dặt khi đầu tư vào Việt Nam. Cần có lộ trình tăng giá điện phù hợp, tăng cường độ tin cậy của EVN đi cùng với sự hỗ trợ của các nhà đầu tư quốc tế.

Thùy Linh

lên đầu trang