Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 06/05/2024 | 05:26

Thứ hai, 06/05/2024 | 05:26

Tin KHCN

Cập nhật lúc 09:03 ngày 26/04/2022

Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số

Chuyển đổi số (CĐS) đang trở thành xu hướng tất yếu đối với hoạt động của doanh nghiệp và càng trở nên cấp thiết hơn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn còn có những tác động đến hệ sinh thái của doanh nghiệp.
Trung tâm Điều độ hệ thống điện của Tổng công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh giúp đơn vị này kiểm soát, thu thập và xử lý sự cố trên lưới điện và các trạm biến áp trong thời gian nhanh nhất.
Để việc CĐS bao phủ và đạt mục tiêu như thành phố đề ra thì vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết.
Vừa trò chuyện với chúng tôi, vừa thao tác trên máy tính xách tay, anh Nguyễn Đình Thuận, chủ một cửa hàng kinh doanh thực phẩm tại quận Bình Thạnh cho biết, với một phần mềm quản lý chuyên dụng và một thiết bị thông minh kết nối internet, anh kiểm soát được tất cả các hoạt động ở cửa hàng thực phẩm của mình dù không trực tiếp giám sát ở đó. Tất cả các đơn hàng, năng suất làm việc của nhân viên, số tiền thu chi hằng ngày, hằng tuần đều hiển thị trên phần mềm này. Anh Thuận cho biết thêm, khi chưa “số hóa” quản lý, anh phải thuê thêm người để kiểm đếm các loại hóa đơn, giấy tờ rất tốn thời gian.
Còn Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh Luân Quốc Hưng cho biết, ngành điện thành phố xác định tự động hóa là một cấu phần quan trọng trong việc triển khai đề án xây dựng lưới điện thông minh, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện quá trình CĐS tại đơn vị. Qua ứng dụng quản lý mất điện trên sơ đồ đơn tuyến, việc cung cấp điện, phát hiện mất điện, sửa chữa điện, quản lý cung cấp điện,… đã được thao tác bằng cách nhấp chuột trên máy tính thay vì công nhân phải thao tác thủ công, trực tiếp như trước đây. Các thiết bị điện được giám sát, điều khiển thông minh để truyền dữ liệu về ứng dụng, qua đó ngành điện có thể giám sát được tình hình cấp điện trên toàn địa bàn thành phố 24 giờ trong tuần…
Thành phố Hồ Chí Minh có số lượng doanh nghiệp rất lớn, nhất là doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa. Thực tế cho thấy, hiện tại phần đông doanh nghiệp còn khá thờ ơ với CĐS. Nhiều thống kê cho thấy, hơn 70% số doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phản ứng khá thụ động với những thay đổi của thị trường. Nhiều doanh nghiệp đang rất thụ động trong đổi mới công nghệ, chủ yếu thay đổi do yêu cầu nảy sinh trong quá trình sản xuất chứ chưa có kế hoạch dài hạn. Nguyên nhân của sự thụ động ấy, một phần là do tác động tiêu cực của dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp đang phải “vật lộn” để tồn tại, chưa thể đầu tư cho số hóa hoạt động, dù có quan tâm đến CĐS…
Một khảo sát tại Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ thành phố Hồ Chí Minh (HAWA) cho thấy, 80% số doanh nghiệp thành viên cho rằng CĐS là cốt lõi trong triển khai chiến lược kinh doanh tương lai, nhưng chỉ khoảng 46% số doanh nghiệp có kế hoạch xây dựng chiến lược số trong từ ba đến 5 năm tới. Nhiều doanh nghiệp ý thức được việc CĐS là cách để tăng doanh thu, tăng năng suất, giảm chi phí và tìm kiếm thị trường mới, nhưng hầu hết còn thiếu kiến thức, kinh nghiệm, tài chính và nhân lực trong xây dựng và triển khai chiến lược số. Theo đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, thực trạng ở ngành gỗ cũng thể hiện rõ ở nhiều ngành, lĩnh vực khác, nhất là tại các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa.
Theo Chương trình CĐS của UBND thành phố Hồ Chí Minh (tháng 7/2020), thành phố phấn đấu đến năm 2030 sẽ trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số. Đến năm 2030, kinh tế số (một trong ba trụ cột của chương trình CĐS) dự kiến chiếm khoảng 25% GRDP, năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 7%, tỷ lệ người dân có tài khoản thanh toán điện tử hơn 60%. Với môi trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, nắm bắt công nghệ và tận dụng những nền tảng công nghệ số để đổi mới, tối ưu hóa sản xuất là một hướng đi mang tính tất yếu. Tuy nhiên, để các doanh nghiệp tồn tại và phát triển trong hệ sinh thái này cần nhiều chính sách hỗ trợ từ phía chính quyền.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thành phố đã từng bước đưa vào hoạt động Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn CĐS thành phố Hồ Chí Minh (DXCenter). Trung tâm này đề ra mục tiêu cung cấp ít nhất 1.000 sản phẩm, giải pháp cho hoạt động CĐS và 100 mô hình CĐS nhằm hỗ trợ, tư vấn cho các đơn vị, tổ chức có nhu cầu. UBND thành phố cũng giao các cơ quan chức năng triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận và tìm hiểu công tác CĐS.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, số lượng doanh nghiệp của thành phố chiếm một phần ba số lượng doanh nghiệp của cả nước, hoạt động kinh doanh rất năng động trên nhiều lĩnh vực cho nên rất cần sự hỗ trợ về thông tin, đào tạo và nhất là sự hỗ trợ về nguồn lực để CĐS đúng, kịp thời, chính xác, tránh lãng phí. Thành phố cũng cần đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp. Tăng cường hợp tác giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, nhất là trong việc cung cấp các dịch vụ công ích; khuyến khích các doanh nghiệp giới thiệu, cung cấp sản phẩm, dịch vụ số… phục vụ triển khai xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, bảo đảm an toàn thông tin.
Cùng với đó, thực hiện các chính sách thu hút nguồn lực công nghệ thông tin thông qua việc hợp tác với các doanh nghiệp, các trường, viện trong quá trình triển khai xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số;...
Nguồn: Báo Nhân Dân
lên đầu trang