Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 29/04/2024 | 04:09

Thứ hai, 29/04/2024 | 04:09

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 12:12 ngày 25/04/2022

TKV đổi mới công nghệ nâng cao năng lực xử lý nước thải mỏ

Nước thải từ hoạt động khai thác mỏ là một trong những mối nguy hại, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của người dân nếu không được xử lý phù hợp. Do đó, để đáp ứng nhu cầu xử lý nước thải mỏ ngày càng tăng cao, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã đầu tư công nghệ, nâng cao năng lực xử lý nước thải mỏ trước khi xả thải ra môi trường. 
Theo đó, hầu hết các trạm xử lý nước thải mỏ của TKV hiện nay đều đã áp dụng công nghệ hợp khối và tấm lắng nghiêng, giúp các trạm xử lý nước thải tăng tốc độ lắng, hạn chế diện tích bể lắng sử dụng. Công nghệ này cũng giúp tiết giảm nhiều chi phí trong quá trình hoạt động và xử lý nước thải hiệu quả hơn sơ với công nghệ bể lắng ngang, lọc áp lực trước đây.
Tiêu biểu là trạm xử lý nước thải Vàng Danh - công trình xử lý nước thải hiện đại nhất của TKV. Với sự tư vấn, hỗ trợ của các chuyên gia Hiệp hội Nghiên cứu mỏ và môi trường Đức, trạm Vàng Danh được thiết kế gồm các hạng mục: tuyến dẫn nước về trạm, buồng quan trắc đầu vào, bể phản ứng, bể lắng, bể phân phối, bể lọc mangan, bể cô đặc bùn và máy ép bùn…Toàn bộ nước thải từ hoạt động khai thác hầm lò của Công ty Than Vàng Danh tại khu vực Cánh Gà và Vàng Danh được thu gom triệt để và xử lý tại trạm này. Với công suất 3000 m3/h, trạm xử lý nước thải này giúp xử lý khoảng 10 triệu m3 nước thải mỏ mỗi năm cho Công ty Than Vàng Danh. 
Trạm xử lý nước thải Mạo Khê (Ảnh: vinacomin.vn)
Bên việc đầu tư đổi mới công nghệ, năm 2021, nhằm nâng cao năng lực xử lý nước thải mỏ, TKV đã nâng công suất và đầu tư thêm các trạm xử lý nước thải, trong đó có trạm xử lý nước thải Mạo Khê - một trong hai trạm xử lý nước thải chính phục vụ nhu cầu sản xuất than của Công ty Than Mạo Khê. Cụ thể, TKV đã đầu tư hơn 50 tỷ đồng cho Dự án nâng công suất Trạm xử lý nước thải 1.200 m3/h Mạo Khê lên công suất 2.400 m3/h để trở thành là một trong những trạm có công suất xử lý nước thải lớn nhất hiện nay. Việc nâng công suất từ 1.200 m3/h lên 2.400 m3/h giúp xử lý triệt để nước thải mỏ tại mặt bằng +17, một phần nước sau xử lý được tái sử dụng phục vụ sản xuất, vệ sinh công nghiệp. Trong khi đó, toàn bộ nước thải mỏ từ hầm bơm -80 và -150m Công ty Than Mạo Khê cũng đều được thu gom xử lý, đáp ứng tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường, đảm bảo công tác môi trường tại khu vực.
Được biết, cùng với Dự án nâng công suất Trạm xử lý nước thải 1.200 m3/h Mạo Khê lên công suất 2.400 m3/h, TKV còn đầu tư mới trạm xử lý nước thải mỏ than Núi Hồng, đồng thời nâng công suất trạm xử lý nước thải +131 mỏ than Đồng Vông; trạm xử lý nước thải Núi Nhện; trạm xử lý nước thải -97,5 Mông Dương. Các trạm đều được nâng công suất trung bình từ 350 m3/h đến 1.200 m3/h.
Đại diện TKV cho biết, tính đến nay, toàn Tập đoàn có 50 trạm xử lý nước thải trong hoạt động sản xuất than, gồm 47 trạm xử lý nước thải mỏ và 03 trạm xử lý nước thải công nghiệp. Các trạm xử lý nước thải mỏ được lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, kết nối thông số kỹ thuật, giám sát tự động vấn đề xử lý nước thải. Các thông số kỹ thuật xử lý nước thải của các trạm được truyền dữ liệu về Trung tâm quan trắc môi trường Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh để giám sát, quản lý.
Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường, trong đó có công tác xử lý nước thải mỏ, đã được TKV đặc biệt chú trọng. Tập đoàn đã không ngừng đổi mới công nghệ cũng như nâng công suất các trạm xử lý nước thải nhằm xử lý tối đa nước thải trong khai thác mỏ trước khi xả ra môi trường. Trung bình mỗi năm, TKV khai thác 40-42 triệu tấn than nguyên khai và thải ra môi trường trên 100 triệu m3 nước thải mỏ. Con số này sẽ tiếp tục tăng nhất là trong bối cảnh TKV đang tăng sản lượng khai thác than. Do đó, việc đầu tư nâng công suất các trạm xử lý nước thải mỏ sẽ đáp ứng nhu cầu xử lý nước thải mỏ trong quá trình sản xuất, đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu gắn sản xuất với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững của Tập đoàn.
Bích Phương
lên đầu trang