Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 24/04/2024 | 22:11

Thứ tư, 24/04/2024 | 22:11

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 10:48 ngày 15/07/2022

Viện Nghiên cứu Cơ khí (NARIME), một thương hiệu có uy tín trong ngành cơ khí

Viện Nghiên cứu Cơ khí với tên tiếng Anh National Research Institute of Mechanical Engineering “NARIME” đã trở thành một cái tên quen thuộc trong ngành cơ khí; một thương hiệu uy tín trong việc thiết kế, xây dựng nhà máy, trong việc cung cấp dịch vụ thiết kế, cung cấp máy móc thiết bị mới, cung cấp các dịch vụ bảo dưỡng sửa chữa cho các nhà máy, các công trình công nghiệp trong nước; một địa chỉ tin cậy để chính phủ, các tập đoàn, các doanh nghiệp mọi thành phần kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam cũng như doanh nghiệp nước ngoài trao cho các dự án quan trọng; một doanh nghiệp có năng lực về công nghệ cao để các bạn hàng trong và ngoài nước tin tưởng liên danh, hợp tác thực hiện các dự án lớn, quan trọng và có độ phức tạp cao.
Nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển của Viện, có thể thấy rằng thương hiệu Viện đã được xây dựng và phát triển ngay từ khi thành lập và không ngừng được củng cố qua các thời kỳ.
Ở giai đoạn đầu, về đội ngũ lãnh đạo viện có thể nói đây là đội ngũ xuất chúng, là những cán bộ ưu tú về cả chuyên môn và phẩm chất, nhiều lãnh đạo Viện đã trưởng thành, phát triển và được phân công giữ những nhiệm vụ quan trọng của ngành cơ khí cũng như của đất nước, nhiều lãnh đạo Viện được đào tạo tại nước ngoài và có được học hàm, học vị cao và được mời tham gia các vị trí quan trọng tại các ban tư vấn cho Chính phủ về khoa học công nghệ và phát triển công nghiệp nước nhà. Đội ngũ các cán bộ chuyên môn của Viện được tốt nghiệp từ các trường đại học, cao đẳng có tiếng trong và ngoài nước, đã không ngừng trường thành từ việc thực hiện các dự án lớn nhỏ của đất nước, từ việc học tập nâng cao trình độ với các khóa học ngắn hạn, dài hạn. Viện ở giai đoạn đầu này đã tham gia thực hiện những dự án lớn của đất nước như: thiết kế các loại nhà máy và máy móc thiết bị trong các ngành công nghiệp như thiết kế các máy kéo, thiết kế các loại động cơ nổ, thiết kế các loại động cơ thủy, bơm nước phục vụ công trình thủy lợi, turbin thủy điện, kho lạnh cho chế biến thủy sản, thiết kế, tổng thầu EPC các nhà máy mía đường, nhà máy xi măng, nhà máy thủy điện nhỏ… Những máy móc thiết bị, công trình, dự án do Viện thiết kế đã đáp ứng nhu cầu thị trường, hoàn thành xuất xắc nhiệm vụ Bộ và Nhà nước giao phó, đặc biệt trong giai đoạn chiến tranh cũng như khi đất nước bị cấm vận. Lúc này, Viện đã là địa chỉ tin cậy để Đảng, Chính phủ giao cho các chương trình, dự án phát triển công nghiệp, thương hiệu Viện đã được hình thành.
Giai đoạn khi nền kinh tế Việt Nam chuyển đổi sang vận hành theo nền kinh tế thị trường, việc có được thương hiệu mạnh là điều cực kỳ cấp thiết để Viện tồn tại và phát triển, giai đoạn  này Viện hầu như không còn các công việc được giao bởi Nhà nước, Viện phải tự tiếp thị để có hợp đồng cung cấp máy móc, thiết bị và dịch vụ cho khách hàng, và một lần nữa các lãnh đạo Viện giai đoạn này đã xây dựng được cơ chế tự chủ, đã lãnh đạo Viện vượt qua những khó khăn của việc tìm kiếm công ăn việc làm, để làm quen và thực hiện những dự án với các khách hàng thuộc mọi thành phần kinh tế, mặc dù có những va vấp ban đầu, nhưng thương hiệu Viện tiếp tục được củng cố và khẳng định qua những hợp đồng kinh tế.
Để tạo dựng thương hiệu, Viện tập trung xây dựng năng lực để đưa ra được giải pháp phù hợp cho các dự án; xây dựng một ý thức trách nhiệm cao trong toàn thể lãnh đạo và cán bộ Viện; phát huy vị thế là Viện Nhà nước, làm tốt công tác tư vấn cho Chính phủ, bộ, ngành trong phát triển công nghiệp; liên danh, liên kết với các công ty nước ngoài để học hỏi nhận chuyển giao công nghệ. Slogan “Giải pháp hoàn hảo, công nghệ tiên tiến” đã phần nào phản ánh được tôn chỉ và mục đích hoạt động của Viện.
Trước hết, về xây dựng năng lực, Viện tập phát triển năng lực về tư vấn, thiết kế, về công nghệ cao nhằm có đủ năng lực làm tổng thầu EPC, EPCM các công trình dự án; cũng như có đủ năng lực thiết kế, chế tạo được những máy móc thiết bị công nghệ cao. Viện xác định công tác tư vấn, thiết kế cho các dự án lớn cho các ngành thủy điện, nhiệt điện, đóng mới giàn khoan, khai thác, chế biến khoáng sản; dịch vụ bảo dưỡng sửa chữa cho các nhà máy điện, xi măng, khai thác, chế biến khoáng sản; thiết kế, chế tạo các máy móc thiết bị công nghệ cao; hệ thống tự động hóa cho các dây chuyền sản xuất là những định hướng trọng tâm phát triển. 
Hiện thực chủ trương của Đảng và Nhà nước về tăng cường năng lực làm chủ việc quản lý thực hiện dự án và chế tạo trong nước máy móc thiết bị thay thế nhập ngoại, Viện đã làm tốt công tác tham mưu tư vấn cơ chế chính sách cho Chính phủ để đưa ra được cơ chế chính sách cụ thể cho từng lĩnh vực công nghiệp, Viện đã tham gia vào ban chỉ đạo, tổ công tác xây dựng, biên soạn cơ chế chính sách về nội địa hóa cho nhà máy điện nguyên tử, xi măng, nhiệt điện, thủy điện, bô xít, ô tô, xe máy… Trên cơ sở của những cơ chế này, tỷ lệ nội địa hóa, thiết bị máy móc, dịch vụ kỹ thuật trong ngành cơ khí tăng một cách đáng kể trong giai đoạn 2005 cho đến nay.
Cơ chế đã được Chính phủ ban hành, nhưng để thực hiện được thành công các dự án đòi hỏi phải có năng lực, có kiến thức, có know-how về những chuyên ngành này, kiến thức cơ khí là chưa đủ, mà cần những kiến thức chuyên ngành liên quan đến thiết kế nhà máy thủy điện, nhiệt điện, khai khoáng, xi măng, ô tô… Để có được những kiến thức này, Viện đã liên danh, liên kết với các công ty trong và ngoài nước để học hỏi và nhận chuyển giao công nghệ. Đặc biệt, để có thể làm tổng thầu các dự án EPC, phần công việc về tự động hóa tuy chỉ chiếm khoảng 10 - 20% nhưng nếu không có năng lực về tự động hóa, Viện sẽ rất phụ thuộc vào thầu phụ, để khắc phục vấn đề này, Viện đã xây dựng lực lượng tự động hóa, đến nay, Viện đã là một trong những đơn vị mạnh về thiết kế, tích hợp hệ thống tự động hóa các dây chuyền công nghiệp.
Viện cũng xác định, tính trách nhiệm là một yếu tố cực kỳ quan trọng cần được khẳng định, tính đến thời điểm này hầu hết các công trình, dự án, dịch vụ mà Viện thực hiện đã được hoàn thành xuất xắc. Một khi đã nhận nhiệm vụ từ Chính phủ, bộ, ngành, một khi đã ký hợp đồng với đối tác, việc hoàn thành nhiệm vụ, hợp đồng là phải thực hiện bằng mọi giá bất kể những thay đổi, khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh khi thực hiện. Có lẽ, tính trách nhiệm là một trong những yếu tố quan trọng tạo ra uy tín của NARIME với Chính phủ, cũng như các bạn hàng trong và ngoài nước.
Với định hướng như trên, Viện đã tham gia và thực hiện thành công nhiều dự án, hợp đồng lớn với các tập đoàn lớn trong và ngoài nước, thương hiệu NARIME đã được khẳng định.
Về thủy điện, Viện đã tư vấn để Chính phủ giao cho các doanh nghiệp trong nước thực hiện thiết kế chế tạo thiết bị cơ khí thủy công, trong đó NARIME ngoài tham gia chế tạo phải làm chủ được công tác thiết kế, Viện đã thuê các chuyên gia của Ukraina sang Việt Nam để thực hiện công tác thiết kế, đã cùng các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam chế tạo, cung cấp thiết bị cho hơn 30 dự án thủy điện với giá trị hàng chục ngàn tỷ đồng. Điều đáng nói, do làm chủ được thiết kế nên mặc dù các dự án phải đấu thầu quốc tế, Viện và các doanh nghiệp Việt đã thắng thầu toàn bộ các dự án này.
Về nhiệt điện, được sự hỗ trợ của Chính phủ với cơ chế 1791/QĐ-TTg, Viện đã tham gia đấu thầu và nhận được các gói thầu thiết bị phức tạp như lọc bụi tĩnh điện, hệ thống thải tro xỉ, hệ thống vận chuyển, kho than cho các dự án Vũng Áng 1, Thái Bình 1, Sông Hậu 1, Nghi Sơn 2, trong đó 3 dự án Viện là thầu phụ cho tổng thầu nước ngoài Marubeni, Doosan, một dự án chủ đầu tư là Marubeni, công ty Nhật Bản. Chất lượng dịch vụ và máy móc thiết bị đã đáp ứng yêu cầu khắt khe của các nhà thầu, chủ đầu tư nước ngoài.
Về bô xít, Viện đã đấu thầu và được Tập đoàn Than và Khoáng sản giao chọn Viện làm tư vấn cho chủ đầu tư trong việc xây dựng hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ. Thực hiện dự án, Viện đã thuê trên 10 chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này làm việc tại Việt Nam gần chục năm, đến nay, Viện đã làm chủ công nghệ thiết kế nhà máy và có thể đảm đương việc mở rộng cũng như xây dựng các nhà máy bô xít mới. Sau khi thực hiện dự án, Hatch - Công ty tư vấn Canada, đơn vị đã liên danh với Viện trong dự án này đánh giá rất cao năng lực của Viện, Tập đoàn Than và Khoáng sản hiện đang trình Chính phủ chủ trương giao NARIME dự án mở rộng nhà máy hiện có (do phương án kinh tế, kỹ thuật của NARIME đề xuất hợp lý hơn nhiều với phương án đề xuất của các nhà thầu nước ngoài).
Về công nghệ tự động hóa, Viện đã thiết kế tích hợp nhiều hệ thống DSC, PLC phức tạp cho các nhà máy thủy điện, nhiệt điện, nhà máy sản xuất ô tô, xe máy, kho hàng với giá rất cạnh tranh. Việc làm chủ công nghệ tự động hóa giúp Viện có sức cạnh tranh rất tốt với các nhà thầu nước ngoài, giúp chủ đầu tư giảm đáng kể giá thành đầu tư cũng như sự phụ thuộc vào công ty nước ngoài. 
Về công nghiệp ô tô, xe máy, Viện đã tập trung vào phần đòi hỏi know-how, công nghệ cao. Một trong những sản phẩm đó là JIG hàn khung vỏ xe cho ô tô, để nắm bắt công nghệ Viện đã học hỏi, làm thuê cho công ty SEG của Nhật để thiết kế đồ gá hàn các loại, qua quá trình làm việc với SEG, các kỹ sư của Viện đã nắm bắt được công nghệ thiết kế, sau đó Viện đã được công ty SEG đặt hàng một số cụm chi tiết từ đơn giản đến phức tạp. Đến nay, sau hơn 10 năm kể từ ngày thiết kế thuê cho SEG, Viện đã có thể làm chủ việc thiết kế, chế tạo JIG các loại, sản phẩm JIG của Viện đã được cung cấp để chế tạo các loại thân vỏ xe cho các hãng xe trong và ngoài nước, điển hình là thiết kế, chế tạo, cung cấp JIG cho Vinfast.
Ngoài một số thành tích nổi bật kể trên, Viện còn cung cấp máy móc thiết bị và dịch vụ kỹ thuật phục vụ bảo hành, bảo trì các nhà máy nhiệt điện, xi măng, nhà máy giấy, chế biến gỗ, các sản phẩm và dịch vụ của Viện được khách hàng đánh giá cao. 
Đơn cử, hợp đồng mở rộng trạm phân phối xi măng Hiệp Phước cho nhà máy xi măng Nghi Sơn (công ty Liên doanh với Nhật), để đảm bảo sản xuất liên tục, khi kết nối hệ thống điều khiển tự động DCS, cán bộ, kỹ sư của Viện đã làm việc liên tục các ngày nghỉ tết âm lịch giúp công ty duy trì được sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường. Với tính trách nhiệm cao như vậy, Viện luôn được Công ty Xi măng Nghi Sơn đánh giá cao và liên tục nhận đơn hàng trong hơn hai chục năm qua.
Mới đây nhất, Viện đã thực hiện dịch vụ cân bằng động cho turbine khí của Công ty DAP 1, DAP 2 với giá thành chưa bằng 1 phần 10 giá thành chào hàng từ công ty Đức nhưng chất lượng dịch vụ tốt hơn, thời gian thi công ngắn hơn, do vậy các công ty DAP1, DAP2 giảm được nhiều thời gian sửa chữa và chi phí bảo trì thiết bị.
Tóm lại, với khả năng phân tích, đánh giá thị trường tốt; chuẩn bị năng lực bằng việc học hỏi, hấp thụ, làm chủ công nghệ; với tính trách nhiệm cao, thương hiệu NARIME thật sự đã và đang là địa chỉ đáng tin cậy để các đối tác liên danh, liên kết thực hiện dự án các loại trong các lĩnh vực công nghiệp.
Trong giai đoạn tới, ở kỷ nguyên của công nghiệp 4.0, khi mà công nghiệp cơ khí gắn liền với điện tử, tin học, lãnh đạo Viện giai đoạn này đã và đang có những điều chỉnh chiến lược, sách lược như Viện tiếp tục chuẩn bị năng lực để đáp ứng các chương trình phát triển kinh tế, xã hội đất nước, tập trung vào các sản phẩm có giá trị thị trường lớn, đòi hỏi công nghệ cao, phức tạp như thiết kế, xây dựng nhà máy trong các ngành công nghiệp, thiết kế, tích hợp các dây chuyền sản xuất có ứng dụng robot, hệ điều hành thông minh… Với những điều chỉnh thích hợp như vậy, chắc chắn lãnh đạo Viện giai đoạn này sẽ đưa thương hiệu NARIME tỏa sáng hơn.
PGS. TS Nguyễn Chỉ Sáng
(Nguồn: Tập san "Viện Nghiên cứu Cơ khí 60 năm lớn mạnh cùng Đất nước)
lên đầu trang