Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 29/04/2024 | 03:04

Thứ hai, 29/04/2024 | 03:04

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 08:23 ngày 01/07/2022

Viện Nghiên cứu Cơ khí: Khẳng định năng lực làm tổng thầu trong ngành công nghiệp thiết bị toàn bộ

Theo TS. Phan Đăng Phong - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí (Narime), với định hướng là đơn vị tư vấn độc lập hàng đầu ở Việt Nam, có uy tín trên thị trường quốc tế, Narime đủ năng lực làm tổng thầu cho một số dây chuyền thiết bị toàn bộ cho ngành công nghiệp.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, việc làm chủ thiết bị toàn bộ là yếu tố then chốt tạo ra chuỗi giá trị trong các ngành công nghiệp nói chung, công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng. Vì chỉ khi làm chủ từ khâu thiết kế đến chế tạo, tích hợp các thiết bị toàn bộ của một nhà máy thì chúng ta mới chủ động trong việc sản xuất, đặt hàng các thiết bị phụ trợ kèm theo hệ thống, mà thông thường các thiết bị phụ trợ này chiếm khoảng 30-40% giá trị thiết bị đầu tư.
Thực tế cho thấy, trong lĩnh vực chế tạo dây chuyền thiết bị toàn bộ, dung lượng thị trường còn rất lớn. TS. Phan Đăng Phong - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí (NARIME) cho biết, đến thời điểm hiện tại, hầu hết các dây chuyền thiết bị đồng bộ cho các ngành công nghiệp trong nước đều đang được cung cấp bởi nhà thầu nước ngoài, giá trị trong nước thực hiện đạt không quá 20%.
"Ví dụ như, trong lĩnh vực nhiệt điện: hầu hết các dây chuyền thiết bị nhiệt điện tại Việt Nam hiện nay đều do nhà thầu nước ngoài cung cấp theo hình thức tổng thầu EPC, phần lớn là các nhà thầu Trung quốc (Quảng Ninh 1, Quảng Ninh 2, Hải Phòng 1, Vĩnh Tân 1, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1, Duyên Hải 2, Duyên Hải 3, Hải Phòng, Cẩm Phả ... ) do họ có giá bỏ thầu rẻ và họ còn có khả năng thu xếp vốn. Hoặc trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản, Tập đoàn Than và Khoáng sản đã đầu tư xây dựng 02 nhà máy công suất 600.000 tấn/năm tại Tân Rai và Nhân Cơ. Tuy nhiên, tổng thầu EPC cũng là nhà thầu Trung Quốc và các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam hầu như không tham gia nhiều vào việc thiết kế và cung cấp thiết bị" - TS. Phan Đăng Phong nêu dẫn chứng.
Băng tải dài 5km dự án Tân Rai (Ảnh: Narime)
Do đó, trong những năm qua, Viện Nghiên cứu Cơ khí đã đầu tư chuyên sâu vào các lĩnh vực thiết kế, chuyển giao công nghệ các dây chuyền thiết bị toàn bộ và đạt được nhiều kết quả nổi bật, qua đó khẳng định năng lực làm tổng thầu các công trình lớn trong ngành công nghiệp chế tạo thiết bị toàn bộ. 
TS. Phan Đăng Phong chia sẻ, trong lĩnh vực nhiệt điện, thông qua việc thực hiện đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tổ hợp và đưa vào vận hành hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than cho nhà máy nhiệt điện đốt than có công suất tổ máy đến khoảng 600 MW”, Viện Nghiên cứu Cơ khí đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tích hợp và đưa vào vận hành thành công hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than cho nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 với tỷ lệ nội địa hóa đạt 50,6%. Đáng chú ý, thiết bị có chất lượng tương đương với thiết bị công nghệ từ các nước G7, mở ra hướng phát triển mới cho ngành cơ khí chế tạo trong nước.
Với dự án “Hoàn thiện thiết kế và công nghệ chế tạo, chế tạo thử nghiệm lọc bụi tĩnh điện công suất 1.000.000 Nm3/h”, hệ thống lọc bụi tĩnh điện đã được ứng dụng thành công tại Nhiệt điện Vũng Áng 1 và Thái Bình 1 với tỷ lệ nội địa hóa hơn 70%. Hiện tại, Viện đã được Tập đoàn Doosan (Hàn Quốc) tin tưởng trao hợp đồng cung cấp hệ thống lọc bụi tĩnh điện cho Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2 và dự kiến tiếp tục được giao thực hiện hợp đồng Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2 trong năm 2022.
Hệ thống lọc bụi tĩnh điện cho Nhà máy Nhiệt đinệ Vũng Áng 1 (Ảnh: Narime)
Hay trong lĩnh vực thủy điện, Viện đã được giao nhiệm vụ chủ trì tiếp nhận chuyển giao công nghệ phần thiết kế, chế tạo thiết bị cơ khí thủy công cho các công trình thủy điện theo Quyết định 797/QĐ-TTg của Thủ tướng Chỉnh phủ cho dự án đầu tiên là thủy điện A Vương. Tính đến nay, Viện đã cùng các đơn vị cơ khí trong nước tự lực trong việc thiết kế, chế tạo các thiết bị cơ khí thủy công cho hơn 29 công trình thủy điện vừa và lớn trong nước, trong đó có công trình thủy điện Sơn La (2400 MW) và Lai Châu (1200 MW).
Đáng chú ý, thành công của nhiệm vụ đã tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho ngành cơ khí trong nước với doanh thu từ mảng việc này mang lại khoảng 8.000 tỷ đồng, góp phần giảm giá thành sản phẩm từ 4,4 USD/1kg sản phẩm xuống còn 1,5 USD/1kg sản phẩm, góp phần phát điện sớm 03 năm với thủy điện Sơn La và 01 năm với thủy điện Lai Châu.
Trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, Viện đã phối hợp với Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam thực hiện dự án khoa học công nghệ  quy mô lớn “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các thiết bị chủ yếu cho dây chuyền đồng bộ sản xuất xi măng lò quay công suất 2500 tấn clinke/ngày, thay thế nhập ngoại, thực hiện tiến trình nội địa hóa”. Các sản phẩm của dự án gồm máy đóng bao tự động, thiết bị lọc bụi công suất lớn và điều khiển tự động dây chuyền thiết bị nhà máy đã được áp dụng thành công vào dự án xi măng lò quay Sông Thao, đạt tỷ lệ nội địa hóa khoảng 40 % giá trị.
Đặc biệt, trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản, Viện đã tham gia thực hiện thành công tổng thầu EPCM cho dự án Tân Rai và Nhân Cơ với công suất thiết kế 2 triệu tấn quặng tinh/năm. Trong đó, Viện đã thiết kế và chế tạo đồng bộ hai tuyến băng tải với tổng chiều dài mỗi tuyến 5km cho mỗi nhà máy. Hiện nay các tuyến băng tải này đã bàn giao và đi vào vận hành đạt yêu cầu và được chủ đầu tư cấp chứng chỉ nghiệm thu đưa vào sử dụng. 
Trong lĩnh vực cơ khí khai thác dầu khí, Viện cũng ghi dấu ấn với dự án “Nghiên cứu thiết kế chi tiết và công nghệ chế tạo, lắp ráp hạ thuỷ giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam". Dự án đã được nghiệm thu và đưa vào sử dụng trong thực tế đạt tiêu chuẩn quốc tế. Trong khi đó, ở lĩnh vực năng lượng mới và công nghệ cao, Viện cũng thực hiện thành công trọn gói hệ thống phao nổi và neo dự án điện mặt trời Đa mi với tổng công suất 47,5 MW, đã phát điện thương mại ngày 01 tháng 06 năm 2019.
Có thể thấy, những kết quả nổi bật kể trên là minh chứng khẳng định năng lực làm tổng thầu cho một số dây chuyền thiết bị toàn bộ cho ngành công nghiệp của Viện Nghiên cứu Cơ khí"Viện Nghiên cứu Cơ khí tin tưởng rằng, cùng với sự chỉ đạo sát sao của Bộ Công Thương, sự đồng hành của các doanh nghiệp cơ khí trong nước và sự cố gắng của các nhà khoa học, Viện sẽ trở thành một đơn vị công nghệ hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực cơ khí – tự động hóa, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước" - TS. Phan Đăng Phong nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, Viện Nghiên cứu Cơ khí sẽ tập trung vào một số chương trình nghiên cứu phát triển thiết bị toàn bộ lĩnh vực nhiệt điện; sản xuất vật liệu xây dựng; năng lượng mới và năng lượng tái tạo; khai thác và chế biến bô xít. Cùng với đó là chương trình nghiên cứu phát triển thiết bị toàn bộ trong lĩnh vực thiết bị, dây chuyền thiết bị phục vụ nông nghiệp, chế biến sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch; chương trình nghiên cứu phát triển thiết bị toàn bộ trong lĩnh xử lý rác, phát điện từ rác và sinh khối, robot công nghiệp, ứng dụng robot và các dây chuyền, sản phẩm công nghệ 4.0.
Hà Nguyễn
lên đầu trang