Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 02/05/2024 | 21:20

Thứ năm, 02/05/2024 | 21:20

Tin KHCN

Cập nhật lúc 15:15 ngày 22/07/2022

Đà Nẵng: Doanh nghiệp chú trọng hợp tác, đào tạo nhân lực

Hợp tác giữa cơ sở đào tạo nghề và các doanh nghiệp đem lại nhiều lợi ích cho xã hội. Sự gắn kết này không chỉ đáp ứng cung cầu thị trường lao động mà còn nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng nguồn nhân lực cho thành phố.

Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng trong giờ học thực tế tại Công ty TNHH Kỹ thuật Công nghệ điện tự động Biển Đông - chi nhánh Đà Nẵng. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)
Lợi ích cho cơ sở đào tạo ngh
Trong đào tạo nghề, thực hành là khâu quan trọng nhưng không phải cơ sở đào tạo nào cũng đủ năng lực kinh tế để đầu tư, mua sắm, lắp đặt phòng thực hành cho học sinh, sinh viên. Vì vậy, dây chuyền sản xuất của các doanh nghiệp trở thành môi trường lý tưởng để học viên trường nghề được tiếp cận với các thiết bị công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại. Ông Lê Nhớ, Hiệu phó Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng, cho biết nhằm nâng cao chất lượng đào tạo cho học viên, nhà trường rất quan tâm đến công tác đào tạo nghề tại doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, sự “bắt tay” giữa nhà trường và doanh nghiệp là cách làm hiệu quả để bảo đảm cung ứng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Qua tìm hiểu, với một số môn học của Khoa Tự động hóa như Lắp đặt và vận hành động cơ điện; Lập trình, vận hành hệ thống tự động sản xuất MPS, sinh viên được học thực tế tại doanh nghiệp đóng tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Quá trình này giúp sinh viên nâng cao tay nghề, tiếp cận dần với thực tế công việc. Bên cạnh đó, nhà trường hiện đang triển khai theo mô hình đào tạo dựa trên nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, tiếp nhận dự án thực tế từ doanh nghiệp để sinh viên trải nghiệm. Từ đó, giúp sinh viên hiểu hơn về công việc bản thân làm sau này, chẳng hạn như chương trình đào tạo theo sự ủy quyền của Toyota Việt Nam nhằm cung cấp nguồn nhân lực kỹ thuật viên cho các đại lý Toyota trên toàn quốc. Điều này không chỉ bảo đảm được chất lượng đào tạo mà còn có thể đáp ứng những tiêu chí của nhà tuyển dụng sau này, giúp sinh viên dễ có việc làm sau khi tốt nghiệp.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Sỹ Quỳnh, Trưởng phòng Đào tạo Trường Cao đẳng Đại Việt Đà Nẵng, chia sẻ thêm một số ngành học “hot” như: Quản trị nhà hàng, Quản trị khách sạn, Công nghệ thông tin... đã được thiết kế chương trình học tại doanh nghiệp. Như vậy, sinh viên không chỉ nhận được sự hướng dẫn, giảng dạy từ các giảng viên mà còn tiếp nhận, cập nhật liên tục những kiến thức, kỹ năng mới đến từ các giám sát, chuyên viên của doanh nghiệp. Nhà trường cũng tạo nhiều điều kiện để sinh viên có thể tham quan thực tế, từ đó hiểu thêm về văn hóa doanh nghiệp; quan sát cách bày trí, không gian làm việc chuyên nghiệp. Qua những lần tham quan, sinh viên nhà trường nắm được tiêu chí tuyển chọn nhân sự của của các doanh nghiệp để phần nào tự đánh giá được khả năng của bản thân và chủ động cải thiện năng lực.
Lợi ích cho doanh nghiệp
Trường nghề và doanh nghiệp cùng hợp tác không chỉ đem lại lợi ích cho các cơ sở đào tạo nghề, mà còn đem đến những lợi ích nhất định cho doanh nghiệp. Có thể kể đến lợi ích lớn nhất là doanh nghiệp rút ngắn thời gian đào tạo lại người lao động; doanh nghiệp có nguồn nhân sự dự bị, dễ dàng “chọn” nhân sự phù hợp nhất.
Ông Trần Việt Phương, Trưởng phòng Dự án Công ty TNHH Kỹ thuật Công nghệ điện tự động Biển Đông - chi nhánh Đà Nẵng, cho biết, đối với doanh nghiệp, ngoài mục đích đóng góp vào việc nâng cao giá trị đào tạo cho xã hội còn tự giúp mình khi đào tạo ra những sinh viên có kiến thức và kỹ năng gần với thực tế, có thể làm việc ngay tại doanh nghiệp mình và các doanh nghiệp khác. Việc đào tạo thực tế cho các sinh viên trong ngành thiết kế và thi công tủ bảng điện cho thấy, các sinh viên được tiếp cận quy trình bài bản, chuyên nghiệp của doanh nghiệp trong việc xây dựng tủ bảng điện. Bên cạnh đó, sinh viên còn được tiếp cận với các thiết bị, sản phẩm thực tế và được trực tiếp thực hiện một số công đoạn trong việc thiết kế và lắp đặt tủ bảng điện. Đồng thời, việc hợp tác này có thể nâng cao thương hiệu tuyển dụng của các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp dễ dàng thu hút nguồn nhân lực đúng ngành nghề đến làm việc với mình.
Ông Huỳnh Tuấn, Giám đốc Công ty Cơ điện lạnh Phúc Khang cho hay: “Qua nhiều năm tuyển dụng, tôi nhận thấy nhiều em khi mới vào công ty rất bỡ ngỡ, ra hiện trường thi công thì lúng túng, không nắm rõ công việc. Do đó, khi thực hành tại doanh nghiệp, sinh viên được ra hiện trường thi công dự án học thực tế, sẽ biết cách thi công như thế nào, sẽ tiếp cận nhanh công việc khi đi làm”. Hợp tác giữa cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp có thể coi là bước đột phá nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Với mô hình này, người học được tiếp xúc thực tế sản xuất tại doanh nghiệp nhiều hơn, kỹ năng nghề được nâng cao, có cơ hội việc làm tốt hơn. Bên cạnh đó, mô hình cũng gắn đào tạo với sử dụng lao động và việc làm bền vững, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động.
Theo Báo Đà Nẵng
lên đầu trang