Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 03/05/2024 | 18:38

Thứ sáu, 03/05/2024 | 18:38

Kết quả nhiệm vụ KHCN

Cập nhật lúc 08:04 ngày 16/03/2023

Thí điểm hệ thống xử lý nước thải cho làng nghề cơ khí của tỉnh Nam Định

Mới đây, TS. Phạm Hương Quỳnh cùng các cộng sự trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã hoàn thiện đề tài “Nghiên cứu đánh giá ô nhiễm làng nghề Cơ khí và thiết kế xây dựng mô hình thí điểm hệ thống xử lý nước thải làng nghề cơ khí xã Xuân Tiến, huyện Xuân Trường, Nam Định”. 
Xã Xuân Tiến thuộc địa phận huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Theo số liệu của UBND xã Xuân Tiến, hiện nay trên địa bàn có khoảng 642 cơ sở sản xuất cơ khí, lâm sản và các ngành nghề công nghiệp được xác định. Cùng với đó, còn vài trăm cơ sở, hộ cá thể làm nghề chưa xác định do tính chất sản xuất mùa vụ. Chính vì thế, xã Xuân Tiến được coi như một công xưởng sản xuất khổng lồ. 
Xã Xuân Tiến là một trong những công xưởng sản xuất lớn tại Nam Định (Ảnh: congthuong.vn/)
Do chưa được quy hoạch chi tiết cũng như chưa được đầu tư công nghệ xử lý và ý thức về bảo vệ môi trường của người dân chưa cao, làng nghề cơ khí xã Xuân Tiến ngày nay đang bị ô nhiễm ảnh hưởng đến cuộc sống, sản xuất, sinh kế, thu nhập, sức khỏe của người dân. 
Chính vì vậy, TS. Phạm Hương Quỳnh cùng các cộng sự trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu đánh giá ô nhiễm làng nghề Cơ khí và thiết kế xây dựng mô hình thí điểm hệ thống xử lý nước thải làng nghề cơ khí xã Xuân Tiến, huyện Xuân Trường, Nam Định” nhằm đưa ra một bài toán tổng thể cho vấn đề ô nhiễm hiện nay tại làng nghề Xuân Tiến huyện Xuân Trường, Nam Định. 
Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã tiến hành lấy mẫu nhằm đánh giá hiện trạng ô nhiễm nước thải của làng nghề; khảo sát, điều tra về mức độ ô nhiễm và ảnh hưởng của nước thải sản xuất cơ khí đến môi trường làng nghề và sức khỏe người dân trên địa bàn xã...
Nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát trên địa bàn xã Xuân Tiến (Ảnh: Nhóm nghiên cứu)
Bên cạnh đó, thu thập các thông tin, tài liệu, cơ sở khoa học ô nhiễm môi trường nước làng nghề cơ khí, khảo sát sơ bộ nhằm đánh giá chung về chất lượng môi trường nước làng nghề cơ khí xã Xuân Tiến, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Kết quả nghiên cứu cho thấy nồng độ các chất hữu cơ ô nhiễm khá cao, điển hình như mẫu NT04 với độ màu 1.817 Pt-Co, COD là 924,6 mg/l, BOD5 là 498,6 mg/l; mẫu NTSH1 có TN là 244,3 mg/l và TP là 24,3 mg/l. 
TS. Phạm Hương Quỳnh – Chủ nhiệm đề tài cho biết: “Nhóm đã tiến hành điều tra khảo sát 200 hộ gia đình trên địa bàn xã Xuân Tiến từ tháng 1-4/2021 thu được một số thông tin liên quan đến thu nhập bình quân, cơ cấu gia đình, nghề nghiệp, tỷ lệ hộ giàu nghèo, nguồn nước cấp, công trình vệ sinh, biện pháp xử lý nước thải và đánh giá chủ quan của người dân về mức độ ô nhiễm và ảnh hưởng của môi trường địa phương đến sức khỏe người dân trên địa bàn."
Từ kết quả của những khảo sát trên, nhóm đã nghiên cứu và thiết kế mô hình xử lý nước thải làng nghề cơ khí. "Đầu tiên, chúng tôi tiến hành khảo sát chất lượng nước đầu vào, nghiên cứu các điều kiện xử lý nước bằng phương pháp keo tụ tạo bông và phương pháp hiếu khí tại phòng thí nghiệm để lựa chọn các điều kiện phù hợp xử lý nước thải sản xuất làng nghề cơ khí xã Xuân Tiến. Từ các kết quả khảo sát trên chúng tôi đề xuất quy trình công nghệ xử lý nước thải cơ khí của xã Xuân Tiến và thiết kế, thi công và lắp đặt mô hình thí điểm xử lý nước thải cơ khí cho doanh nghiệp." TS. Phạm Hương Quỳnh chia sẻ.
Sau khi áp dụng mô hình thí điểm, kết quả cho thấy, chất lượng nước dòng ra đạt quy chuẩn thải theo QCVN 40/2011 – BTNMT. Đồng thời, hệ thống dễ vận hành, là module hoàn chỉnh phù hợp cho các làng nghề sản xuất cơ khí và có thể nhân rộng cho các hộ làng nghề. Các kết quả này sẽ nâng cao vị thế của địa phương trong việc phát triển kinh tế với các tổ chức trong và ngoài nước.
Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra kiến nghị: Nguyên nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước, gây mùi hôi ở làng nghề là do nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý. Để cải thiện tình trạng này, làng nghề cần áp dụng các giải pháp tổng hợp, kết hợp nhiều biện pháp quản lý, lập kế hoạch, kỹ thuật và giáo dục môi trường để nâng cao nhận thức và trách nhiệm về vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước để phát triển kinh tế nhưng vẫn đảm bảo tốt chất lượng môi trường sống cho người dân trong khu vực.
Phương Loan
lên đầu trang