Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 01/05/2024 | 08:46

Thứ tư, 01/05/2024 | 08:46

Tin KHCN

Cập nhật lúc 14:23 ngày 26/09/2022

Triển lãm máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu Dệt may 2022 với nhiều hoạt động đáng chú ý

Triển lãm là hoạt động thường niên được tổ chức tại Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các doanh nghiệp dệt may ở cả trong nước và quốc tế.
Trong 3 này từ 21/9/2022 đến ngày 24/9/2022, tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (Quận 7, TP. Hồ Chí Minh) đã diễn ra đồng thời 3 triển lãm trong lĩnh vực dệt may gồm: Triển lãm quốc tế lần thứ 20 về máy móc thiết bị công nghiệp ngành dệt và may (VTG 2022), VitaTex - Triển lãm quốc tế về nguyên phụ liệu ngành dệt - may và DYECHEM - Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp hóa chất - nhuộm Việt Nam. Sự kiện do Công ty CP Quảng cáo và Hội chợ thương mại (Vinexad) phối hợp với Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại và Tiếp thị Yorkers tổ chức.
Được biết, đây là lần đầu tiên 3 cuộc triển lãm trong lĩnh vực dệt may được diễn ra, sau 3 năm bị trì hoãn bởi đại dịch Covid-19. Do đó, chương trình năm nay đã quy tụ rất đông các doanh nghiệp trong nước và quốc tế có nền công nghiệp dệt may phát triển hàng đầu đến như: Anh, Ấn Độ, Indonesia, Đức, Đài Loan, Hàn Quốc, Hong Kong, Ý, Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc... 
Lãnh đạo các Bộ, ngành tham quan gian hàng tại triển lãm VTG 2022 (Ảnh: congthuong.vn/)
Đáng chú ý, triển lãm còn có sự xuất hiện của nhiều sản phẩm, giải pháp tiên tiến, hiệu quả phục vụ cho ngành dệt may như: thiết bị nhà máy tự động và thông minh phù hợp với xu hướng mới trong ngành dệt, nguyên liệu dệt tái chế, vải, thuốc nhuộm thân thiện với môi trường… Mục tiêu chung của các sản phẩm này nhằm hướng đến sự phát triển bền vững và giảm thiểu khả năng gây ô nhiễm môi trường của ngành dệt may.
Theo chia sẻ từ Ban Tổ chức, Triển lãm máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu Dệt may 2022 là cơ hội lớn giúp các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tiếp cận máy móc thiết bị, thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến của ngành dệt may thế giới. Đồng thời sự kiện còn mang đến cơ hội hợp tác với những khách hàng tiềm năng, có khả năng làm ăn lâu dài, tạo cầu nối cho ngành dệt may Việt Nam tiếp cận sâu rộng với các nước trên thế giới.

Khách tham quan tìm hiểu về máy móc thiết bị công nghiệp ngành dệt và may tại triển lãm (Ảnh: congthuong.vn/)
Xuyên suốt 4 ngày diễn ra sự kiện, bên cạnh các hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm, triển lãm còn diễn ra một loạt các hội thảo chuyên đề như: “Phân tích chính sách về ngành công nghiệp dệt may Việt Nam, tầm nhìn đến 2040”; “Xu hướng ngành công nghiệp dệt may Việt Nam dưới sự ảnh hưởng của RCEP”; “Hành trình phát triển bền vững - nghiên cứu từ Saitex”... do Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA) và Hiệp hội Dệt may Thêu đan TP. Hồ Chí Minh (AGTEK) phối hợp tổ chức. Chương trình sẽ có sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu trong ngành công nghiệp dệt may, giúp khách tham quan có cái nhìn sâu sắc về các xu hướng và thay đổi mới nhất trong ngành công nghiệp dệt may Việt Nam.
Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), thị phần xuất khẩu dệt may của Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 3, và đạt doanh thu xuất khẩu khoảng 30,2 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm nay, tăng trưởng gần 20% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất trong hơn 10 năm qua. Hơn nữa, đầu tư nước ngoài (FDI) cho ngành dệt may cũng cao nhất trong 5 năm gần đây nhờ các ưu đãi đầu tư mang tính chủ động từ phía chính phủ cùng các Hiệp định thương mại tự do. Các yếu tố này tạo dựng nên một nền tảng vững chắc để Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất hàng may mặc hàng đầu tại châu Á
Quang Ngọc



lên đầu trang