Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 01/05/2024 | 13:19

Thứ tư, 01/05/2024 | 13:19

Tin KHCN

Cập nhật lúc 11:59 ngày 05/10/2022

Việt Nam thuộc nhóm quốc gia đạt được tiến bộ lớn nhất thế giới trong đổi mới sáng tạo

Theo WIPO, Việt Nam xếp vị trí 48/132 quốc gia, nền kinh tế trong Báo cáo Chỉ số đổi mới Toàn cầu (GII) năm 2022.
Mới đây, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới (WIPO) đã công bố Báo cáo Chỉ số đổi mới Toàn cầu (Global Innovation Index, gọi tắt là GII) năm 2022. Đây là bộ công cụ quan trọng, mang tính đánh giá, xếp hạng năng lực đổi mới sáng tạo của các quốc gia được WIPO phối hợp với Viện Portulans, Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ (CII), Liên đoàn Công nghiệp quốc gia Brazil (CNI), Ecopetrol (Colombia) và Hiệp hội các nhà xuất khẩu Thổ Nhĩ Kỳ (TİM ) thực hiện.
Để xếp hạng các quốc gia, WIPO và các đơn vị nghiên cứu sẽ dựa vào 81 chỉ số, tính bằng giá trị trung bình thuộc hai bảng chỉ số phụ đầu vào và đầu ra đổi mới sáng tạo gồm 7 trụ cột: Thể chế vĩ mô; nguồn nhân lực và nghiên cứu; cơ sở hạ tầng; thị trường và môi trường kinh doanh; trình độ phát triển của thị trường; tri thức và công nghệ, sản phẩm sáng tạo.
Theo WIPO, Việt Nam xếp vị trí 48/132 quốc gia, nền kinh tế trong Báo cáo Chỉ số đổi mới Toàn cầu (GII) năm 2022, giảm 4 bậc so với vị trí xếp hạng năm 2021 (xếp thứ 44). Tuy nhiên, kết quả này vẫn giúp Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, sau Singapore (xếp thứ 7) và Thái Lan (xếp thứ 43).
Biểu đồ xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu trong 10 năm gần đây (Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ)
Cụ thể, trong tiêu chí nhập khẩu công nghệ cao, Việt Nam được đánh giá là quốc gia dẫn đầu thế giới trong tiêu chí này. Đồng thời, trong tiêu chí xuất khẩu sản phẩm, vị trí của Việt Nam cũng được cải thiện, nâng lên thứ hạng 35 so với vị trí thứ 38 của năm 2021. Đặc biệt, Việt Nam còn cùng với Iran (hạng 53) và Philippines (hạng 59) trở thành 3 nền kinh tế thu nhập trung bình có tốc độ tăng trưởng hiệu suất đổi mới nhanh nhất cho đến nay.
Năm nay Việt Nam đã bị Ấn Độ vượt qua để chiếm lấy vị trí dẫn đầu nhóm ba quốc gia về đổi mới theo nhóm thu nhập (Iran vượt qua Ukraine để vào nhóm xếp hạng này). Tuy nhiên, kết quả chung vẫn cho thấy Việt Nam là một trong những quốc gia đã đạt được những tiến bộ lớn nhất trong thập kỷ qua (tăng hơn 20 bậc), đồng thời dẫn đầu trong các đổi mới quan trọng về chỉ số. Cùng có tên trong nhóm này còn có Philippines (xếp thứ 59), Indonesia (xếp thứ 75), Campuchia (xếp thứ 97) và Lào (xếp thứ 12).
Đối với bảng xếp hạng chung, Thụy Sỹ tiếp tục là nước đứng đầu bảng xếp hạng đổi mới trong năm thứ 12 liên tiếp, dẫn đầu toàn cầu trong nhiều tiêu chí: kết quả đổi mới, đặc biệt là sáng chế, đầu tư phần mềm, sản xuất công nghệ cao.
Tiếp đến lần lượt là vị trí của Mỹ (xếp thứ 2), Thụy Điển (xếp thứ 3), Anh (xếp thứ 4)Hà Lan (xếp thứ 5), Singapore (xếp thứ 7), Đức (xếp thứ 8), Phần Lan (xếp thứ 9), Đan Mạch (xếp thứ 10).
Quang Ngọc
lên đầu trang