Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 01/05/2024 | 02:25

Thứ tư, 01/05/2024 | 02:25

Tin KHCN

Cập nhật lúc 08:18 ngày 19/10/2022

Gia tăng hàm lượng công nghệ cao cho ngành công nghiệp hỗ trợ

Mặc dù còn nhiều hạn chế song nhiều chuyên gia kinh tế và các doanh nghiệp cũng tin tưởng, nếu được quan tâm, đầu tư đúng mức, công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam sẽ phát triển theo hướng hiện đại, có hàm lượng công nghệ cao, không chỉ đủ phục vụ trong nước mà còn đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Theo khảo sát của Tổng Cục thống kê năm 2021, về trình độ công nghệ, khoảng trên 30% doanh nghiệp cho biết hiện vẫn đang sử dụng hoàn toàn thiết bị điều khiển thủ công, trên 50% có sử dụng thiết bị bán tự động, chỉ hơn 10% doanh nghiệp có sử dụng thiết bị tự động hoá, và chưa đến 10% doanh nghiệp có sử dụng robot trong dây chuyền sản xuất. Điều này cho thấy năng lực của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn nhiều hạn chế cả về năng lực quản lý sản xuất và trình độ công nghệ.
Xét theo chuỗi giá trị, tỷ trọng doanh nghiệp hoạt động ở các phân khúc mang lại giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị khá thấp, chỉ có khoảng 19% doanh nghiệp dệt may da giày và 33% doanh nghiệp điện tử có thực hiện công đoạn thiết kế trong quá trình sản xuất.
Theo nhận định của các chuyên gia, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn thiếu nguồn lực để đổi mới; chưa đủ năng lực cung cấp linh kiện và phụ tùng có hàm lượng công nghệ cao, kỹ thuật phức tạp đáp ứng các yêu cầu để tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu. 
Phần lớn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chưa áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, hay những công cụ quản lý sản xuất thông dụng. Chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp có chứng nhận ISO 9000 (quản lý chất lượng), 9% doanh nghiệp có chứng nhận ISO 14000 (quản lý môi trường).
Nhìn nhận về thông tin chỉ có 10% doanh nghiệp áp dụng công nghệ, robot, bà Trần Thị Lan Anh - Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra, hiện nay, doanh nghiệp đầu chuỗi như Samsung thì công nghệ là yêu cầu phải có, nhưng với doanh nghiệp Việt thì đây là rào cản vì kỹ năng, năng lực đáp ứng yêu cầu tham gia vào chuỗi còn khiêm tốn.
Chia sẻ về nội dung này, bà Đỗ Thị Thúy Hương - Phó chủ tịch Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ cho hay, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam chủ yếu quy mô vừa và nhỏ, yếu về vốn và công nghệ; trình độ quản trị sản xuất còn thấp. Để trở thành nhà cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia cần vượt qua rất nhiều hạng mục tiêu chí, đó là bộ chỉ số mà doanh nghiệp phải nỗ lực như Samsung có 4 bộ chỉ số về đảm bảo chất lượng, an toàn an ninh, kiểm soát minh bạch, đảm bảo chỉ số sản xuất. Tương tự, các hãng khác của Hoa Kỳ, Nhật Bản… cũng đều quy định như vậy.
Phó Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho hay, trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập toàn cầu như hiện nay, thì tỷ lệ nội địa hóa bao nhiêu phần trăm không quan trọng bằng hàm lượng công nghệ đóng góp cho chuỗi giá trị là bao nhiêu. Đó mới là điều quan trọng và là mấu chốt. Và có thể khẳng định, đóng góp vào hàm lượng công nghệ cao trong từng sản phẩm mới là ý nghĩa sâu xa mà công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cần hướng tới.
Nhiều doanh nghiệp mặc dù tham gia vào chương trình tư vấn cải tiến năng lực của Bộ Công Thương nhưng không phải doanh nghiệp nào có thể trở thành nhà cung ứng. Điều này đòi hỏi cần sự nỗ lực hơn nữa từ phía doanh nghiệp, hỗ trợ bộ ngành và tập đoàn đa quốc gia để doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu - bà Hương khuyến nghị.
Theo ông Ngô Khải Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, việc thúc đẩy mạnh công nghiệp, trong đó có công nghiệp hỗ trợ vẫn là trọng tâm cần ưu tiên. Do vậy, cần làm rõ điểm nghẽn, vướng mắc, ứng dụng khoa học công nghệ trong việc nâng cao năng lực, cải thiện sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong thời gian tới. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã và đang nghiên cứu thêm các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, đồng thời phối hợp xây dựng các nhà máy thông minh thông qua hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia triển khai đào tạo quản lý cấp trung, mở ra cơ hội hợp tác với doanh nghiệp đầu chuỗi lớn khác.
Nguồn: moit.gov.vn/
lên đầu trang