Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 29/04/2024 | 13:42

Thứ hai, 29/04/2024 | 13:42

Tin KHCN

Cập nhật lúc 13:50 ngày 14/11/2022

CĐS được ngành nông nghiệp Cần Thơ đặc biệt quan tâm

Thời gian vừa qua, công tác chuyển đổi số (CĐS) đã được ngành Nông nghiệp Cần Thơ đặc biệt quan tâm và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm cho cả thời gian tới.
Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP. Cần Thơ nhấn mạnh như vậy tại hội thảo "CĐS trong nông nghiệp ở TP. Cần Thơ" do Sở NN&PTNT Cần Thơ tổ chức mới đây.
Tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Theo các chuyên gia và cơ quan quản lý nhà nước, CĐS trong nông nghiệp là xu thế tất yếu, quá trình CĐS đã và đang tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Điều này đã được thể hiện thông qua những minh chứng như việc Bộ NN&PTNT đã thành lập Ban chỉ đạo CĐS để chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ CĐS theo ba trụ cột: Bộ NN&PTNT số, kinh tế nông nghiệp số và nông dân số. Đặc biệt, Bộ NN&PTNT đã chọn ngày 19/8 hàng năm là ngày CĐS trong nông nghiệp.
Là vùng có tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp, thời gian qua, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bước đầu đã hình thành hệ sinh thái khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy CĐS vào lĩnh vực này nhằm nâng tầm cao hơn so với cách sản xuất nông nghiệp (SXNN) truyền thống. Việc CĐS trong nông nghiệp đã giúp các nhà nông, doanh nghiệp tiếp cận cách làm mới để hòa nhịp xu thế phát triển, từ đó cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP. Cần Thơ cho biết: Thời gian vừa qua, công tác CĐS đã được ngành nông nghiệp Cần Thơ đặc biệt quan tâm và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm cho cả thời gian tới.
Tại TP. Cần Thơ, SXNN đang là thế mạnh giúp phát triển kinh tế của địa phương. Trong đó sản xuất lúa trên 78.000 ha, cây ăn trái trên 25.000 ha và 15.000 ha rau màu các loại và 10.000 ha nuôi trồng thủy sản… Tuy nhiên, việc ứng dụng CĐS trong nông nghiệp chưa đủ mạnh, còn nhỏ lẻ chưa thể đáp ứng cho nền nông nghiệp hiện đại như các nước trên thế giới. Chính vì vậy, trong thời gian tới ngành nông nghiệp Cần Thơ sẽ tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.
TP. Cần Thơ đang tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành như về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản, dữ liệu về thị trường. Song song đó còn xây dựng mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp.
Có nhiều giải pháp có thể tiến hành, thực hiện CĐS
Bà Đoàn Thị Hồng Quyên, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) Cần Thơ (Sở KH&CN TP. Cần Thơ) cho rằng, CĐS hiện nay có nhiều giải pháp có thể tiến hành, thực hiện. Thời gian qua, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Cần Thơ đã triển khai thực hiện một giải pháp dựa trên nền tảng công nghệ số để xây dựng hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa tại địa phương.
CĐS giúp truy xuất nguồn gốc nông sản qua từng công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến và phân phối.
Đề cập đến vấn đề truy xuất nguồn gốc, bà Quyên giải thích: Hình thức truy xuất thường được áp dụng là phương pháp thủ công như ghi chép, trao đổi dữ liệu xử lý bằng tay, hoặc cũng có thể được thực hiện tự động thông qua các công nghệ hỗ trợ như công nghệ thông tin (CNTT), mã số mã vạch, mã QR… để số hóa, trao đổi, truy xuất dữ liệu tự động. Xu hướng ứng dụng CNTT để xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử và áp dụng các công nghệ thu thập dữ liệu trên nhãn truy xuất nguồn gốc đang trở nên phổ biến.
Theo bà Quyên, đến nay, đã có 43 cơ sở, 251 sản phẩm đã được phê duyệt thông tin, đăng tải trên hệ thống của thành phố. Theo khảo sát, việc áp dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm giúp tăng 30% doanh thu cho doanh nghiệp tham gia. Bên cạnh đó, hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa TP. Cần Thơ có những điểm mạnh như: Bản quyền sử dụng nền tảng công nghệ CheckVN với hai phát minh, sáng chế để xây dựng hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc. Check.cantho.gov.vn là hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc gắn với quản lý chất lượng, gắn với hoạt động quản lý của cơ quan quản lý. Hệ thống tuân thủ theo các quy định về truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn GS1.
Theo chuyên gia công nghệ số Lương Ngọc Tuấn, nội hàm chính của việc CĐS có thể nói ngắn gọn trong một câu "Ứng dụng các công cụ số để tự động hóa các quy trình vận hành phù hợp rồi tiến đến tối ưu hóa".
Việc CĐS giúp tự động hóa các công đoạn trong sản xuất chế biến theo tiêu chí nhanh dễ và rẻ để các doanh nghiệp cũng như người dân có thể dễ dàng làm được. Hệ điều hành IoT kết nối mọi thiết bị từ cảm biến đầu vào đến cơ cấu chấp hành đầu ra của sản phẩm nông nghiệp vào cùng hệ thống trên Internet. Các công cụ tự động hóa nhanh chóng vận hành, giúp ngành nông nghiệp thích nghi với các điều kiện biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, nền tảng dịch vụ logistics có thể hỗ trợ các hộ sản xuất chế biến bán thẳng các sản phẩm của mình đến người tiêu dùng một cách nhanh chóng. Việc làm này nhằm đảm bảo các hộ sản xuất chế biến được hưởng ít nhất khoảng 70% giá trị gia tăng trên giá bán, còn các khâu dịch vụ logistics được hưởng khoảng 30%..../.
Theo ictvietnam.vn/
lên đầu trang