Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 01/05/2024 | 23:47

Thứ tư, 01/05/2024 | 23:47

Tin KHCN

Cập nhật lúc 07:53 ngày 23/11/2022

Kon Tum phấn đấu chuyển giao 70% kết quả nghiên cứu khoa học cho doanh nghiệp vào năm 2030

Mới đây, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Kế hoạch số 3549/KH-UBND về thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Kon Tum (Kế hoạch).
Chuyển giao 70% kết quả nghiên cứu khoa học cho doanh nghiệp vào năm 2030
Mục đích chung Kế hoạch đề ra là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của lãnh đạo các cấp, các ngành, cả trong khu vực công và khu vực tư để triển khai Chiến lược, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, phát triển kinh tế số, xã hội số giúp người dân giàu có hơn, hạnh phúc hơn, tham gia các hoạt động xã hội toàn diện hơn, thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội thuận lợi hơn, góp phần đưa tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững. 
Cũng theo Kế hoạch, đến năm 2025, tỉnh Kon Tum phấn đấu có 60% kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ sử dụng kinh phí từ ngân sách và ngoài ngân sách nhà nước được chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ứng dụng vào hoạt động quản lý, sản xuất và đời sống; Phấn đấu hàng năm có khoảng 10% doanh nghiệp sản xuất, chế biến các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh có đầu tư ứng dụng công nghệ, đổi mới công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa chủ lực, tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm và có sản phẩm đạt hạng 03 sao trở lên…
Ảnh minh họa (Nguồn ảnh: http://skhcn.kontum.gov.vn/)
Đồng thời, xây dựng Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng dịch vụ khoa học và công nghệ của tỉnh thành Trung tâm dịch vụ khoa học và công nghệ hàng đầu, đủ năng lực nghiên cứu, ứng dụng, làm chủ một số công nghệ tiên tiến, công nghệ mới để chuyển giao cho các doanh nghiệp áp dụng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế của tỉnh; Hỗ trợ hình thành cơ sở ươm tạo, tổ chức khoa học và công nghệ tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum để đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, dịch vụ khoa học và công nghệ, sở hữu trí tuệ có thế mạnh của đơn vị.
Đến năm 2030, phấn đấu có trên 70% kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ sử dụng kinh phí từ ngân sách và ngoài ngân sách nhà nước được chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ứng dụng vào hoạt động quản lý, sản xuất và đời sống; Phấn đấu hàng năm có khoảng 15% doanh nghiệp sản xuất, chế biến các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh có đầu tư ứng dụng công nghệ, đổi mới công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa chủ lực, tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm và có sản phẩm đạt hạng 03 sao trở lên; Hình thành 01 tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ; Số hóa các kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh có tiềm năng thương mại hóa trên thị trường.
Cần có giải pháp cụ thể
Để đạt được những mục tiêu trên, Kế hoạch đã đề xuất nhiều nhiều vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó, chú trọng hát triển nền móng kinh tế số và xã hội số dựa trên thể chế, hạ tầng, nền tảng số, phát triển dữ liệu số, an toàn thông tin mạng và an ninh mạng... Cùng với đó, phát triển kinh tế số và xã hội số ngành, lĩnh vực. 
Theo Kế hoạch, cần phát huy hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số các cấp trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Tổ chức các Tổ công nghệ số cộng đồng đến từng thôn, tổ dân phố với các tổ viên là cán bộ kiêm nhiệm và các thành viên tại chỗ năng nổ, nhiệt tình, được đào tạo về kỹ năng số để phổ biến hướng dẫn, trợ giúp người dân sử dụng công nghệ số và các nền tảng số “Made in Việt Nam”. Đồng thời, hợp tác giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp nền tảng số trong việc tuyên truyền, phổ biến, tập huấn kỹ năng số cho người dân thông qua việc sử dụng nền tảng số. Hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài trong việc thu hút nguồn lực, tri thức, chuyển giao công nghệ số vào tỉnh.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cũng được Kế hoạch nhấn mạnh. Trong thời gian tới, cần đẩy mạnh việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, các sự kiện về phát triển kinh tế số, xã hội số và kết quả thực hiện các nội dung của Kế hoạch; lồng ghép nội dung về kinh tế số, xã hội số trong các sự kiện, triển lãm về phát triển kinh tế - xã hội. 
Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn rộng khắp về các nền tảng số quốc gia, các mô hình kinh tế số, xã hội số điển hình trên hệ thống truyền thông từ tỉnh đến cơ sở. Triển khai các kênh tư vấn, hỏi đáp, trợ lý ảo về kinh tế số, xã hội số, hỗ trợ người dân nâng cao kỹ năng số, sử dụng nền tảng số, dịch vụ số và công nghệ số. Sản xuất các tin, bài, phóng sự, câu chuyện, phim tài liệu về kinh tế số, xã hội số trên phát thanh, truyền hình; tìm kiếm, phổ biến kinh nghiệm, câu chuyện thành công về phát triển kinh tế số và xã hội số; mở các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về kinh tế số và xã hội số.
Sở Thông tin và Truyền thông có trách nghiệm phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ các sở, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế số và xã hội số trong các ngành, lĩnh vực và tại các địa phương; chủ động nắm bắt các khó khăn, vướng mắc có khả năng ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ của kế hoạch báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ kịp thời. Kiểm tra, giám sát, định kỳ hàng năm tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình thực hiện Kế hoạch…
Xem chi tiết TẠI ĐÂY
Phương Loan
lên đầu trang