Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 27/04/2024 | 16:19

Thứ bảy, 27/04/2024 | 16:19

Tin KHCN

Cập nhật lúc 08:09 ngày 28/11/2022

Tăng cường đào tạo để làm chủ công nghệ vận hành, bảo dưỡng trong sản xuất phân bón

Các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đang nỗ lực đào tạo nhân lực và đầu tư thiết bị, dần tiến tới làm chủ công nghệ vận hành bảo dưỡng.
Xuất khẩu phân bón có thể vượt kim ngạch 1 tỷ USD trong năm 2022
Ngày 26/11, tại Đà Nẵng, Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quản lý, vận hành và bảo dưỡng dây chuyền sản xuất phân bón.
Tại hội thảo, tiến sĩ Phùng Hà - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam đánh giá, ngành phân bón Việt Nam thời gian qua đã có những bước phát triển mạnh mẽ, không chỉ chủ động được nguồn cung trong nước mà còn xuất khẩu sản phẩm sang hơn 20 quốc gia khác trên thế giới.
Hiện nay, cả nước có 4 nhà máy sản xuất urea. Trong đó 2 nhà máy sử dụng nguyên liệu than, 2 nhà máy sử dụng nguyên liệu khí; 3 đơn vị sản xuất DAP, 4 cơ sở sản xuất phân bón supe phốt phát; 3 cơ sở sản xuất lân nung chảy và hàng trăm đơn vị sản xuất phân bón NPK.
Hiện tổng nhu cầu sản xuất phân bón trong nước khoảng 11 triệu tấn/năm.
Năm 2021, cả nước xuất khẩu 1,35 triệu tấn phân bón các loại, trị giá 559 triệu USD. Năm 2022, do tình hình chung của ngành phân bón trên thế giới, xuất khẩu phân bón của Việt Nam vượt xa về lượng, có thể đạt tới mức 1,7 triệu tấn và dự kiến vượt con số kim ngạch 1 tỷ USD.
Tiến sĩ Phùng Hà cho biết thêm, mặc dù đã đáp ứng được phần lớn nhu cầu của thị trường trong nước nhưng thời gian qua, một số nhà máy sản xuất phân bón còn chú trọng vào số lượng chứ chưa thật sự quan tâm đến việc nâng cấp chất lượng sản phẩm, công nghệ. Sức cạnh tranh của ngành phân bón Việt Nam vẫn thấp vì những vướng mắc trong chất lượng và công nghệ.
Tiến tới làm chủ công nghệ bảo dưỡng
Ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng phòng công nghệ Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau chia sẻ: Nhằm nâng cao nhân sự trong lĩnh vực bảo dưỡng, nhà máy đã đầu tư cho công tác đào tạo nhân sự chất lượng cao. Đồng thời trang bị thiết bị hiện đại và bảo dưỡng hiện đại, cao cấp để đưa ra các kế hoạch bảo dưỡng phù hợp.
Đội ngũ bảo dưỡng của Đạm Cà Mau nhìn chung đã làm chủ được khoa học công nghệ và dần làm chủ việc bảo dưỡng, thậm chí còn tiến hành bảo dưỡng cho các dự án khác trong nước như Nhà máy Đạm Ninh Bình và sắp tới sẽ mở rộng đưa công tác bảo dưỡng ra nước ngoài.
Hiện đội ngũ kỹ sư Phân bón Cà Mau ngày càng cho thấy khả năng làm chủ công nghệ, hệ thống máy móc tiên tiến, độc lập bảo dưỡng toàn hệ thống hơn 2.000 hạng mục lớn nhỏ mà không cần chuyên gia nước ngoài.
Nhà máy đạm Cà Mau chính thức vận hành trở lại sau bảo dưỡng tổng thể vào ngày 4/9/2022 và đang tiến hành nâng công suất lên 115% theo kế hoạch.
Mới đây nhất, từ ngày 18/8 đến 4/9/2022, tập thể lãnh đạo và cán bộ, công nhân viên Nhà máy đạm Cà Mau đã nỗ lực hoàn thành toàn bộ đợt bảo dưỡng tổng thể định kỳ theo đúng kế hoạch. Đợt bảo dưỡng tổng thể này có 14 ngày bảo dưỡng sửa chữa, 4 ngày dừng và chạy máy, hơn 3.000 hạng mục/thiết bị được bảo dưỡng, sửa chữa, trong đó có 14 hạng mục quan trọng như: Cải tạo thiết bị hấp giải CO2, thiết bị cao áp xưởng urea, thiết bị turbine, máy nén..., giúp nhà máy duy trì vận hành tin cậy và nâng cao công suất.
Kết quả, đội ngũ vận hành đã hoàn thành nhiệm vụ dừng máy trong 36 giờ, sớm hơn 6 giờ so với kế hoạch; tạo nên cột mốc lịch sử về số giờ tiến hành dừng máy ngắn nhất từ trước đến nay trong bảo dưỡng tổng thể Nhà máy đạm Cà Mau.
Ưu tiên thiết bị trong nước
Ông Đặng Quang Hùng - Phó trưởng ban phụ trách - Ban Kỹ thuật an toàn - Nhà máy Đạm Phú Mỹ cho biết, hiện Đạm Phú Mỹ có đội ngũ khoảng 300 chuyên gia, kỹ sư được đào tạo bài bản về vận hành, bảo dưỡng với các chứng chỉ quốc tế. Từ khi hoạt động đến nay, Đạm Phú Mỹ đã thực hiện 10 đợt bảo dưỡng tổng thể, đảm bảo việc vận hành 300 ngày liên tục trong năm.
Đạm Phú Mỹ đã thực hiện 10 đợt bảo dưỡng tổng thể, đảm bảo việc vận hành 300 ngày liên tục trong năm
Ông Hùng cũng cho biết thêm, hiện công tác vận hành bảo dưỡng dây chuyền sản xuất phân bón của Đạm Phú Mỹ đã và đang tiến hành “nội địa hóa” các thiết bị sản xuất được trong nước. Đây là một việc làm có ý nghĩa thiết thực, tuy nhiên cũng là một thách thức lớn đối với công tác bảo hành, bảo dưỡng thiết bị.
Thực tế, chi phí mua thiết bị bảo dưỡng từ nước ngoài về gấp 5 đến 10 lần, nên việc sử dụng thiết bị trong nước là ưu tiên hàng đầu của Đạm Phú Mỹ. Vấn đề quan trọng nhất là kỹ sư Việt Nam có đủ trình độ để áp dụng vào vận hành sửa chữa hay không. Việc sử dụng thiết bị Việt Nam sản xuất và nâng cao đội ngũ năng lực kỹ sư của Việt Nam trong công tác vận hành bảo dưỡng dây chuyền sản xuất phân bón được Đạm Phú Mỹ đặt quan tâm lên hàng đầu.
Ông Đỗ Đức Hùng - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vật t­ư Nông sản (Apromaco) nhận định: Theo thực tế tại các nhà máy, sau 5-6 năm đi vào hoạt động, chi phí bảo dưỡng, sữa chữa thiết bị hàng năm ở các dây chuyền sản xuất phân bón phát sinh rất lớn, có thể đến 15 – 20% giá trị thiết bị máy móc đầu tư nếu không chú ý đúng mức công tác vận hành và bảo dưỡng phù hợp.
Đối với Apromaco, ngay từ khi bắt đầu xây dựng và vận hành dây chuyền sản xuất supe lân và tiếp sau là các dây chuyền sản xuất NPK, Apromaco luôn ý thức được tầm quan trọng của công tác vận hành, bảo dưỡng thiết bị và áp dụng nhiều biện pháp quản lý, giám sát và thực hiện nghiêm ngặt công tác này.
Ông Hùng cũng đưa ra nhiều bài học kinh nghiệm cần lưu ý trong công tác vận hành bảo dưỡng dây chuyền sản xuất phân bón.
Thứ nhất là là dây chuyền thiết bị phải được thiết kế vận hành một cách hợp lý, đảm bảo sự thông thoáng trong nhà xưởng.
Thứ hai là cần chuẩn hoá các hạng mục thiết bị trong dây chuyền, đưa về cùng một loại hoặc càng ít loại càng tốt để thuận tiện cho công tác bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế.
Thứ ba là ứng dụng phần mềm quản lý/lập sổ theo dõi tình trạng các máy móc thiết bị từ khi trang bị, đặc tính kỹ thuật, quá trình bảo dưỡng, sửa chữa…
Thứ tư là sử dụng các nguyên vật liệu phù hợp, ưu tiên tối đa các vật liệu có khả năng chống ăn mòn hóa học.
Thứ năm là chú trọng công tác đào tạo, huấn luyện cho đội ngũ cán bộ, công nhân về vận hành và bảo dưỡng máy móc thiết bị nhằm nâng cao tay nghề và ý thức trách nhiệm đối với sử dụng thiết bị.
Đóng góp thêm những kinh nghiệm từ Apromaco, ông Trần Anh - Tổng giám đốc Công ty Phân bón Hà Lan cũng cho rằng, để công tác bảo dưỡng thiết bị trong nhà máy phân bón được dễ dàng hơn, Phân bón Hà Lan áp dụng tất cả các hệ thống máy móc trong nhà máy đều phải có hồ sơ. Bên cạnh đó, cần hết sức chú trọng tới tuổi thọ của từng thiết bị để phân chia bảo dưỡng cho phù hợp với từng giai đoạn.
Về khía cạnh nhân lực, tại Phân bón Hà Lan, mỗi một người công nhân khi có bất kỳ tư duy cải tiến, sáng tạo nào cũng được lắng nghe, ghi nhận. “Cũng chính từ những đóng góp từ phía những người lao động trực tiếp này, chúng tôi mới biết được hệ thống máy móc đang hoạt động ra sao, cần bổ sung hay sửa chữa như thế nào, từ đó giúp cải tiến dây chuyền sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm” – ông Trần Anh cho biết.
Theo congthuong.vn/
lên đầu trang