Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 29/04/2024 | 05:05

Thứ hai, 29/04/2024 | 05:05

Tin KHCN

Cập nhật lúc 09:11 ngày 29/11/2022

Gia Lai: Thúc đẩy chuyển đổi số tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội

Tỉnh Gia Lai đặt mục tiêu đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, chỉ số chuyển đổi số của tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh khá của cả nước.
Thời gian qua, Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Gia Lai đã tham mưu tỉnh xây dựng các chủ trương, cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số của tỉnh, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; xây dựng đô thị thông minh; tạo thuận lợi cho việc triển khai các nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Nhờ đó, điều kiện sẵn sàng và mức độ chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh có nhiều tiến bộ so với trước, nền tảng dữ liệu số cũng đã dần hình thành cho phát triển chính quyền số của tỉnh.
Tỉnh Gia Lai thúc đẩy chuyển đổi số để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội
Đến nay, 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã sử dụng hóa đơn điện tử; trên 850 hộ, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai sử dụng hóa đơn điện tử; tỉnh cũng đã phát triển các sàn giao dịch thương mại điện tử địa phương; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh…
Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông tỉnh Gia Lai cho biết, ở lĩnh vực phát triển xã hội số, hạ tầng và dịch vụ bưu chính, viễn thông của tỉnh Gia Lai đã phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến thời điểm này, 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh được kết nối cáp quang đến trung tâm; tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại di động, thiết bị thông minh đạt hơn 61% dân số trưởng thành và đã từng bước tiếp cận, sử dụng các dịch vụ số phục vụ đời sống…
Ngoài ra, thành phố Pleiku, đã đưa vào hoạt động Trung tâm Điều hành đô thị thông minh (IOC). Với mục tiêu nhằm cung cấp cho lãnh đạo góc nhìn toàn diện về các hoạt động đang diễn ra trên địa bàn thành phố, trung tâm đã được tích hợp với các hệ thống thông tin ở nhiều lĩnh vực khác nhau, bảo đảm tính chân thực, chính xác, minh bạch; tạo sự tương tác trực tuyến giữa người dân-doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.
Theo đánh giá xếp hạng chuyển đổi số năm 2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, Gia Lai đứng thứ 39/63 tỉnh, thành, xếp thứ 3/5 tỉnh Tây Nguyên; chính quyền số đứng thứ 42/63, kinh tế số đứng thứ 48/63, xã hội số đứng thứ 43/63.
Ông Trương Hải Long-Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Gia Lai cho rằng, mặc dù thời gian qua, công tác chuyển đổi số của tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng công tác chuyển đổi số là một việc khó. Chính vì thế, cả hệ thống chính trị, người đứng đầu các sở, ban, ngành, chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh phải tiến hành khẩn trương, kiên trì, liên tục; kế thừa những thành tựu phát triển công nghệ, các ứng dụng và dữ liệu số đã có, đi đôi với đổi mới sáng tạo, thường xuyên tổng kết, đánh giá để có những bước đi phù hợp.
Bên cạnh đó, cần xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể thực hiện Nghị quyết với các mục tiêu, chỉ tiêu phù hợp, giải pháp cụ thể và khả thi,. Quan tâm xây dựng và sử dụng hiệu quả các dữ liệu số và các nền tảng số; trong đó cần đặc biệt chú ý việc xây dựng cơ sở dữ liệu về dân cư và định danh điện tử theo Đề án 06 của Chính phủ; cơ sở dữ liệu về đất đai, quy hoạch đô thị…
Trung tâm điều hành đô thị thông minh thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai)
“Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ này, người đứng đầu các sở, ngành và chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh phải phát huy cao nhất quyết tâm, tinh thần trách nhiệm. Trên cơ sở đó nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho từng cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân và doanh nghiệp chung tay xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số. Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu khách quan, là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.”- Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Gia Lai nhấn mạnh.
Nghị quyết 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai về Chuyển đổi số, Gia Lai đặt kỳ vọng kinh tế số sẽ chiếm tối thiểu 20% GRDP của tỉnh vào năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, góp phần tăng năng suất lao động hàng năm từ 5-10% và hoàn thành các mục tiêu về chuyển đổi số theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ….
Ông Trương Hải Long-Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai khẳng định: Với nhận thức đúng về Chuyển đổi số, quyết tâm cao và các giải pháp trọng tâm đề ra, tỉnh Gia Lai sẽ hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, tạo bước đột phá trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Gia Lai trong thời gian đến.
Theo congthuong.vn/
lên đầu trang