Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 26/04/2024 | 18:46

Thứ sáu, 26/04/2024 | 18:46

Tin KHCN

Cập nhật lúc 08:03 ngày 30/11/2022

Thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ Thủ đô

Những năm qua, TP Hà Nội đã chú trọng triển khai nhiều chương trình, giải pháp nhằm thúc đẩy thị trường khoa học và công nghệ (KH-CN) phát triển.
Tuy nhiên đến nay, thị trường KH-CN của Thủ đô vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, đòi hỏi cần có cơ chế, chính sách đột phá.
Phát triển chưa như kỳ vọng
Thời gian qua, hoạt động KH-CN của TP Hà Nội nói chung và phát triển thị trường KH-CN nói riêng đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Tính đến nay, Hà Nội đang dẫn đầu cả nước với 127 doanh nghiệp KH-CN trên tổng số khoảng 600 doanh nghiệp KH-CN. Hà Nội đã quan tâm khai thác, phát huy tiềm lực KH-CN trên địa bàn, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô. Việc khơi thông các nguồn lực, tăng cường huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho KH-CN và đổi mới sáng tạo, nhất là từ doanh nghiệp cũng đã được quan tâm hơn.
Tuy nhiên, theo TS Lê Văn Hoạt, nguyên Phó chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội, thị trường KH-CN Thủ đô thời gian qua có nhiều chuyển biến nhưng vẫn chưa được như mong đợi. Nổi lên một số hạn chế chính gồm: KH-CN chưa thực sự bám sát để phục vụ những yêu cầu của thực tiễn đời sống kinh tế-xã hội, thông tin về thị trường KH-CN còn yếu và thiếu hệ thống... Bên cạnh đó, hệ thống tổ chức trung gian (môi giới, tư vấn, giám định, đánh giá, kiểm tra, kiểm định...) chưa khẳng định được vai trò kết nối. Giới khoa học và doanh nghiệp, doanh nhân còn gặp khó khăn trong quá trình kết nối.
Khách tham quan các máy móc, công nghệ tiên tiến tại Triển lãm quốc tế lần thứ ba về công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo Việt Nam ở Hà Nội, tháng 11-2022. 
Thị trường KH-CN Thủ đô còn những hạn chế như trên là bởi hành lang pháp lý cho sự vận hành của thị trường KH-CN hiện vẫn thiếu và chưa đồng bộ với những luật pháp liên quan. Các quy định liên quan đến quyền tài sản và xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH-CN; về định giá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ; về phạm vi áp dụng kết quả; về phân chia lợi nhuận thu được từ thương mại hóa... chưa được cụ thể, dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện. Số lượng công bố khoa học quốc tế của Hà Nội đứng thứ hai cả nước, song việc chuyển giao ứng dụng vào thực tiễn còn hạn chế, việc nhân rộng mô hình nghiên cứu còn chậm.
Tạo cơ chế thúc đẩy thị trường phát triển
Với định hướng phát triển thị trường KH-CN theo hướng hội nhập, Hà Nội đã xây dựng Chương trình phát triển thị trường KH-CN đến năm 2030. Theo đó, trong giai đoạn 2022-2025, Hà Nội đặt mục tiêu hình thành và phát triển từ 3 đến 5 tổ chức trung gian trên địa bàn và kết nối vào mạng lưới các tổ chức trung gian KH-CN quốc gia, hình thành cơ sở dữ liệu về trình độ công nghệ sản xuất của 3 ngành, lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Đồng thời, Hà Nội sẽ tổ chức ít nhất từ 3 đến 4 sự kiện kết nối cung-cầu phát triển thị trường KH-CN quy mô thành phố và cấp vùng.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Sở KH-CN TP Hà Nội cho biết, để phát triển thị trường KH-CN Hà Nội đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập, UBND TP Hà Nội đã kiến nghị với Chính phủ cho phép thành phố được thử nghiệm chính sách thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới; đổi mới cơ chế quản lý cho hoạt động KH-CN và đổi mới sáng tạo, cũng như xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù của Thủ đô trong thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ, làm chủ công nghệ mới, hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng mong muốn Chính phủ hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến quỹ phát triển KH-CN trong doanh nghiệp, phân định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong hướng dẫn doanh nghiệp trích và sử dụng quỹ; thanh tra, kiểm tra và xử lý đối với doanh nghiệp không thực hiện quy định.
Các chuyên gia đề xuất, thời gian tới, Hà Nội cần tập trung phát triển các tổ chức trung gian có vai trò đầu mối trong mạng lưới, có khả năng cung cấp các dịch vụ công có tính hệ thống. Hình thành các kênh nhập khẩu công nghệ tiên tiến, ưu tiên công nghệ từ các nước phát triển. Hỗ trợ nhập khẩu, giải mã những công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch có giá trị nền tảng. Triển khai thực hiện các dự án cụ thể nhằm thu hút, phát huy hiệu quả nhân tài trong và ngoài nước tham gia hoạt động đổi mới sáng tạo, phát triển thị trường KH-CN Thủ đô nói riêng và Việt Nam nói chung. Hoàn thiện môi trường pháp lý, đẩy mạnh nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn cho phát triển thị trường KH-CN. Hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc điều tra, thống kê, đánh giá nhu cầu công nghệ, khả năng cung ứng, khai thác nguồn tài sản trí tuệ. Thực hiện các báo cáo phân tích xu hướng công nghệ, tạo áp lực cạnh tranh trong môi trường kinh doanh để thúc đẩy doanh nghiệp sử dụng công nghệ, tăng năng suất lao động.
Nguồn: www.qdnd.vn/
lên đầu trang