Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 29/04/2024 | 05:35

Thứ hai, 29/04/2024 | 05:35

Kết quả nhiệm vụ KHCN

Cập nhật lúc 08:14 ngày 30/01/2023

Xây dựng quy trình xác định hàm lượng một số kim loại trong tinh quặng antimon

Mới đây, Bộ Công Thương đã tổ chức nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn xây dựng quy trình xác định hàm lượng Sb, Au, Ag, As, Cu, Pb, Bi, Se, Sn, Cd trong tinh quặng antimon và xác định hàm lượng Au, Ag, Sb trong xỉ antimon” do Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim chủ trì thực hiện.
Sự cần thiết của antimon
Antimon là một trong những kim loại màu quan trọng và mang lại giá trị kinh tế cao. Để có thể chế biến được antimon kim loại có giá trị xuất khẩu (>99%), nhà sản xuất cần phải xác định đúng thành phần tạp có trong nguồn nguyên liệu đầu vào là tinh quặng antimon, nhằm lựa chọn công nghệ chế biến, phối trộn các hóa chất thuốc thử phù hợp để loại bỏ phần lớn tạp chất. 
Trong đó, hàm lượng các nguyên tố Sb, Au, Ag, As, Cu, Pb, Bi, Se, Sn, Cd là các chỉ tiêu đánh giá chất lượng tinh quặng antimon, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình chế biến cũng như giá trị thương mại của loại tinh quặng này.
Theo dữ liệu đánh giá của viện MIT của Mỹ, năm 2019, Việt Nam là nước xuất khẩu antimon kim loại đứng thứ 2 trên thế giới. (Nguồn ảnh: vietnamnet.vn/)
Ngoài ra, các nhà sản xuất antimon còn cần kiểm soát đến thành phần của đầu ra là xỉ antimon (bao gồm Sb, Au, Ag) để đánh giá hiệu xuất của quá trình sản xuất antimon và tận thu kim loại quý. Điều này cho thấy, việc đánh giá đúng chất lượng tinh quặng và xỉ antimon là cần thiết, nhằm phục vụ công tác sản xuất chế biến antimon trong nước, trao đổi thương mại quốc tế và nội địa, cũng như phục vụ cho các cơ quan quản lý đáp ứng yêu cầu nhập khẩu loại khoáng sản này.  
Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam vẫn chưa ban hành các tiêu chuẩn quốc gia và cũng chưa có bất kỳ đề tài nghiên cứu nào được công bố về việc xác định thành phần loại tinh quặng này. Các phương pháp phân tích áp dụng tại các phòng thí nghiệm là các quy trình nội bộ - với các bước thực hiện phức tạp, tốn thời gian, sử dụng các hóa chất độc hại đến con người và môi trường. Những điều này sẽ gây một số khó khăn trong hoạt động sản xuất antimon cũng như quá trình trao đổi thương mại và hoạt động quản lý nhập khẩu tinh quặng này trong nước. 
Vì vậy, ThS. Lê Thị Như Thủy cùng các cộng sự của Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim đã thực hiện đề tài nghiên cứu cấp Bộ: “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn xây dựng quy trình xác định hàm lượng Sb, Au, Ag, As, Cu, Pb, Bi, Se, Sn, Cd trong tinh quặng antimon và xác định hàm lượng Au, Ag, Sb trong xỉ antimon”.
ThS. Lê Thị Như Thủy - chủ nhiệm đề tài cho biết: “Mục tiêu của đề tài chính là xây dựng được dự thảo TCVN về phương pháp phân tích xác định thành phần tinh quặng antimon và xỉ antimon, với quy trình thực hiện tối ưu, tránh sử dụng hóa chất độc hại, có tính khoa học, khả năng ứng dụng, tính thống nhất cao để tiến đến ban hành tiêu chuẩn quốc gia. Từ đó các tiêu chuẩn quốc gia này được ứng dụng vào các phòng thí nghiệm tại Việt Nam, đáp ứng cho nhu cầu phân tích, nâng cao năng lực và độ tin cậy đối với phòng thử nghiệm.”
Kết quả của đề tài là cơ sở xây dựng 13 dự thảo Tiêu chuẩn Việt Nam
Sau 21 tháng thực hiện, nhóm nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu các cơ sở lý thuyết và thực tiễn để xây dựng các phương pháp phân tích xác định Sb, Au, Ag, Cu, Pb, Cd, Se, Bi, Sn, As trong tinh quặng antimon và Au, Ag, Sb trong xỉ antimon. Dựa trên quá trình tổng quan về đối tượng nghiên cứu, tình hình nghiên cứu trong ngoài nước, làm rõ các tài liệu, các công trình nghiên cứu, thông tin khoa học liên quan đến quy trình xác định thành phần hóa học của là tinh quặng antimon và xỉ antimon. Đồng thời nghiên cứu tình hình áp dụng phương pháp phân tích tại các phòng thí nghiệm, các cơ sở sản xuất antimon tại Việt Nam.
Tại buổi nghiệm thu, ThS. Lê Thị Như Thủy cho biết, đề tài đã định hướng lựa chọn và xây dựng các phương pháp phân tích phù hợp vừa đảm bảo được tính tương đương hài hòa với các phương pháp đang được áp dụng tại các nước trong khu vực và trên thế giới vừa đáp ứng với các điều kiện ở các phòng thí nghiệm tại Việt Nam. 
Các quy trình phân tích được hội đồng nghiệm thu đánh giá là có tính khoa học, thống nhất và có tính ứng dụng cao. (Nguồn ảnh: Nhóm nghiên cứu)
Mỗi quy trình phân tích được xây dựng đều đã được nghiên cứu, lựa chọn, khảo sát đánh giá, tối ưu hóa từng điều kiện phân tích, đánh giá sự ảnh hưởng của các các nguyên tố có trong nền mẫu đối với việc xác định các nguyên tố cần phân tích, nhằm đưa ra một quy trình phân tích tối ưu và hiệu quả, tiết kiệm được chi phí và thời gian phân tích, cũng như tránh sử dụng những hóa chất độc hại. Tính chính xác và độ ổn định của các phương pháp được thể hiện bằng cách đánh giá quy trình thông qua độ chụm và độ đúng, kết quả cho thấy các phương pháp đều có độ lặp lại và độ thu hồi tốt, đáp ứng yêu cầu của AOAC. 
“Ngoài ra, nghiên cứu đã thực hiện so sánh liên phòng với các phòng thí nghiệm uy tín để đánh giá độ tái lặp của phương pháp, các kết quả thu được đều chứng tỏ phương pháp có độ tin cậy cao, đáp ứng yêu cầu phân tích mẫu thực tế.” - ThS. Lê Thị Như Thủy cho hay.
Các kết quả nghiên cứu trong đề tài chính là cơ sở khoa học thực tiễn để tiến hành xây dựng 13 dự thảo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) về xác định thành phần Sb, Au, Ag, Cu, Pb, Cd, Se, Bi, Sn, As trong tinh quặng antimon và Au, Ag, Sb trong xỉ antimon. Đề tài đã tiến hành chỉnh sửa, hoàn thiện các dự thảo TCVN thông qua các góp ý của các chuyên gia phân tích đầu ngành tại hội thảo khoa học, cũng như các góp ý của các đơn vị, cơ quan liên quan. Các quy trình phân tích được hội đồng nghiệm thu đánh giá là có tính khoa học, thống nhất và có tính ứng dụng cao.
13 dự thảo TCVN về xác định thành phần Sb, Au, Ag, Cu, Pb, Cd, Se, Bi, Sn, As trong tinh quặng antimon và Au, Ag, Sb trong xỉ antimon bao gồm: 
1. TCVN xxxx : 2022 Tinh quặng antimon- Xác định hàm lượng Sb- Phương pháp chuẩn độ
2. TCVN xxxx : 2022 Tinh quặng antimon- Xác định hàm lượng Au- Phương pháp nung luyện kết hợp quang phổ hấp thụ nguyên tử ngọn lửa
3. TCVN xxxx : 2022 Tinh quặng antimon- Xác định hàm lượng Ag- Phương pháp quang phổ hấp thụ nguyên tử
4. TCVN xxxx : 2022 Tinh quặng antimon- Xác định hàm lượng Pb- Phương pháp quang phổ phát xạ nguyên tử plasma cảm ứng (ICP-OES)
5. TCVN xxxx : 2022 Tinh quặng antimon- Xác định hàm lượng Cu- Phương pháp quang phổ phát xạ nguyên tử plasma cảm ứng (ICP-OES)
6. TCVN xxxx : 2022 Tinh quặng antimon- Xác định hàm lượng Bi- Phương pháp quang phổ phát xạ nguyên tử plasma cảm ứng (ICP-OES)
7. TCVN xxxx : 2022 Tinh quặng antimon- Xác định hàm lượng Se- Phương pháp quang phổ phát xạ nguyên tử plasma cảm ứng (ICP-OES)
8. TCVN xxxx : 2022 Tinh quặng antimon- Xác định hàm lượng Cd- Phương pháp quang phổ phát xạ nguyên tử plasma cao tn cảm ứng (ICP-OES)
9. TCVN xxxx : 2022 Tinh quặng antimon- Xác định hàm lượng Sn- Phương pháp quang phổ phát xạ nguyên tử plasma cảm ứng (ICP-OES)
0. TCVN xxxx : 2022 Tinh quặng antimon- Xác định hàm lượng As- Phương pháp quang phổ phát xạ nguyên tử plasma cảm ứng (ICP-OES)
11. TCVN xxxx : 2022 Xỉ antimon- Xác định hàm lượng Au - Phương pháp chiết dung môi kết hợp quang phổ hấp thụ nguyên tử ngọn lửa (F-AAS).
12. TCVN xxxx : 2022 Xỉ antimon- Xác định hàm lượng Ag- Phương pháp quang phổ hấp thụ nguyên tử ngọn lửa (F-AAS)
13. TCVN xxxx : 2022 Xỉ antimon- Xác định hàm lượng Sb- Phương pháp quang phổ phát xạ nguyên tử plasma cảm ứng (ICP-OES)
Phương Loan
lên đầu trang