Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 26/04/2024 | 15:17

Thứ sáu, 26/04/2024 | 15:17

Đo lường - NSCL

Cập nhật lúc 07:54 ngày 22/08/2022

VIMLUKI tổ chức Hội thảo “Lấy ý kiến góp ý dự thảo Tiêu chuẩn Quốc gia về tinh quặng Antimon và xỉ Antimon – Phương pháp phân tích”

Chiều 17/8, Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim (VIMLUKI) đã tổ chức Hội thảo “Lấy ý kiến góp ý dự thảo Tiêu chuẩn Quốc gia về tinh quặng Antimon và xỉ Antimon – Phương pháp phân tích” nhằm mục đích hoàn thiện và xây dựng dự thảo Tiêu chuẩn Quốc gia về những kim loại này...
Hội thảo hướng đến mục đích hoàn thiện và xây dựng dự thảo Tiêu chuẩn Quốc gia về tinh quặng Antimon và xỉ Antimon trong quá trình khai thác, sản xuất và chế biến...
Tham dự buổi hội thảo có sự hiện diện của TS. Đào Duy Anh, Viện trưởng VIMLUKI, đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương); Vụ Tiêu chuẩn (Bộ Khoa học và Công nghệ); cùng các đại biểu là chuyên gia trong và ngoài Viện.
Tại hội thảo, ThS. Lê Thị Như Thuỷ - Chủ nhiệm đề tài đã trình bày tóm tắt các kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn xây dựng quy trình xác định hàm lượng Sb, Au, Ag, As, Cd, Pb, Bi, Se, Sn, Cd trong tinh quặng Antimon và xác định hàm lượng Au, Ag, Sb trong xỉ Antimon”. Cùng với đó, 13 dự thảo Tiêu chuẩn Quốc gia về tinh quặng Antimon và xỉ Antimon – Phương pháp phân tích cũng được đưa ra để thảo luận. 
ThS. Lê Thị Như Thuỷ cho biết, Antimon (Sb) là một trong những kim loại màu quan trọng, nguyên chất có tính đặc biệt cứng và giòn. Đây là nguyên liệu được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp như sản xuất vòng bi, trục máy, ô tô, máy bay, vật liệu chống cháy và các thiết bị ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ cao,… Đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, Antimon còn được sử dụng để chế tạo vỏ lựu đạn, chất nổ, khí tài quân sự. Với những tính chất và khả năng ứng dụng công nghiệp cao, Antimon được coi là kim loại “nắm giữ tương lai cả thế giới”.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực khai thác, chế biến và sản xuất Antimon tại Việt Nam lại chưa có Tiêu chuẩn quốc gia về tinh quặng Antimon và xỉ Antimon, khiến cho việc đánh giá chất lượng, kiểm soát các thành phần trong tinh quặng gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, theo Dự án quan sát kinh tế OEC thuộc Học viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), Việt Nam là quốc gia xuất khẩu Antimon đứng thứ hai thế giới trong năm 2019, với tổng giá trị lên tới 34,3 triệu USD. Do vậy, yêu cầu cần phải có Tiêu chuẩn quốc gia về tinh quặng Antimon và xỉ Antimon, đáp ứng nhu cầu khai thác và chế biến đang ngày càng tăng cao đối với kim loại màu quý hiếm này.
ThS. Lê Thị Như Thuỷ - Chủ nhiệm đề tài chia sẻ về những kết quả mà nghiên cứu đạt được.
Từ thực tiễn trên, ThS. Lê Thị Như Thuỷ cùng các cộng sự của Trung tâm Phân tích - VIMLUKI đã đề xuất xây dựng “Tiêu chuẩn quốc gia về tinh quặng Antimon và xỉ Antimon – Phương pháp phân tích”. Sau thời gian thực hiện, cho đến nay, nhóm nghiên cứu cơ bản đã hoàn thành việc xây dựng quy trình phân tích thống nhất cũng như đề xuất 13 dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia.
Các dự thảo bao gồm: TCVN XXXX:2021 Tinh quặng antimon – Xác định hàm lượng antimon – Phương pháp chuẩn độ; TCVN XXXX:2022 Tinh quặng antimon – Xác định hàm lượng bạc – Phương pháp quang phổ hấp thụ nguyên tử ngọn lửa; TCVN XXXX:2022 Tinh quặng antimon – Xác định hàm lượng chì – Phương pháp quang phổ phát xạ plasma cao tần cảm ứng (ICP-OES); TCVN XXXX:2022 Tinh quặng antimon – Xác định hàm lượng đồng – Phương pháp quang phổ phát xạ plasma cao tần cảm ứng (ICP-OES); TCVN XXXX:2022 Tinh quặng antimon– Xác định hàm lượng vàng – Phương pháp nung luyện kết hợp quang phổ hấp thụ nguyên tử ngọn lửa; TCVN XXXX:2022 Tinh quặng antimon – Xác định hàm lượng thiếc – Phương pháp quang phổ phát xạ plasma cao tần cảm ứng (ICP-OES); TCVN XXXX:2022 Tinh quặng antimon – Xác định hàm lượng cadimi – Phương pháp quang phổ phát xạ plasma cao tần cảm ứng (ICP-OES); TCVN XXXX:2022 Tinh quặng antimon – Xác định hàm lượng bimut – Phương pháp quang phổ phát xạ plasma cao tần cảm ứng (ICP-OES); TCVN XXXX:2022 Tinh quặng antimon – Xác định hàm lượng selen – Phương pháp quang phổ phát xạ plasma cao tần cảm ứng (ICP-OES); TCVN XXXX:2022 Tinh quặng antimon – Xác định hàm lượng asen – Phương pháp quang phổ phát xạ plasma cao tần cảm ứng (ICP-OES); TCVN XXXX:2022 Xỉ antimon – Xác định hàm lượng vàng – Phương pháp chiết dung môi kết hợp quang phổ hấp thụ nguyên tử ngọn lửa; TCVN XXXX:2022 Xỉ antimon – Xác định hàm lượng bạc – Phương pháp quang phổ hấp thụ nguyên tử ngọn lửa; TCVN XXXX:2022 Xỉ antimon – Xác định hàm lượng antimon – Phương pháp quang phổ phát xạ nguyên tử plasma cao tần cảm ứng (ICP-OES)
Các đại biểu đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo, hướng đến xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia.
Lắng nghe đại diện nhóm nghiên cứu trình bày về quá trình thực hiện, các phương pháp sử dụng cũng như những kết quả đạt được đến thời điểm hiện tại, các đại biểu tham dự đã có những ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện đề tài. Nhìn chung, các đại biểu đánh giá, nhóm nghiên cứu đã sử dụng phương pháp nghiên cứu phù hợp, nội dung nghiên cứu bám sát đề cương đã được Bộ Công Thương phê duyệt. Những kết quả của nhiệm vụ là báo cáo tổng kết và các dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia nhìn chung đã đáp ứng đầy đủ về số lượng và chất lượng.
Tuy nhiên, phía các đại biểu cũng có nhiều lưu ý. Cụ thể, nhóm nghiên cứu cần chỉn chu về mặt ngữ pháp; đồng thời sử dụng các ký hiệu, chú thích đúng, có tính đồng nhất xuyên suốt toàn bộ đề tài, tránh gây hiểu sai, hiểu không chính xác nội dung. Bên cạnh đó, đại diện phía Vụ Tiêu chuẩn góp ý, nhóm nghiên cứu cần rà soát lại các dụng cụ đo lường khi sử dụng trong đề tài vì mỗi dụng cụ sẽ có một tiêu chuẩn khác nhau… 
TS. Đào Duy Anh - Viện trưởng VIMLUKI đánh giá cao những ý kiến, đóng góp trong chương trình.
Phát biểu bế mạc hội thảo, TS. Đào Duy Anh, Viện trưởng VIMLUKI đánh giá hội thảo đã thành công tốt đẹp. Thông qua hội thảo, những ý kiến của các đại biểu đã góp phần hoàn thiện hơn đề tài nhóm nghiên cứu thực hiện, tạo nhiều thuận lợi cho nhóm khi thực hiện những giai đoạn cuối. 
Đặc biệt, Viện trưởng VIMLUKI cũng đề nghị, nhóm nghiên cứu cần tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu, từ đó rà soát cẩn thận từ những chi tiết nhỏ nhất về mặt chuyên môn như sử dụng ký hiệu, từ ngữ; trình bày rõ ràng, dễ hiểu. “Đây là dự thảo để làm tiền đề xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia, dùng để ban hành sử dụng, là tài liệu tham khảo nên không thể có sai sót” - TS. Đào Duy Anh nhấn mạnh.
Phương Loan - Quang Ngọc
lên đầu trang