Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 28/04/2024 | 06:26

Chủ nhật, 28/04/2024 | 06:26

Chính sách

Cập nhật lúc 08:47 ngày 10/02/2023

Bộ Công Thương kiến nghị sớm xem xét phê duyệt Quy hoạch điện VIII

Hiện Tờ trình Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) đã được trình lên Thường trực Chính phủ và Hội đồng thẩm định Đề án, với những quan điểm phát triển và mục tiêu khá rõ ràng, phù hợp bối cảnh mới.
Hoàn thiện Tờ trình theo đúng quy định
Trao đổi với Tạp chí Công Thương về tiến trình hoàn thiện và phê duyệt Quy hoạch điện VIII, ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết, nhận thức rõ về tầm quan trọng của Quy hoạch điện VIII, từ giữa năm 2019, trước khi nhiệm vụ lập Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành, Bộ Công Thương đã thực hiện công tác chuẩn bị và tiến hành những bước đầu để nghiên cứu, xây dựng Quy hoạch điện VIII, từ đó sớm hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong năm 2020, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai đầy đủ các bước theo đúng yêu cầu tại Quyết định số 1264/QĐ-TTg ngày 1/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch điện VIII và theo đúng quy định tại Luật Quy hoạch.
Bộ Công Thương đã tổ chức 2 cuộc Hội thảo giữa kỳ (7/2020) và cuối kỳ (9/2020) để tham vấn cộng đồng một cách công khai, minh bạch về nội dung Đề án; đăng tải toàn bộ Đề án trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ; gửi lấy ý kiến về quy hoạch ngành quốc gia gồm: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, 15 Bộ và cơ quan ngang Bộ, các Tập đoàn, Tổng Công ty trong lĩnh vực năng lượng 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Sau khi tiếp thu các ý kiến và hoàn thiện, tháng 2/2021, Bộ Công Thương đã trình Hội đồng thẩm định thông qua Quy hoạch điện VIII và đến ngày 26/3/2021 đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Quy hoạch điện VIII.
"Ở thời điểm đó, quan điểm xây dựng Quy hoạch điện VIII là đảm bảo đủ điện cho đất nước với kinh phí thấp và mức độ dự phòng tương đối cao để đảm bảo sự an toàn trong cung cấp điện", ông Hoàng Tiến Dũng cho hay.
Ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương
Tháng 4/2021, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và lãnh đạo Chính phủ yêu cầu rà soát Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương đã tiếp tục gửi lấy ý kiến của các cơ quan đối với Quy hoạch, trên cơ sở đó hoàn thiện và trình Hội đồng thẩm định Đề án, với quan điểm mới là đảm bảo cân đối vùng miền và quy mô năng lượng tái tạo cũng như dự phòng ở mức độ hợp lý. Đến ngày 8/10/2021, bản Đề án Quy hoạch điện VIII thứ 2 đã chính thức được trình lên Thủ tướng Chính phủ, tức là khoảng chưa đến 3 tuần trước khi diễn ra Hội nghị COP26.
“Như chúng ta đã biết, tại COP26, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ về việc đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Những tuyên bố này đã thay đổi toàn bộ việc phát triển ngành năng lượng, trong đó có lĩnh vực điện lực”, ông Hoàng Tiến Dũng cho hay.
Vì vậy, đã có những quan điểm chỉ đạo hoàn toàn mới về việc phát triển nguồn điện sau COP26, trong đó giảm mạnh nhiệt điện than, giảm quy mô nhiệt điện khí, tăng cường phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, thúc đẩy ứng dụng những công nghệ mới vào các dự án điện để đưa phát thải ngành điện đáp ứng yêu cầu thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26.
Bộ Công Thương đã tiếp thu nghiêm túc và đầy đủ ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học; thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng và lãnh đạo Chính phủ; cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26; ý kiến góp ý của các địa phương tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Quy hoạch điện VIII ngày 15/4/2022 để hoàn thiện nội dung Đề án.
Ngày 26/4/2022, Hội đồng thẩm định đã họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và Đề án được thông qua với số phiếu 100%. Ngày 29/4/2022, Bộ Công Thương đã trình Đề án Quy hoạch điện VIII lần thứ 3 lên Thủ tướng Chính phủ.
Sau đó, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ Công Thương đã có các văn bản báo cáo và trình Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vào ngày 11/8/2022, ngày 18/8/2022 và ngày 11/11/2022.
Ngày 16/12/2022, Bộ Công Thương đã có Tờ trình về việc phê duyệt Đề án gửi Hội đồng thẩm định Quy hoạch.
Năng lượng tái tạo chiếm trên 50% vào 2050
Theo Cục trưởng Hoàng Tiến Dũng, Quy hoạch điện VIII đã bám sát chủ trương, định hướng nêu tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045.
Trong đó, trước hết là quan điểm về bảo đảm cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước; đảm bảo tối ưu tổng thể và 5 khâu cụ thể trong mối liên hệ chặt chẽ với nhau: nguồn điện, truyền tải điện, phân phối điện, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, giá điện; bảo đảm giá điện tối ưu, phù hợp với sức chịu đựng của nền kinh tế và thu nhập của người dân; phát triển đồng bộ nguồn và lưới điện, hướng tới cân bằng nội vùng cao nhất, giảm truyền tải điện đi xa, giảm tổn thất điện năng, hạn chế tối đa xây dựng mới các đường dây truyền tải điện liên miền.
Cùng với đó Quy hoạch điện VIII cũng quán triệt nghiêm túc quan điểm về nâng cao tính tự chủ của ngành điện và giảm thiểu sự phụ thuộc vào nước ngoài; đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời,…) một cách hợp lý gắn với bảo đảm an toàn vận hành và tính kinh tế chung của hệ thống; ưu tiên nguồn điện năng lượng tái tạo phục vụ tiêu thụ tại chỗ, đặc biệt điện để sản xuất những nguồn nhiên liệu mới, nhiên liệu xanh như hydro, amoniac xanh,…; ưu tiên phát triển các dự án điện rác, điện đồng phát, điện sinh khối để tận dụng phụ phẩm nông - lâm nghiệp, thúc đẩy trồng rừng.
Lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương phát biểu tại Hội nghị thúc đẩy sản xuất tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023
Đối với các dự án nhiệt điện, ưu tiên phát triển tối đa các dự án nhiệt điện khí sử dụng nguồn khí tự nhiên trong nước để đảm bảo tính độc lập, tự chủ của hệ thống.
Đối với các dự án điện LNG, phát triển ở quy mô hợp lý, hạn chế việc nhập khẩu nhiên liệu, giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài và tính toán đến việc chuyển đổi dần sang sử dụng nguyên liệu hydro.
Đối với các dự án nhiệt điện than, sau năm 2030 sẽ không phát triển thêm loại hình này, những dự án có công nghệ lạc hậu sẽ xem xét dừng sau khoảng 40 năm vận hành và định hướng chuyển đổi các nhà máy nhiệt điện than sang sử dụng đốt kèm với sinh khối/amoniac.
Tại Tờ trình mới nhất của Bộ Công Thương gửi Hội đồng thẩm định Quy hoạch điện VIII, chúng tôi đưa ra kịch bản cơ sở là năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện đạt 121.757 MW, định hướng năm 2050 đạt 368.461 MW (không tính điện mặt trời mái nhà, nguồn cấp phụ tải riêng và đồng phát).
Trong đó, tỷ lệ công suất các nguồn năng lượng tái tạo (ngoài thủy điện) tăng từ 18% năm 2030 lên tới 54,8% năm 2050. Tỷ trọng điện năng từ các nguồn này tăng từ 11,6% năm 2030 lên 54,8% năm 2050.
Ở kịch bản cao, năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện đạt 134.594 MW, định hướng năm 2050 đạt 498.108MW (không tính điện mặt trời mái nhà, nguồn cấp phụ tải riêng và đồng phát).
Trong đó, tỷ lệ công suất các nguồn năng lượng tái tạo (ngoài thủy điện) tăng từ 20,7% năm 2030 lên tới 59,1% năm 2050. Tỷ trọng điện năng từ các nguồn này tăng từ 13,9% năm 2030 lên 58,2% năm 2050.
Cần khẩn trương phê duyệt Quy hoạch điện VIII
Đối với năm 2023, Bộ Công Thương đánh giá việc đảm bảo cung ứng điện là tương đối chắc chắn, bởi các dự án nguồn điện vẫn đang được triển khai và sẽ đưa vào vận hành trong năm nay cũng như các dự án lưới điện hiện có và chuẩn bị được đưa vào vận hành sẽ góp phần đảm bảo cung ứng điện năm 2023.
Tại Hội nghị thúc đẩy sản xuất tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023 mới đây, Bộ Công Thương đã kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt Quy hoạch điện VIII, bởi đây là quy hoạch thực sự quan trọng, là căn cứ cho nhiều quy hoạch ngành khác có liên quan và cơ sở để triển khai các dự án điện trên phạm vi cả nước, đặc biệt khi còn nhiều dự án nguồn điện, lưới điện vẫn chưa được đưa vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh trước đó, dù đã có những thay đổi nhất định về phụ tải. Do vậy, cần khẩn trương xem xét, phê duyệt Quy hoạch điện VIII để cập nhật, bổ sung kịp thời các dự án này, đặc biệt các dự án lưới điện cung cấp điện cho miền Bắc.
Mặt khác, các dự án điện cần thời gian tương đối dài để thực hiện, các dự án lưới điện thì khoảng 2-3 năm nhưng dự án nguồn điện có thể cần đến 6-7 năm.
Đơn cử, đối với các dự án điện gió ngoài khơi, khung thời gian phát triển thậm chí kéo dài tới 5-11 năm, bao gồm các bước: khảo sát, cấp phép, phát triển dự án, chuẩn bị thi công, thi công, chạy thử.... Trong khi đó, Việt Nam đặt mục tiêu 7.000 MW điện gió ngoài khơi vào năm 2030, hiện đã bước sang năm 2023, nếu Quy hoạch điện VIII không được phê duyệt kịp thời thì mục tiêu này nói riêng và các mục tiêu khác về quy hoạch điện lực sẽ khó mà thực hiện được.
Tại Hội nghị thúc đẩy sản xuất tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023 diễn ra ngày 3/2/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành Công Thương trong thời gian tới, mà trước hết là tập trung cho 4 quy hoạch ngành được giao chủ trì gồm: Quy hoạch Điện lực quốc gia; Quy hoạch Tổng thể về Năng lượng quốc gia; Quy hoạch Hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia; Quy hoạch Thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản.
Đây đều là các quy hoạch ngành rất quan trọng và rất khó, nhất là Quy hoạch Điện lực quốc gia và Quy hoạch Tổng thể về Năng lượng quốc gia. Cho đến nay, các quy hoạch này đã được hoàn thành và đang trong giai đoạn thẩm định để phê duyệt theo quy định.
Theo Thủ tướng, quy hoạch vừa phải bảo đảm tiến độ, vừa phải bảo đảm chất lượng, góp phần thúc đẩy phát triển đúng hướng, mang lại lợi ích cho người dân và đất nước.
Theo tapchicongthuong.vn/
lên đầu trang