Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 29/04/2024 | 10:26

Thứ hai, 29/04/2024 | 10:26

Tin KHCN

Cập nhật lúc 08:05 ngày 15/03/2023

Ngành Công Thương Quảng Ninh ưu tiên phát triển hạ tầng thương mại số

Việc phát triển hạ tầng thương mại số là một trong những nhiệm vụ được tỉnh Quảng Ninh tích cực triển khai, nhằm đẩy mạnh việc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cụ thể, ngành Công Thương tỉnh Quảng Ninh đã liên tục phát triển, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại, hạ tầng số, đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tổng thể, toàn diện trong tất cả các lĩnh vực phụ trách. Trong đó đặc biệt tập trung phát triển hệ thống hạ tầng thương mại, góp phần tạo ra hệ thống chợ, trung tâm thương mại và siêu thị phát triển tương đối nhanh, góp phần đẩy mạnh hoạt động trao đổi giao lưu hàng hóa phục vụ đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội. 
Quá trình phát triển nhanh chóng này đã giúp Quảng Ninh có hệ thống hạ tầng thương mại dày đặc với 135 chợ, 26 siêu thị, 07 trung tâm thương mại, 139 cửa hàng tiện lợi, 25 trung tâm, điểm bán hàng và giới thiệu sản phẩm OCOP; 6 kho, 223 cửa hàng xăng dầu. Các siêu thị và trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi hàng hóa đa dạng, phong phú, bảo đảm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ; hàng hóa được niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, trang thiết bị và trình độ quản lý tốt, thuận tiện cho khách tới tham quan, mua sắm, đảm bảo văn minh thương mại. 
Người dân, du khách mua sắm hàng hóa tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Đông 2022. (Ảnh: quangninh.gov.vn/)
Cùng với sự phát triển của hệ thống chợ, trung tâm thương mại, ngành Công Thương Quảng Ninh cũng tiên phong trong việc phát triển thương mại điện tử gắn với mục tiêu chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Theo số liệu từ Cổng thông tin điện tử về quản lý cơ sở dữ liệu đăng ký, thông báo website/ứng dụng TMĐT của Bộ Công Thương, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 148 website về TMĐT. Trong đó, có 143 website có chức năng bán hàng và 5 website có chức năng là sàn giao dịch TMĐT. Tại các sàn TMĐT ghi nhận lượng lớn sản phẩm OCOP được bày bán, với 267 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3-5 sao. Riêng Sàn giao dịch TMĐT Quảng Ninh (http://teqni.gov.vn) đang giới thiệu 383 sản phẩm OCOP, trong đó có 172 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên. Ngoài ra, Quảng Ninh cũng đang xúc tiến, thương mại sản phẩm OCOP, cung cấp thêm các tính năng trải nghiệm mới cho người dùng trên sàn TMĐT mới ở địa chỉ: http://ocop.com.vn.
Đối với các doanh nghiệp, tỉnh cũng chủ trương cung cấp hệ thống hỗ trợ giao dịch trực tuyến, tích hợp thanh toán, hóa đơn điện tử và các giải pháp xác thực thông tin giao dịch, triển khai trung tâm giải quyết tranh chấp kết hợp với thanh toán đảm bảo. Ngoài ra, tỉnh cũng tổ chức các cuộc hội thảo, tiếp xúc kết nối giữa doanh nghiệp TMĐT (online) với doanh nghiệp phân phối truyền thống (offline) và các nhà sản xuất thông qua các chương trình như: Phân phối thực phẩm an toàn, khuyến mại trực tuyến, nhằm tăng cường hợp tác trong cộng đồng doanh nghiệp và củng cố, nâng cao niềm tin của người tiêu dùng vào giao dịch TMĐT.
Nhờ những hỗ trợ và định hướng phát triển đúng đắn của ngành Công Thương nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung, ngày càng nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động đưa sản phẩm của mình lên sàn TMĐT để chào bán, quảng bá sản phẩm, hình ảnh thương hiệu giúp tăng doanh thu và lợi nhuận bán hàng. Nhờ đó mà trong năm 2022, doanh thu từ hoạt động thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh ước đạt trên 7,9 nghìn tỷ đồng, đóng góp 10,8% tổng mức bán lẻ hàng hóa.
Dù ghi nhận những kết quả tích cực, nhưng theo đánh giá chung của Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh, quá trình triển khai các mục tiêu chuyển đổi số, phát triển hạ tầng thương mại điện tử vẫn còn những khó khăn nhất định: tốc độ đường truyền trong việc thực hiện ứng dụng phần mềm vẫn còn chậm; một số sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3 sao trở lên có thời hạn bảo quản ngắn, không phù hợp với điều kiện vận chuyển về thời gian; một số sản phẩm thủy sản, rau củ... có điều kiện đặc thù cần bảo quản đông lạnh trong thời gian vận chuyển không thể vận chuyển qua đường bưu chính của các đơn vị chủ quản sàn TMĐT.
Ngày càng nhiều người dân chuyển sang mua sắm trên các sàn thương mại điện tử (Ảnh: vnbusiness.vn/)
Do đó, trong năm 2023, ngành Công Thương tỉnh Quảng Ninh xác định nhiệm vụ trọng tâm sẽ là giải quyết các khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; triển khai các kịch bản phát triển hạ tầng thương mại, hạ tầng số trong các lĩnh vực của ngành quản lý; ưu tiên triển khai hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, triển khai rộng rãi hệ thống tự động hóa, nhằm tạo nền tảng vững chắc, giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh, khai thác tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại để phát triển sản xuất và xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. 
Bên cạnh việc quản lý, vận hành có hiệu quả sàn TMĐT của tỉnh, Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh tiếp tục phối hợp với Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) hỗ trợ, kết nối các sản phẩm OCOP Quảng Ninh tham gia “Gian hàng Việt trực tuyến” các sàn TMĐT uy tín trong nước; tổ chức các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực xuất khẩu và quảng bá sản phẩm trên các sàn TMĐT xuyên quốc gia như: Alibaba, Amazon.
Theo chương trình phát triển kinh tế xã hội đến năm 2025, tỉnh Quảng Ninh đề ra mục tiêu sẽ có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, 50% siêu thị, trung tâm mua sắm, cơ sở phân phối hiện đại, các hộ gia đình và cá nhân sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng. Doanh số giao dịch TMĐT loại hình doanh nghiệp – người tiêu dùng sẽ tăng bình quân 15%/năm. Đồng thời có 80% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử, thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn đặt hàng thông qua các phương tiện điện tử; 90% các giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng TMĐT có hóa đơn điện tử...
Quang Ngọc

lên đầu trang