Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 27/04/2024 | 19:52

Thứ bảy, 27/04/2024 | 19:52

Tin KHCN

Cập nhật lúc 08:49 ngày 29/03/2023

Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2022: Việt Nam tăng hạng đáng kể ở trụ cột thể chế

Theo Báo cáo GII 2022, Việt Nam xếp thứ 48/132 nền kinh tế (giảm 4 bậc so với năm 2021), nằm trong Top 50 và xếp thứ 2 trong nhóm 36 nền kinh tế thu nhập trung bình thấp, xếp thứ 10 trong số 17 nền kinh tế ở Đông Nam Á, Đông Á và châu Đại dương.
Ngày 03/10/2022, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các tổ chức quốc tế tại Geneva (Thụy Sỹ) và Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) tổ chức Hội thảo công bố, giới thiệu Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST) toàn cầu (Global Innovation Index - GII) năm 2022 và kết quả của Việt Nam. Trước đó, ngày 29/9/2022 tại Geneva, WIPO đã công bố GII 2022. Theo Báo cáo GII 2022, Việt Nam xếp thứ 48/132 nền kinh tế (giảm 4 bậc so với năm 2021), nằm trong Top 50 và xếp thứ 2 trong nhóm 36 nền kinh tế thu nhập trung bình thấp, xếp thứ 10 trong số 17 nền kinh tế ở Đông Nam Á, Đông Á và châu Đại dương.
Kết quả ấn tượng ở trụ cột Thể chế và Sản phẩm sáng tạo
Chỉ số GII dùng để đo lường, đánh giá, xếp hạng kết quả ĐMST quốc gia gồm 2 cấu phần lớn là đầu vào ĐMST với 5 trụ cột (Thể chế; Nguồn nhân lực và nghiên cứu; Cơ sở hạ tầng; Trình độ phát triển của thị trường; Trình độ phát triển của kinh doanh) và đầu ra ĐMST với 2 trụ cột (Sản phẩm tri thức và công nghệ; Sản phẩm sáng tạo). Mỗi trụ cột GII được cấu thành từ 3 nhóm chỉ số, mỗi nhóm có 3-5 chỉ số thành phần. 
Tổng số có 21 nhóm chỉ số được cấu thành từ khoảng 80-82 chỉ số thành phần (điều chỉnh theo từng năm). Nhiều quốc gia đang sử dụng GII như công cụ quan trọng trong quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) cũng như để xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội dựa trên KH,CN&ĐMST.
Toàn cảnh hội thảo từ đầu cầu Hà Nội.
Năm 2022 là năm WIPO có điều chỉnh lớn nhất cả về phương pháp tính toán và chỉ số thành phần của GII do tác động của đại dịch Covid-19 và tình hình kinh tế - chính trị thế giới. Cụ thể, trong 81 chỉ số, WIPO đã thay đổi phương pháp tính toán cho 3 chỉ số, bổ sung 7 chỉ số, loại bỏ 7 chỉ số, thay đổi nguồn dữ liệu của 1 chỉ số. WIPO nhấn mạnh những điều chỉnh này ảnh hưởng đến việc so sánh thứ hạng giữa các năm của từng quốc gia.
Báo cáo GII 2022 cho biết, GII của Việt Nam xếp hạng 48/132 quốc gia (giảm 4 bậc so với năm 2021). Năm nay, Việt Nam đứng thứ 2 (sau Ấn Độ) trên 36 quốc gia/nền kinh tế có mức thu nhập trung bình thấp được xếp hạng; xếp thứ 10/17 nền kinh tế ở Đông Nam Á, Đông Á và châu Đại dương; tiếp tục xếp thứ 4 như năm 2021 (sau Singapore, Malaysia, Thái Lan) trong khu vực Đông Nam Á. Một số chỉ số đã có cải thiện đáng chú ý:
- So với năm 2021, trụ cột Thể chế tăng 32 bậc, từ thứ hạng 83 lên 51. Ba nhóm chỉ số trong trụ cột này đều có sự tăng hạng: Môi trường kinh doanh xếp hạng 30 (tăng 71), Môi trường chính trị xếp hạng 50 (tăng 8 bậc), Môi trường pháp lý xếp hạng 96 (tăng 2 bậc).
- So với năm 2021, trụ cột Cơ sở hạ tầng tăng 8 bậc, từ thứ hạng 79 lên 71. Ở trụ cột này có 2/3 nhóm chỉ số tăng hạng: Công nghệ thông tin và truyền thông xếp hạng 70 (tăng 9 bậc), Cơ sở hạ tầng chung xếp hạng 42 (tăng 5 bậc).
- Nhóm chỉ số Đầu tư thuộc trụ cột Trình độ phát triển của thị trường có sự tăng hạng mạnh mẽ (xếp thứ 52, tăng 59 bậc so với năm 2021). - Nhóm chỉ số Liên kết ĐMST thuộc trụ cột Trình độ phát triển của kinh doanh tăng 10 bậc so với năm 2021, xếp thứ 48 (trước đó, năm 2021 đã tăng 17 bậc, từ thứ hạng 75 năm 2020 lên 58 năm 2021).
- So với năm 2021, trụ cột Sản phẩm sáng tạo tăng 7 bậc, từ thứ hạng 42 lên 35. Có 2/3 nhóm chỉ số của trụ cột này tăng hạng: Tài sản vô hình xếp hạng 28 (tăng 7 bậc), Sáng tạo trực tuyến xếp hạng 45 (tăng 4 bậc). 
Bên cạnh đó, nhóm chỉ số Giáo dục đại học xếp hạng 90 (như năm 2021); nhóm chỉ số Bền vững sinh thái xếp hạng 113 (giảm 18 bậc so với năm 2021); nhóm chỉ số Lao động có kiến thức xếp hạng 68 (giảm 2 bậc so với năm 2021); Nhập khẩu và Xuất khẩu công nghệ thông tin và truyền thông (trên tổng giao dịch thương mại) chưa được cải thiện, tiếp tục giảm và ở thứ hạng thấp (xếp hạng 120 và 130)…
Cần thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu và phát triển
Báo cáo GII năm 2022 của WIPO cũng ghi nhận các quốc gia đã cải thiện về GII trong những năm qua như Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Philippines và Việt Nam với nhiều lý do khác nhau như phát huy chính sách về công nghiệp, chính sách tạo điều kiện thúc đẩy ĐMST, phát triển năng lực công nghệ trong nước, trong việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Phát biểu tại hội thảo, ông Sacha Wunsch - Vincent - Chuyên gia cao cấp của WIPO cho biết, Việt Nam có sự nổi trội trong số các quốc gia mà WIPO có hợp tác. Việt Nam đang tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. WIPO đánh giá Việt Nam có thể hướng tới nhóm 40 quốc gia/nền kinh tế hàng đầu về GII. 
Tuy nhiên, ông Sacha Wunsch - Vincent cũng khuyến cáo, Việt Nam cần thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu và phát triển.
Ông Marco M. Aleman - Trưởng Cơ quan Hệ sinh thái ĐMST và sở hữu trí tuệ, Trợ lý, Đặc phái viên Tổng Giám đốc WIPO cho biết, GII được thiết kế làm công cụ hoạch định chính sách ĐMST cho các quốc gia trên thế giới. 
Năm 2022, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 2 trong số các nước thu nhập trung bình thấp. Việt Nam là quốc gia đã có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ về ĐMST trong 12 năm liền. Đồng thời là một trong số ít các nước đang trong quá trình tự tạo ra những sản phẩm ĐMST riêng của quốc gia mình. Những sáng kiến, tốc độ vượt bậc này thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong thúc đẩy ĐMST và tăng trưởng kinh tế - xã hội. WIPO sẽ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam để giúp ĐMST là một yếu tố thúc đẩy tạo công ăn việc làm và tăng trưởng của Việt Nam.
Bà Lê Thị Tuyết Mai - Đại sứ, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva cho biết, trong cuộc họp của Tổng Giám đốc WIPO với đại sứ các nước tại Geneva để thông báo về Báo cáo GII, WIPO cho rằng, thành tích về ĐMST của Việt Nam rất đáng tự hào, cao hơn so với mức độ tăng trưởng GDP và Việt Nam cũng đã tạo ra nhiều kết quả đầu ra ĐMST so với mức độ đầu tư cho ĐMST. *
Kết quả GII của Việt Nam 2022 và những năm gần đây là thành quả của những nỗ lực to lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ KH&CN trong việc ban hành và thực thi các văn bản liên quan đến KH,CN&ĐMST mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức trong và sau dịch Covid-19. Việc tiếp tục giữ vững vị trí của Việt Nam trong nhóm 50 quốc gia dẫn đầu về ĐMST từ 2017 đến nay cũng cho thấy sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Chính phủ đã được chuyển hóa thành hành động cụ thể của các bộ, ngành, địa phương trong việc cải thiện năng lực ĐMST của Việt Nam.
Nguồn: Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Số 11 năm 2022
lên đầu trang