Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 11/05/2024 | 12:46

Thứ bảy, 11/05/2024 | 12:46

Tin KHCN

Cập nhật lúc 08:07 ngày 03/04/2023

Nâng cao năng suất nhờ dây chuyền chiên tôm Tempura bán tự động

Với mục tiêu sản xuất tôm chiên Tempura đạt năng suất cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường, PGS.TS Võ Tường Quân và cộng sự ở Trung tâm Nghiên cứu Thiết bị và Công nghệ Cơ khí Bách khoa thuộc Trường Đại học Bách Khoa TPHCM đã nghiên cứu, thiết kế chế tạo dây chuyền chiên tôm Tempura bán tự động.
Giải quyết hạn chế của phương thức chế biến tôm Tempura cũ
Trong các sản phẩm chế biến tôm xuất khẩu thì tôm chiên Tempura là mặt hàng được ưa chuộng trên thị trường kể cả trong nước và nước ngoài. Đây là mặt hàng chủ lực của nhiều công ty chế biến tôm xuất khẩu tại Việt Nam nói chung và tại TP.HCM, các tỉnh thành khu vực Nam bộ nói riêng. 
Tempura tôm là món ăn được ưa chuộng nhất, có giá trị gia tăng cao của các công ty chế biến tôm xuất khẩu. (Ảnh minh họa: nguyenhafood.vn/)
Tuy nhiên, quá trình sản xuất và chế biến tôm chiên Tempura trong nước hiện nay còn phụ thuộc nhiều vào sức người. Tại các nhà máy chế biến tôm chiên Tempura xuất khẩu, hầu hết việc chiên tôm Tempura đều được thực hiện thủ công bởi đông đảo đội ngũ công nhân. Việc này hiện tại tiêu tốn rất nhiều nguồn lực của đội ngũ công nhân và đôi khi chất lượng tôm chiên thành phẩm không đồng nhất. 
Trong khi đó, theo đánh giá của nhóm triển khai nhiệm vụ, phương thức chế biến tôm Tempura đông lạnh tại Việt Nam còn tồn đọng nhiều vấn đề cần giải quyết. Các hệ thống dạng này tuy đơn giản, không tốn nhiều chi phí đầu tư, nhưng nếu xét trong dài dạn thì năng suất không cao, cũng như không đảm bảo được sự đồng bộ, đáp ứng tiêu chuẩn cần có của các sản phẩm để xuất khẩu sang các thị trường "khó tính" như Nhật Bản, Liên minh châu ÂU (EU)"...
Do đó, PGS.TS Võ Tường Quân và nhóm cộng sự tại Trung tâm Nghiên cứu Thiết bị và Công nghệ Cơ khí Bách Khoa (thuộc Trường Đại học Bách Khoa, ĐHQG TPHCM) đã thực hiện nhiệm vụ khoa học - công nghệ "Nghiên cứu, thiết kế chế tạo dây chuyền chiên tôm Tempura bán tự động" với mục tiêu nghiên cứu ra dây chuyền giúp sản xuất tôm chiên Tempura đạt năng suất cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Mang lại hiệu quả kinh tế cao
Dây chuyền gồm các cụm chức năng chính như cụm chiên tôm lần 1 (định hình tôm); cụm phun bột lên tôm; cụm chiên tôm lần 2 (làm chín tôm); cụm làm ráo bớt dầu trong tôm sau khi chiên; hệ thống lọc dầu (sử dụng chung với hệ thống lọc dầu tổng của nhà máy); hệ thống nén khí không dầu (Oil free). Vì đây là dây chuyền sử dụng trong lĩnh vực chế biến thực phẩm nên toàn bộ nguyên liệu chế tạo và truyền động cho toàn bộ dây chuyền đều được sử dụng thép không rỉ (SUS 304).
Dây chuyền chiên tôm Tempura bán tự động. (Ảnh: Nhóm nghiên cứu)
Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, phương án sử dụng băng tải dẫn động khuôn chiên đã được chọn, vì khi sử dụng hệ thống khuôn chiên được dẫn động bằng băng tải thì đơn vị sản xuất có thể đảm bảo được thời gian chiên tôm và chất lượng tôm sau khi chiên, cũng như xác định vị trí tôm để thực hiện các hoạt động mong muốn như phun bột lên các bề mặt, lật tôm, lấy tôm ra khỏi hệ thống. 
Dây chuyền được thiết kế để chiên tôm có kích cỡ thông dụng từ 12-20cm, năng suất ước đạt khoảng 20.000 con tôm/10 giờ. Khuôn chiên có thể thay đổi theo các hình dạng khác nhau để tạo các hình dáng tôm theo yêu cầu từ khách hàng.
"Thực tế triển khai tại Trung tâm cho thấy, hệ thống hoạt động ổn định, vận hành dễ dàng, điều khiển bởi các nút nhấn đơn giản, với ba công nhân thực hiện. Trong đó, một công nhân thực hiện việc bỏ tôm vào khuôn, một công nhân giám sát cụm chiên lần 1 và một công nhân giám sát cụm chiên lần 2."PGS.TS Võ Tường Quân cho hay. 
Đây chuyền được đánh giá là mang lại nhiều lợi ích thiết thực như: giá thành của dây chuyền này chỉ bằng 50% so với các dây chuyên chiên tôm Tempura bán tự động có tính năng và hiệu suất tương tự nhập ngoại; việc bảo trì, bảo dưỡng nhanh chóng khi có sự cố xảy ra; có thể linh hoạt thay đổi cấu hình, cấu trúc máy để có thể chiên được nhiều dạng sản phẩm.
Dây chuyền đã được chuyển giao cho Công ty Cổ phần Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex) đưa vào sản xuất.
Đề tài của nhóm tác giả đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu, xếp loại đạt. Về hướng phát triển trong thời gian tới, nhóm triển khai nhiệm vụ bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ Sở KH&CN TP.HCM, các đơn vị liên quan cũng như từ phía cộng đồng doanh nghiệp để cải tiến một số tính năng cho dây chuyền vừa hoàn thiện, như nâng cấp hệ thống làm mát, hệ thống thu hồi nhiệt, và hệ thống bơm bột liên tục; hay bổ sung hệ thống phun bột để có thể phát triển dây chuyền chiên tôm 1 mặt như hiện này thành dây chuyền chiên 2 mặt hoặc có thể thay đổi cấu hình để có thể biến đổi dây chuyền này phục vụ cho nhiều sản phẩm chiên bán tự động hoặc tự động khác trong lĩnh vực thủy sản.
Phương Linh
lên đầu trang