Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 04/05/2024 | 11:44

Thứ bảy, 04/05/2024 | 11:44

Tin KHCN

Cập nhật lúc 13:35 ngày 04/12/2017

Cơ hội gia nhập chuỗi cung ứng của doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ Việt Nam

Vai trò quan trọng của công nghiệp phụ trợ

Công nghiệp phụ trợ là các ngành sản xuất phụ tùng, linh kiện phục vụ cho công đoạn lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh; toàn bộ các ngành tạo ra các bộ phận của sản phẩm cũng như tạo ra các máy móc, thiết bị hay những yếu tố vật chất khác góp phần tạo thành sản phẩm. Khái niệm công nghiệp phụ trợ trên thực tế chủ yếu sử dụng trong các ngành công nghiệp có sản phẩm đòi hỏi sự kết nối của nhiều chi tiết phức tạp, tính chính xác cao, dây chuyền sản xuất đồng loạt với các công đoạn lắp ráp tách biệt. 

Tại hội thảo “Chính sách công nghiệp quốc gia của Việt Nam đến năm 2025”, Tiến sỹ Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ dù Việt Nam là nước đi sau nhưng trình độ trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ còn thấp, chưa ứng dụng được nhiều thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất trong khi năng lực của doanh nghiệp lại yếu kém, chưa bắt kịp với xu hướng đi lên của thế giới. Hơn nữa do trình độ phát triển thấp nên không bảo đảm được lợi thế kinh tế về vĩ mô cho công nghiệp hỗ trợ và không đảm bảo được trình độ nhân lực chất lượng cao để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh cho toàn ngành. 

TS. Trương Thị Chí Bình, Giám đốc Trung tâm phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết tại hội thảo về ngành ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam 2017 diễn ra giữa tháng 6/2017 rằng Chính phủ đã nhận ra vai trò của công nghiệp phụ trợ. Đặc biệt, trong vòng 1 và 2 năm gần đây, nhiều cơ quan Nhà nước đã cùng có sự quan tâm đến lĩnh vực này với những kế hoạch rõ ràng hơn. Việc nội địa hóa để củng cố ngành công nghiệp phụ trợ đang là yêu cầu bấp bách hiện nay. Trong tương lại gần, Việt Nam cần phát triển công nghiệp hỗ trợ để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, trở thành cơ sở sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm của công nghiệp phụ trợ. 

Cũng tại hội thảo này, ông Hironobu Kitagawa, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) nhận định điều đáng tiếc là tỷ lệ nội địa hóa nguyên vật liệu tại Việt Nam còn thấp khiến cho chi phí sản xuất sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam khá lớn. Hạn chế này tạo ra trở ngại không nhỏ đối với các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Nhật Bản khi muốn hợp tác trung và dài hạn với các doanh nghiệp Việt Nam. 

Cơ hội cho doanh nghiệp phụ trợ đang rộng mở

Vào đầu năm 2017, Tập đoàn Hyundai Motor Hàn Quốc đã cùng với Công ty Hyundai Thành Công ký thỏa thuận về đầu tư Trung tâm sản xuất xe du lịch Hyundai tại Việt Nam, vừa tiêu thụ tại thị trường trong nước, vừa xuất khẩu sang thị trường Asean. 

Đồng thời, ngày 2/9/2017, Tập đoàn Vingroup khởi công Dự án Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast tại khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải (Hải Phòng). Mục tiêu của Vinfast là trở thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu Đông Nam Á với công suất thiết kế lên đến 500.000 xe/năm vào năm 2025, sản phẩm chủ lực là ô tô động cơ đốt trong, ô tô sử dụng động cơ điện và xe máy điện thân thiện với môi trường. Vinfast cho biết sẽ hỗ trợ và hợp tác với các nhà sản xuất Việt Nam để cùng sản xuất và phát triển các linh kiện, từng bước đạt được tỷ lệ nội địa hóa 60%, làm chủ công nghệ và hướng tới xuất khẩu sang các quốc gia trong khu vực. 

Việc nhiều dự án sản xuất ô tô được khởi động trong bối cảnh năm 2018 sắp đến, khi thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ khối các nước ASEAN về 0% (nếu đáp ứng yêu cầu nội địa hóa khu vực trên 40%) theo hiệp định thương mại tự do AFTA, thúc đẩy các doanh nghiệp phụ trợ trong nước tăng cường đầu tư để nắm bắt cơ hội.

 Như CTCP Seoul Metal Việt Nam (SMV), vốn chuyên sản xuất đinh ốc vít siêu nhỏ cung cấp cho sản xuất điện thoại di động, máy in, camera, đang hướng đến việc sản xuất đinh, ốc vít to hơn cung ứng cho ngành công nghiệp ô tô và công nghệ thông tin. Ông Cha Gyun Young, Tổng giám đốc Công ty cho biết hướng đi này là nhằm cung cấp ốc vít cho các công ty viễn thông thay thế sản phẩm đến từ Trung Quốc, đồng thời đón đầu việc Hyundai lên kế hoạch đầu tư vào miền Bắc Việt Nam và Tập đoàn Vingroup khởi động dự án Vinfast tại Hải Phòng cũng như chính sách nội địa hóa nền công nghiệp sản xuất ô tô của Chính phủ Việt Nam.

Được biết, với mục tiêu tăng nhận diện ở thị trường Việt Nam, tăng tỷ lệ nội địa hóa cả thị trường lẫn vốn, Công ty nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng và tháng 9 vừa qua đã được Ủy ban chứng khoán Nhà nước công nhận là công ty đại chúng. Công ty cũng đang chuẩn bị nộp hồ sơ đăng ký niêm yết lên Sở giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE). 

Một đơn vị khác, CTCP Đầu tư Thương mại SMC (HOSE: SMC) nhận định theo xu hướng ngày càng phát triển của thị trường và xã hội, tiêu dùng thép trong lĩnh vực cơ khí chính xác, công nghiệp phụ trợ, xe máy, ô tô, điện tử, điện gia dụng … với ứng dụng của các sản phẩm thép dẹt như cán nóng, cán nguội, thép phủ mạ cao cấp sẽ tăng lên đáng kể. Đây là các lĩnh vực cần công đoạn gia công chuyên biệt với yêu cầu cao về độ chính xác và chất lượng. Tại Việt Nam, lĩnh vực này chủ yếu được đầu tư bởi các doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc như Sumitomo Corp, POSCO, JFE Shoji với tiềm lực tài chính, kinh nghiệm và chuỗi quan hệ kết nối tốt với các doanh nghiệp đồng hương. 

Với kinh nghiệm gần 10 năm trong mảng gia công chế biến các sản phẩm thép dẹt và đang có 3 nhà máy gia công cắt, xả thép cuộn tại KCN Phú Mỹ, KCN Tân Tạo, KCN Quang Minh – Hà Nội với tổng công suất là 350.000 tấn/năm, SMC hiện là doanh nghiệp nội địa duy nhất tham gia và chiếm thị phần lớn trong lĩnh vực này. Ban lãnh đạo Công ty cho biết vẫn đang tiếp tục chú trọng đầu tư, nâng cấp thiết bị, máy móc, nhà xưởng để tăng công suất các nhà máy hiện tại, đồng thời xem xét đầu tư thêm nhà máy mới, mở rộng và hướng tới nhóm khách hàng ở phân khúc cao cấp hơn, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI có đầu tư ngày càng nhiều tại Việt Nam. 

SMC đã đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về chất lượng của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước gồm Panasonic, Sanyo Haier, Daikin… nhờ đầu tư nghiêm túc vào thiết bị và công nghệ đồng bộ, hiện đại cũng như xác định đúng hướng hoạt động chuyên biệt và chuyên nghiệp. 

Hay CTCP Nhựa Hà Nội (UPCoM: NHH) chuyên sản xuất các chi tiết nhựa trong chế tạo xe máy và ô tô, là đối tác cung cấp phụ tùng cho các doanh nghiệp lớn như Honda, Toyota, Piaggio, SYM, Ford. Đồng thời, Công ty cũng có phát triển thêm nhiều ngành hàng như điện – điện tử, phụ tùng ô tô, các linh kiện cho ngành xây dựng, khuôn mẫu chính xác, kích thước lớn cung cấp cho Panasonic, LG Việt Nam… Cơ cấu khách hàng của Nhựa Hà Nội có đến 90% là khách hàng có yếu tố nước ngoài. 

Xét về tổng quan, tuy năng lực của doanh nghiệp phụ trợ Việt Nam vẫn còn yếu kém, chưa bắt kịp với xu hướng đi lên của thế giới nhưng vẫn có các cá thể nổi bật, hoàn toàn có thể cạnh tranh và thâm nhập được vào chuỗi cung ứng.

Theo Cổng thông tin điện tử Công nghiệp hỗ trợ

lên đầu trang